Bé gái 12 tuổi sở hữu ngực 'khủng' do mắc bệnh u xếp hình lá

Chỉ trong thời gian ngắn, bé gái T.A.P, 12 tuổi đã phát triển "vòng 1" nhanh một cách bất thường. Cùng với quá trình dậy thì, vòng 1 của bé lớn nhanh như thổi khiến quá trình sinh hoạt gặp nhiều khó khăn; đồng thời trẻ phải nghỉ học vì mặc cảm, tự ti bởi sự bất thường của bản thân.
Giải cứu bé gái 12 tuổi khỏi 'vòng 1 khủng' do bệnh u xếp hình lá
Rất may mắn trong suốt quá trình phẫu thuật bệnh nhân không xảy ra biến chứng, di chứng nào (ảnh BSCC)

Theo TS-BS. Phạm Thị Việt Dung, Trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội-Phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Bạch Mai, mới đây BV đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 12 tuổi nhập viện do tình trạng phì đại tuyến vú 2 bên mức độ khổng lồ với kích thước vú phải khoảng 3200ml, vú trái khoảng 2700ml. Khối ngực "khủng" làm cho bệnh nhân khó thở, đi ngủ luôn phải đỡ bằng hai tay và kê hai gối hai bên ngực để đỡ hai bầu vú.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này khiến bệnh nhân phải luôn buồn bã, tự ti và lo sợ nên phải nghỉ học.

Trước đó bệnh nhân có tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh, tình trạng hai vú lớn nhanh xuất hiện đồng thời với quá trình dậy thì của trẻ. Hai vú phát triển nhanh trong thời gian ngắn, quá trình đạt đến kích thước hiện tại chưa tới 1 năm.

BS. Dung cho biết, qua lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân gặp tình trạng Phyllodes (u diệp thể-một loại u hiếm gặp) tuyến vú 2 bên. Việc khẳng định chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn vàng là kết quả sinh thiết thấy các tế bào của khối u xếp thành hình lá. Đây là bệnh lý phì đại tuyến vú lành tính, tuy nhiên, có một số ít trường hợp ác tính.

Đối với tình trạng hiện tại của bệnh nhân này, các bác sỹ đã tiến hành cắt toàn bộ khối Phyllode tuyến vú 2 bên và tạo hình tuyến vú bằng vạt da, tổ chức dưới da và một phần tuyến (không chứa các khối u) mang quầng núm vú.

Hiện tại hậu phẫu ngày thứ 5, bệnh nhi tỉnh táo, đã có thể đi lại bình thường, thể tích tuyến vú 2 bên giảm đáng kể giúp cho việc đi lại và sinh hoạt hằng ngày tốt hơn. Tuy nhiên, dù cắt bỏ toàn bộ khối Phyllode tuyến vú 2 bên, tình trạng này vẫn có khả năng tái phát. Trong trường hợp u vú tái phát, phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú có thể cần phải tiến hành để điều trị triệt để.

U diệp thể tuyến vú có đặc tính là to lên rất nhanh, chóng đạt đến mức độ khổng lồ. Nếu bệnh nhân đến viện sớm hơn thì bệnh nhân không mất cả năm trời phải chịu đựng hai bầu vú khổng lồ này. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân đến sớm, việc giải quyết tình trạng vú to quá khổ sẽ dễ dàng hơn và ít nguy cơ trong mổ cũng như nguy cơ biến chứng hơn.

"Khi bầu vú càng lớn thì nguy cơ mất máu trong mổ càng lớn, nguy cơ hoại tử quầng núm vú cũng cao hơn nhiếu so với khi phẫu thuật cho vú phì đại mức độ vừa. Đối với bệnh nhân này rất may mắn là chưa xảy ra các biến chứng, di chứng gì đáng tiếc trong suốt quá trình bệnh lý và phẫu thuật", BS. Dung thông tin.

Cũng theo BS. Dung, với tình trạng hiện tại, nếu không có các bất thường khác phối hợp thì tình trạng này không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản của bệnh nhân, bệnh nhân vẫn có khả năng mang thai bình thường bởi vì hormone, cơ quan sinh dục như tử cung, buồng trứng, âm đạo hoàn toàn bình thường.

BS. Dung khuyến cáo: Phụ huynh cần sớm phát hiện và đưa các bé đến khám ngay tại cơ sở chuyên khoa uy tín khi có tình trạng bất thường tuyến vú, tránh để các khối quá lớn vùng vú gây gù vẹo cột sống, ảnh hưởng tâm lý, ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày cho trẻ cũng như tăng độ khó và nguy cơ biến chứng trong cuộc phẫu thuật.

Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Những sao Việt biết tạo scandal bằng "ngực khủng"
Kiếm tiền nhờ ngực khủng
Nghẹt thở khi "yêu" chỉ vì ngực khủng
Nỗi niềm ngực khủng: Khốn khổ chứ đâu như Thủy Top

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.