Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng diễn ra vừa qua, nhận định về thị trường bất động sản (BĐS), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thông tin, thị trường BĐS hiện nay đã hạ nhiệt tại nhiều nơi so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giá vẫn ở mức cao.
Tốc độ phát triển nhà cao tầng quá nhanh dọc 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương tạo nên áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Tốc độ phát triển nhà cao tầng quá nhanh dọc 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương tạo nên áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Chất lượng tư vấn chưa cao

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, với những quy hoạch đã tốt không nên điều chỉnh, song cũng không nên cứng nhắc bởi quy hoạch đô thị sau 10-20 năm không phù hợp có thể điều chỉnh. Nguyên tắc chung là hạn chế điều chỉnh, ưu tiên các tiện ích công cộng, cây xanh, môi trường thay vì chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư.

Đại diện Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc phải điều chỉnh quy hoạch, đó là chất lượng tư vấn chưa cao, trong quá trình triển khai phải điều chỉnh. Ngoài ra, còn có sự chồng chéo phải điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, để đảm bảo công tác quy hoạch cần có sự kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, sự giám sát của người dân, sự phát hiện thông tin của báo chí… Việc điều chỉnh cần được báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, đảm bảo điều kiện, không tùy tiện.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết thêm, hiện nay có nhiều nguồn vốn dành cho thị trường BĐS nhưng thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn từ phát hành trái phiếu DN và tín dụng. Hiện các nguồn vốn này đang được kiểm soát để thị trường phát triển theo hướng lành mạnh chứ Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định không có chủ trương siết vốn vào BĐS, nhất là các phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.

"Trước động thái này, tốc độ tăng giá của thị trường BĐS đã chậm lại nhưng có hạ hay không thì chưa thể khẳng định được. Tuy nhiên, thị trường cũng nên trở về mức giá hợp lý," Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, giá BĐS tăng cao có nhiều nguyên nhân, một phần do nguồn cung hạn chế, tín dụng điều chỉnh chưa tốt; thông tin về thị trường chưa kịp thời, chính xác, nên có hiện tượng lợi dụng thông tin để nâng giá, thổi giá. Trước thực tế nêu trên, Bộ Xây dựng có nhiều văn bản đôn đốc, cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thị trường BĐS đến thời điểm hiện nay so với cùng kỳ 2021 và cuối năm 2021 đã có nhiều nơi đã hạ nhiệt mặc dù giá vẫn còn cao.

Cần quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư?

Một trong những nội dung được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là đề xuất của Bộ Xây dựng bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong nội dung chính sách về sở hữu nhà ở thay cho quy định thời hạn sở hữu lâu dài như hiện nay. Liên quan đến nội dung này, ông Khởi chia sẻ, phương án 1 là bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng. Phương án 2 là thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.

Đề xuất này dựa trên nhiều cơ sở, cả về yêu cầu trong quản lý, sử dụng nhà chung cư vì có liên quan đến tài sản và tính mạng của nhiều người. Cùng đó là căn cứ vào thực tế các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Khởi, nội dung này sẽ phải đồng bộ với hệ thống quy định và luật liên quan.

Theo quy trình xây dựng luật, đây cũng mới chỉ là trình chủ trương, đề xuất chính sách để Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật. Trong quá trình xây dựng luật, cơ quan chức năng còn phải nghiên cứu, lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng điều chỉnh mà cụ thể ở đây là người dân. Trong hướng xử lý khi nêu vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng đưa đề xuất xử lý từng phương án cụ thể.

Liên quan đến vấn đề trên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), hiện nay chưa nên áp dụng việc chung cư có thời hạn mà chỉ giới hạn thời gian sử dụng chung cư khi công trình này xuống cấp nghiêm trọng với sự giám định chất lượng kỹ lưỡng. Tâm lý của đa số người Việt đều muốn sở hữu nhà ở lâu dài và thói quen sử dụng nhà chung cư chỉ mới được định hình trong một thập niên trở lại đây. Vì thế, đề xuất này có thể khiến thị trường chung cư suy giảm.

Ông Châu cũng cho rằng, đối với nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải kiểm định chất lượng công trình nhưng vẫn phải bảo đảm quyền sở hữu căn hộ, diện tích xây dựng khác và quyền sử dụng đất của các chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định về đất đai, về nhà ở.

"Ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng chưa có đề xuất siết phát hành trái phiếu. Thị trường vốn và trái phiếu BĐS có liên hệ mật thiết với nhau. Do đó khi điều chỉnh vốn hay trái phiếu sẽ có ảnh hưởng đến thị trường BĐS", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết.
Cán bộ thuế không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển nhượng bất động sản
Đẩy mạnh “tiền phòng-hậu kiểm” với thuế chuyển nhượng bất động sản
Siết chặt thu thuế chuyển nhượng bất động sản: Khó khăn khi xác định giá giao dịch thực
Hoạt động cho thuê văn phòng sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022?
Chủ đầu tư dự án Vĩnh Lộc D’gold mong muốn tìm được sự cảm thông từ khách hàng

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.