Nguồn sống của những tác phẩm báo chí

Đã từng rất nhiều lần tôi phân vân liệu mình có hợp với nghề báo hay không? Mình có yêu nghề hay không? Mình có nên tiếp tục theo đuổi nghề hay không?,…
Tác giả trong chuyến tác nghiệp tại Trạm ra-đa 595 Hòn Khoai, Cà Mau.
Tác giả trong chuyến tác nghiệp tại Trạm ra-đa 595 Hòn Khoai, Cà Mau.

Tôi tin trong chặng đường làm nghề, sẽ có nhiều đồng nghiệp cũng băn khoăn giống tôi. Và tôi đã tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Nghề báo mang lại cho tôi nhiều cơ hội được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Những chuyến đi ấy mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm ý nghĩa về cuộc đời, con người, về nghề nghiệp của mình, càng cảm thấy trân quý nghề báo mà mình lựa chọn. Và, tôi nhận ra, tôi rất yêu những câu chuyện, những nhân vật của mình. Đó chính là nguồn sống trong những “đứa con tinh thần” của tôi.

Đóa hoa hướng dương hướng về phía mặt trời

Tôi nhớ như in ngày tôi đến phỏng vấn chàng thanh niên bị bại não thể co cứng có tên Vũ Quốc Hùng (nghệ danh Thiên Ngôn), SN 1993 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Dù bị bệnh nặng nhưng Hùng vẫn luôn lạc quan, không ngừng cố gắng, nỗ lực để viết lên kỳ tích cuộc đời mình bằng tình yêu với âm nhạc. Hùng tâm sự, trước đây anh cảm thấy mình như người vô dụng, ngay đến việc vệ sinh cá nhân cũng không thể tự mình làm. Nhiều lúc cảm thấy chán trường rồi tự đặt câu hỏi liệu mình có thể làm được điều gì cho cuộc đời này?

Thế nhưng giữa cơn khốn khó ấy, anh đã tìm thấy chân lý của cuộc đời. Hùng nhận ra bản thân được sinh ra trong cuộc đời đã là một niềm may mắn và cũng chỉ được sinh ra một lần nên phải sống cho ra sống. Sống là không chờ đợi, không bao giờ được đầu hàng trước khó khăn, thử thách mà phải biết vươn lên, hướng về ánh mặt trời, như loài hoa hướng dương anh thích nhất.

Nghĩ là làm, Hùng miệt mài cố gắng học cả văn hóa, âm nhạc, vi tính,… Những đêm khuya thức trắng, những giọt mồ hôi đầm đìa sau lưng áo và cả sự bất lực, tuyệt vọng khi không thể viết cho “ra hồn” bài hát đã không thể làm Hùng gục ngã. Quả ngọt của anh chính là gia tài sáng tác đồ sộ, trong đó nhiều ca khúc được các ca sĩ nổi tiếng thể hiện. Và giờ đây, anh cũng có cuộc sống hạnh phúc viên mãn khi tìm được “một nửa” của mình và có một cô con gái đáng yêu. Hùng đã giúp tôi nhận ra rằng, nếu như ông trời có ban cho chúng ta một số phận “khác người” thì hãy cứ sống thật tử tế, bản lĩnh, sẵn sàng đối đầu với mọi thử thách một cách kiên cường như bao người.

Người thầy quân hàm xanh gieo ước mơ cho học trò

Một trong những chuyến công tác để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc chính là lần đi thăm và chúc Tết các chiến sĩ bộ đội ở hải đảo Tây Nam của Tổ quốc. Ở nơi ấy, nhiệm vụ dù có gian nan, vất vả và cả hiểm nguy đến đâu thì trái tim trong lồng ngực những người lính lúc nào cũng rạo rực một tình yêu nồng ấm với quê hương, đất nước để rồi chỉ cần Tổ quốc, Nhân dân gọi tên mình, các anh đều sẵn sàng cống hiến.

Trong số những người lính ấy có thầy Trần Bình Phục - bộ đội biên phòng Hòn Chuối đã có hơn chục năm gắn bó với lớp học 0 đồng, thắp lên ước mơ, một tương lai tươi đẹp cho trẻ em Hòn Chuối. Năm 1997, khi cơn bão Linda ập đến và tàn phá tỉnh Cà Mau, thầy Phục tham gia đoàn công tác cứu nạn tại đảo Hòn Chuối.

Điều đầu tiên cũng là điều ám ảnh nhất với thầy khi đó là những đứa trẻ nơi đây không biết đọc, biết viết, chúng sống hoàn toàn theo bản năng, có gia đình 3 đời không biết chữ, quanh năm chỉ biết đến sông nước. Với họ chỉ có đi câu, đi đánh cá thì mới có tiền mua cái ăn, bằng không, chỉ còn cách chịu đói. Nhìn vào sâu thẳm ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ, thầy Phục nhen nhóm ước mơ được ra đây dạy học và phải viết đơn đến lần thứ 6 mới được đơn vị đồng ý.

Thầy Phục chia sẻ, khó khăn nhất vẫn là giai đoạn “dân vận” để các gia đình cho con em mình đến lớp. Thầy phải mất 1 năm chỉ để làm công tác tư tưởng. Rất nhiều lần, thầy bị bố mẹ của những đứa trẻ dùng lời lẽ không hay chỉ trích, đe dọa. Thầy còn bị những đứa trẻ “ghét” ra mặt vì tự dưng đến “bắt” chúng đi học. Rồi có cả những lần thầy bật khóc trước mặt học trò vì chúng không cần học, chỉ cần đi câu cá để kiếm tiền mua cái ăn,…

Thuyết phục cha mẹ của những đứa trẻ đã khó, tạo được niềm yêu thích với học tập cho học trò còn khó hơn. Học hành với chúng là điều gì đó quá xa vời, nhất là không tạo cho chúng cái ăn hàng ngày như theo cha mẹ đi câu. Thế nhưng thầy vẫn không ngừng hy vọng, ngày ngày đến thuyết phục các gia đình, động viên học trò. Cuối cùng, công sức của thầy đã không uổng phí. Phụ huynh đồng ý cho con em đến lớp, học trò cũng say mê học và hiểu được tấm chân tình của thầy.

Trò chuyện với chị chủ quán ăn gần lớp học ấy, tôi được biết, hầu hết những đứa trẻ trên đảo Hòn Chuối đều có hoàn cảnh khó khăn, có những ngày chúng đến lớp với cái bụng đói meo, không thể tập trung học bài. Biết trò đói, thầy đến gặp chị chủ quán ăn gần lớp, nhờ chị: “Chị cứ bán đồ ăn cho chúng, bao giờ có lương, tôi gửi chị”. Biết được tấm lòng của thầy, những đứa trẻ thương thầy lắm. Chúng dặn nhau: “Bọn mình ăn nửa gói mì thôi, ăn nhiều, thầy không có tiền đâu”. Chị chủ quán kể lại cho thầy nghe, thầy lại động viên chúng: “Nếu các con thương thầy thì cứ ăn no để học cho tốt. Thầy sẽ có tiền trả. Mấy đứa cứ yên tâm”.

Nghe trò nói, thầy Phục cảm thấy rất vui vì những đứa trẻ dù còn nhỏ nhưng đã biết lo lắng cho người khác. Tuy nghèo nhưng chúng thật thà, nhặt được tiền của ai đó đánh rơi, dù nhỏ hay to, cũng đều mang đến lớp để thầy tìm cách trả lại. Thầy Phục luôn mong muốn những đứa trẻ tại hòn đảo nghèo khó này biết yêu con chữ để rồi chính chúng sẽ thay đổi cuộc đời mình. Có lẽ vì vậy mà chưa bao giờ thầy gục ngã trước những khó khăn, kể cả những điều tưởng chừng như không thể vượt qua. Niềm hạnh phúc nhất của thầy Phục chính là khi được nhìn thấy nụ cười của những đứa trẻ. Chúng có ước mơ trở thành bác sĩ, giáo viên,… để trở về xây dựng quê hương mình.

Có đứa bảo: “Thầy ơi, giờ thầy cõng con, mai này, con lớn, con cõng thầy nhé”. Cũng đúng thôi, bởi thầy Phục chính là người cõng chữ lên đảo, mang mùa xuân về cho Hòn Chuối, thắp lên ngọn lửa hoài bão, ước mơ cho những đứa trẻ từng suýt mịt mù về tương lai.

Mỗi chuyến đi, mỗi nhân vật đều mang lại cho tôi những cảm xúc thiêng liêng về nghề báo, để viết nên những tác phẩm báo chí ý nghĩa, có sức lan tỏa đến mọi người. Dù có những lúc gặp khó khăn, thử thách thì chỉ cần nhớ về quãng đường mình đã đi, những câu chuyện, con người mình đã gặp, tôi càng có động lực để bước tiếp với nghề.

Tôi thường có thói quen, trong mỗi cuộc phỏng vấn nhân vật, không bao giờ chỉ gói gọn câu chuyện trong khuôn khổ những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn. Tôi thường trò chuyện, chia sẻ với nhân vật về công việc, cuộc sống,…Tôi cũng tìm đến những người xung quanh họ để thấu hiểu họ hơn. Vì chính những cuộc trò chuyện đó, tôi lại “thu lượm” được những câu chuyện hay, những chi tiết đắt giá đưa vào bài viết, nâng giá trị của bài lên nhiều hơn.
Trân trọng những tác phẩm báo chí có chất lượng về giáo dục và vì giáo dục
Phát động “Cuộc thi sáng tác các tác phẩm báo chí về những tấm gương tiêu biểu nghề công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2020”
Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao
Món “đặc sản” để giữ chân độc giả

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.