Cụ bà 70 năm “thổi hồn” vào những tà áo dài truyền thống

Bà Lê Thị Quyến (SN 1940) bắt đầu học may áo dài từ năm 12 tuổi. Hơn 70 năm gắn bó với từng đường kim, mũi chỉ, bà Quyến luôn giữ gìn những kỹ thuật truyền thống của làng tổ nghề may áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng bà Lê Thị Quyến vẫn tâm huyết với nghề may áo dài truyền thống
Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng bà Lê Thị Quyến vẫn tâm huyết với nghề may áo dài truyền thống

Tiệm may tồn tại qua hai thế kỷ

Hà Nội không thiếu những thương hiệu may áo dài nổi tiếng, những cửa hàng áo dài đẹp, sang trọng. Nhưng muốn tìm về một Hà Nội xưa cũ, nhiều người vẫn lựa chọn những nhà may áo dài có chữ “Trạch” trong tên gọi. Đó là những cửa tiệm có nguồn gốc từ làng may áo dài truyền thống Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Cửa hàng may Vinh Trạch ở số 23 Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những tiệm may như vậy.

Tương tự những cửa hiệu khác ở phố cổ, tiệm may Vinh Trạch chỉ rộng hơn chục mét vuông, không trang trí lộng lẫy, sáng choang và cũng không cầu kỳ trong cách quảng cáo, mời gọi khách hàng. Nhà may Vinh Trạch gợi nhớ về một Hà Nội thân quen những năm 1990. Chủ nhân của tiệm may đã gắn bó với nghề may qua hai thế kỷ. Đó là bà Lê Thị Quyến, có hơn 70 năm cặm cụi bên chiếc máy khâu để giữ nghề may áo dài truyền thống.

Bà Lê Thị Quyến là hậu duệ đời thứ 4 của một gia đình có nghề may áo dài truyền thống ở Hà Nội. Sinh thời, cha mẹ bà là những thợ phó có tiếng tại làng may áo dài truyền thống Trạch Xá, nên từ nhỏ bà đã sớm tiếp thu những tinh hoa của nghề may. Năm 12 tuổi, bà Quyến theo chân cha đi khắp Hà thành để may đo cho khách hàng. Vốn là con nhà nòi, nhanh nhẹn, khéo léo, năm 13 tuổi bà đã tự tay may được một chiếc áo chần bông. Chẳng mấy chốc, bà đã hoàn thiện được chiếc áo dài hoàn chỉnh đầu tiên cho khách hàng.

Lớn lên, bà tham gia HTX may đo Dân Chủ. Cũng nhờ nghề may áo dài, bà Quyến đã gặp gỡ và nên duyên với người bạn đời là ông Lê Thành Vinh, một thợ may áo dài có tiếng của làng Trạch Xá. Đến những năm 1990, sau khi đất nước xóa bỏ bao cấp, hai ông bà mở tiệm may Vinh Trạch. Đây cũng là một trong những tiệm may đầu tiên được mở trên phố Lương Văn Can.

Theo bà Quyến, để làm ra một chiếc áo dài truyền thống mất rất nhiều công sức và thời gian. Với mong muốn giữ gìn nét truyền thống, các công đoạn tạo ra chiếc áo dài phải làm bằng tay, hạn chế sử dụng máy móc, trừ công đoạn vắt sổ vải. Bà cho biết: “Một chiếc áo dài đẹp nhất là phải được chăm chút từng đường kim, mũi chỉ”.

Bà Quyến luôn kỹ tính từ việc chọn chất liệu vải, kiểu dáng, họa tiết trang trí để phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Mọi công đoạn may áo dài được bà chăm chút, cẩn thận từng chi tiết. Bà Quyến chia sẻ bí quyết nhỏ để làm ra một chiếc áo dài đẹp: “Muốn may áo dài đẹp thì phải có đôi mắt nhìn dáng người của khách hàng chuẩn. Khi đo xong, người thợ phải dùng tay cầm kim dọc sao cho không bị lệch hướng để khâu đường tà đều tăm tắp và được đường chỉ nhỏ xíu.

Người “giữ lửa” nghề may áo dài truyền thống

Ở độ tuổi xế chiều, là bà, là cụ của một đại gia đình, người ta hầu như đã an nhàn hưởng tuổi già thì bà Lê Thị Quyến vẫn ngày ngày cần mẫn với nghề may đo áo dài truyền thống. Đôi mắt tinh anh xâu kim không cần tới kính, đôi tay khéo léo từng mũi chỉ đơm. Thứ khiến bà gắn bó với chiếc áo dài truyền thống chính là tình yêu nghề.

Bà Quyến tâm sự, áo dài từ lâu đã trở thành một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam nói chung và nét đẹp của thiếu nữ Hà thành nói riêng nên với bà, việc cắt may để tạo ra những chiếc áo dài chính là niềm hạnh phúc.

Theo bà Quyến, vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống nằm ở sự mềm mại, dịu dàng và kín đáo, điều đó được thể hiện ở chiếc cổ cao, bờ vai tròn trịa mềm mại với hai tà áo thướt tha. Tuy kín đáo nhưng chiếc áo dài cũng đầy nữ tính, gợi cảm. Nếu người phương Tây thích khoe cổ, khoe tay thì chiếc áo dài với đường lượn ở đáy eo cũng đã tạo nên bao sự gợi cảm, cuốn hút. Điều này hoàn toàn phù hợp với văn hóa mặc rất đặc trưng, đẹp nền nã, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Dù các con thành đạt, nhưng bà Quyến vẫn tự mình làm chủ kinh tế, chưa cần phải nhờ tới các con cháu. Bà cho biết, bản thân còn sức khỏe là còn gắn bó với nghề. “Làm nghề từng đó năm, nghề đã ngấm vào máu. Chừng nào mắt còn tinh, tay còn khỏe, thì tôi vẫn làm”, bà Quyến chia sẻ.

Với kinh nghiệm gần 70 năm gắn bó trong nghề, được coi là tay nghề lão luyện, nhưng bà Quyến lại cho rằng, bản thân vẫn cần học hỏi thêm mỗi ngày. Lý do bởi văn hóa mặc của khách hàng ngày càng thay đổi nhiều. Mỗi lần làm ra sản phẩm áo dài, mặc dù nhận được rất nhiều lời khen ngợi của khách hàng nhưng bà vẫn luôn ngắm nhìn, đánh giá lại nó khi được mặc lên người, xem cần sửa, thay đổi và cần rút kinh nghiệm gì hay không.

Bà Quyến tâm sự, tiệm may của bà có rất nhiều “khách ruột”, đến đây may áo dài để mặc vào mỗi dịp quan trọng, hay đơn giản chỉ là mặc đi chơi. Bà nhớ mãi kỷ niệm với một vị khách trẻ tuổi, tầm đôi mươi, sắp sửa sang nước ngoài du học. Cô gái ấy đến nhờ bà may hai chiếc áo dài truyền thống để mặc trong ngày đầu tiên nhập học, với mong muốn mang giá trị văn hóa Việt giới thiệu tới bạn bè thế giới.

Ngoài ra, tiệm may của bà còn thu hút nhiều khách ngoại quốc đến tham quan và đặt may áo dài như một cách khám phá văn hóa Việt. Mỗi kỷ niệm với nghề đều in sâu trong trái tim bà Quyến, thôi thúc, cổ vũ bà tiếp tục phát triển nghề may truyền thống của gia đình, cũng là cách để giữ gìn hồn cốt Việt qua chiếc áo dài mãi mãi về sau.

Bà Quyến sinh được 7 người con. Tất cả 7 người đều có công việc riêng ổn định nhưng vẫn nối nghiệp bố mẹ như một nghề tay trái. Trong đó, người con trai cả và người con gái thứ 5 đã nối nghiệp bà Quyến và xây dựng thêm cơ sở riêng trên phố Lương Văn Can. Tính đến nay, gia đình bà Quyến đã có 5 đời làm nghề may đo áo dài.
Nét duyên tà áo dài Việt
Lê Dơn - Nơi gìn giữ nét đẹp truyền thống của áo dài

Nguyễn Hạnh - Mai Dung

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.