Thể loại phim kinh dị áp đảo giải thưởng Cánh diều 2021

Nhìn danh sách 11 tác phẩm điện ảnh dự giải thưởng Cánh diều 2021, thể loại phim kinh dị áp đảo số lượng, trong đó bộ phim “Lật mặt: 48h” đạt doanh thu trăm tỉ phòng vé Việt.
Thể loại phim kinh dị áp đảo giải thưởng Cánh diều 2021
Dàn diễn viên trong bộ phim "Rừng thế mạng"

Khi phim giật gân, kinh dị chiếm vị trí “thượng phong”

Giải thưởng điện ảnh Cánh diều 2021 ghi nhận 11 tác phẩm điện ảnh tham dự hạng mục phim truyện điện ảnh gồm: “Cơn giông” (đạo diễn Trần Ngọc Phong); “Lật mặt:48h” (đạo diễn Lý Hải); “Bẫy ngọt ngào” (đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư); “Rừng thế mạng” (đạo diễn Trần Hữu Tấn); “Người lắng nghe: Lời thì thầm” (đạo diễn Khoa Nguyễn); “Chìa khóa trăm tỉ (Phim re-make từ phim Key of Life, đạo diễn Võ Thanh Hòa); “Nhà không bán” (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường); “Đêm tối rực rỡ” (đạo diễn Aaron Robert Toronto); “Bình minh đỏ” (đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân - Trần Chí Thành); “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác” (đạo diễn Hàm Trần - Nguyễn Phan Quang Bình); “Nghề siêu dễ” (Phim re-make, đạo diễn Võ Thanh Hòa).

Nhìn vào danh sách phim điện ảnh tham dự giải Cánh diều 2021, dễ dàng nhận thấy thể loại phim giật gân, kinh dị có số lượng áp đảo khi chiếm 4/11 tác phẩm tham dự giải. Trong đó, có bộ phim “Rừng thế mạng” là phim Việt Nam đầu tiên về chủ đề sinh tồn.

Việc các thể loại phim kinh dị chiếm vị trí “thượng phong” phòng vé Việt năm 2021 cho thấy xu hướng giải trí của khán giả thay đổi và sự “mạo hiểm” của các nhà làm phim. Những năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên điều kiện làm phim gặp nhiều khó khăn. Trong khi, phim kinh dị Việt được đánh giá là khó nhằn khi đầu tư kinh phí lớn, nội dung khó khai thác, hơn nữa mảng phim còn đối mặt với vấn đề kiểm duyệt gắt gao. Nhờ tinh thần sáng tạo, dấn thân các nhà làm phim đã vượt qua vật cản để chinh phục mảng đề tài “nặng đô” này.

Mặc dù là mảng đề tài hấp dẫn phòng chiếu Việt, thế nhưng thể loại kinh dị ra mắt lại đúng điểm rơi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên thất thu phòng vé. “Rừng thế mạng” (đạo diễn Trần Hữu Tấn) chỉ đạt doanh thu 14 tỉ đồng, trong đó “Nhà không bán” đạt 28 tỉ đồng, “Người lắng nghe – Lời thì thầm” đạt 2,2 tỉ đồng; “Đêm tối rực rỡ” trở thành hiện tượng bộ phim độc lập khi đạt doanh thu 20,7 tỉ đồng.

Trong 11 tác phẩm điện ảnh dự giải Cánh diều 2021, doanh thu trăm tỉ kể tới “thương hiệu” của nhà sản xuất, đạo diễn Lý Hải với tác phẩm “Lật mặt:48h” đạt 150 tỉ đồng sau hai tuần công chiếu. Bộ phim tâm lý, hài hước “Bẫy ngọt ngào” cũng “lội ngược dòng” thành công khi cán đích doanh thu 83 tỉ đồng. Là bộ phim ra mắt dịp 30/4, bộ phim “Nghề siêu dễ” hiện đạt doanh thu 68,5 tỉ đồng.

Trái ngược với không khí sôi động phòng vé của thể loại phim giải trí thì các bộ phim do Nhà nước đặt hàng như “Cơn giông” (đạo diễn Trần Ngọc Phong); Bình minh đỏ” (đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân - Trần Chí Thành) vẫn là màu sắc ảm đạm thường thấy.

Thể loại phim kinh dị áp đảo giải thưởng Cánh diều 2021
"Lật mặt: 48h" đạt doanh thu 150 tỉ đồng

Bộ phim “trăm tỉ” sẽ giành chiến thắng?

Vài năm gần đây, giải thưởng Cánh diều Vàng vinh danh các bộ phim đạt được hai yếu tố chất và lượng. Phải kể tới hai bộ phim từng “oanh tạc” phòng vé Việt là “Mắt biếc” với doanh thu 180 tỉ đồng và “Bố già” đạt doanh thu lịch sử điện ảnh Việt 400 tỉ đồng. Không chỉ là bộ phim ăn khách màn ảnh, hai tác phẩm cũng để lại nhiều dấu ấn với khán giả và các nhà chuyên môn điện ảnh. Cả hai phim xướng danh giải thưởng Cánh diều vàng 2019, 2020.

Tại Cánh diều vàng 2021, trong danh sách top 11 thì chỉ duy nhất có bộ phim “Lật mặt: 48h” là đạt doanh thu “trăm tỉ”. Đây cũng là cơ hội đầu tiên để “Lật mặt: 48h” chấm điểm tiêu chuẩn về sức hút từ khán giả.

Năm nay, giải thưởng Cánh diều vàng 2021 vẫn nhất quán với tiêu chí: "Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật biểu hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực".

Nhìn chung, các tác phẩm dù được đánh giá cao, chất lượng chưa đồng đều. Trước đó, “Bẫy ngọt ngào” - bộ phim tâm lý khai thác mặt tối của hôn nhân gây nên nhiều tranh cãi, dàn diễn viên Bảo Anh, Minh Hằng và Diệu Nhi đảm nhận các vai chính lại phải chật vật tìm sự đột phá. Nhờ hiệu ứng truyền miệng, bộ phim “lội ngược dòng” và cuối cùng cán đích doanh thu 83 tỉ đồng.

Một tác phẩm khác là phim "Nhà không bán" của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường. Ngay từ đầu, phim không được đánh giá cao so với những phim ra rạp cùng thời điểm. Số suất chiếu thấp, quảng bá không nhiều, dàn diễn viên không phải sao phòng vé, lại là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn chuyên trị phim truyền hình nhưng sau vài suất chiếu, “Nhà không bán” được đánh giá ổn về chất lượng so với một số phim khác.

Phim tạo được hiệu ứng truyền miệng, phản hồi tốt trên mạng xã hội đã kéo lượng khán giả lớn tìm đến phim và suất chiếu được nâng dần. Cuối cùng, “Nhà không bán” gặt hái doanh thu 28 tỉ đồng.

“Chìa khóa trăm tỷ” giành lợi thế nhờ hai gương mặt nam, nữ chính thuộc top sao là Kiều Minh Tuấn và Thu Trang. Bộ phim đạt doanh thu 65,3 tỉ đồng.

Sự chênh lệch về doanh thu và chất lượng phim quá lớn cũng là một bài toán “cân não” để những người “cầm cân nảy mực” trao hạng mục giải thưởng Cánh diều 2021.

Hi vọng các nhà chuyên môn sẽ tìm ra bộ phim ấn tượng trao giải, tạo “cú hích” cho điện ảnh Việt phát triển, tránh tình trạng “cả làng cùng vui” để giải thưởng uy tín thoát khỏi danh xưng “ao làng”.

Trao giải Cánh diều 2021 vào tháng 8 tới
Mạnh Trường hóa giải “vận đen” trong nghiệp diễn

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.