Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý Nhà nước

Tại tiêu chí 18 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, có quy định về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Đây là cơ sở quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý Nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn...
Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý Nhà nước
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm Hợp tác xã Rau hữu cơ xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn

Cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện

Ngày 22/7/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, các tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ngày 8/3/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định 318/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới có 19 tiêu chí.

Tại tiêu chí 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Đây là cơ sở quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý Nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Việc quy định tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã nông thôn mới nâng cao và huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện bảo đảm tính tương thích, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, gắn kết các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới với xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở cơ sở và thúc đẩy, cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống tinh thần nói chung và đời sống pháp lý của người dân.

Việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, Nhân dân; đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật và xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại góp phần vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở cấp xã.

Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý Nhà nước
Đến nay, thành phố có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, trong quý 1/2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành thành phố; Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, giải pháp linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19, tập trung tổ chức triển khai chương trình đạt nhiều kết quả tích cực.

Những hiệu quả ấn tượng

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đến nay, thành phố có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Trong đó, huyện Đan Phượng là huyện đi đầu của TP về xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm 2022, huyện Đan Phượng đã đăng ký thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đang rà soát theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND TP, Quyết định số 5199/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND TP Hà Nội về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 của TP Hà Nội, theo đó năm 2022, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm 25 xã, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm 15 xã.

Tuy nhiên các huyện, thị xã đăng ký phấn đấu số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm 58 xã, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm 15 xã trong năm 2022.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở NN&PTNT cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã họp rà soát các nội dung đề xuất và đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 1134/QĐ-UBND ngày 4/4/2022 về việc giao chỉ tiêu phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm năm 2022 là 25 xã nông thôn mới nâng cao, 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với 33 xã phấn đấu tăng thêm đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2022, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã rà soát các tiêu chí, chủ động cân đối nguồn lực, trường hợp có khó khăn báo cáo về Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP để tổng hợp.

Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên đến nay, đời sống nông dân đã không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm. Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 75 triệu đồng, Đan Phượng 66 triệu đồng, Gia Lâm 65 triệu đồng, Hoài Đức 64 triệu đồng, Chương Mỹ 62,5 triệu đồng,…

Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn TP đạt 91,5%. Có 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; 75,15% hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh; 98% các thôn phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng.

Cuối năm 2021, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo khu vực nông thôn còn 3.580 hộ, chiếm tỷ lệ 0,29%; có 3 huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn mới: Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 71,1%.

Nhìn chung hạ tầng nông thôn, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời và đem lại hiệu quả thiết thực.

Tập trung hoàn thành mục tiêu

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế nhằm hoàn thành mục tiêu năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy yêu cầu các ban, ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của thành phố, cũng như cấp uỷ, chính quyền, Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã, các xã cần tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Trong đó, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành TP và các địa phương rà soát, tham mưu Thành ủy, UBND TP sửa đổi, ban hành các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, các chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn.

Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý Nhà nước
Sở NN&PTNT Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành TP và các địa phương rà soát, tham mưu Thành ủy, UBND TP sửa đổi, ban hành các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, các chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn

Các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa và các huyện phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới năm 2022.

Tổ chức Đoàn thẩm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; Đoàn thẩm định, đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Đối với huyện Ba Vì và Mỹ Đức tập trung xây dựng, hoàn thành tiêu chí, hồ sơ xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022 để thành phố có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu năm 2022, có thêm ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định của UBND TP; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 33 xã đăng ký tăng thêm hoàn thành nông thôn mới nâng cao năm 2022, phấn đấu có thêm ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 là 50 xã (tăng 25 xã so với kế hoạch đề ra).

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm, sử dụng.

Quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa, chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực và cây thực phẩm. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch.

Phát triển sản xuất các giống cây trồng chất lượng cao, giống chống chịu sâu bệnh tốt, các giống cây thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của Thành phố và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đồng thời phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh…

Thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật phải có sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện
Lí do chủ yếu ảnh hưởng đến việc xã, phường không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?
Hà Nội: Huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới
Đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu
Công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.