Tuyên truyền pháp luật cho các Tăng ni sinh về xây dựng, quản lý di tích

Sở Tư Pháp Hà Nội và Ban Tôn giáo Thành phố phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, quản lý di tích, tín ngưỡng, tôn giáo cho các Tăng ni sinh tại trường Trung cấp Phật học Hà Nội.
Tuyên truyền pháp luật cho các Tăng ni sinh về xây dựng, quản lý di tích
Hội nghị tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo năm 2022 diễn ra tại Trường Trung cấp Phật học Hà Nội.

Sáng 10/6, Sở Tư pháp Hà Nội, Ban Tôn giáo Thành phố phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, quản lý di tích, tín ngưỡng, tôn giáo cho các Tăng ni sinh tại trường Trung cấp Phật học Hà Nội, chùa Đại Từ Ân, Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng.

Tham dự hội nghị lần này có đại diện ban trị sự GHPG Việt Nam thành phố Hà Nội, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội, Ban Tôn giáo Thành phố và hơn 200 Tăng ni sinh của trường Trung cấp Phật học Hà Nội.

Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự.

Thủ đô Hà Nội có 7 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân đang hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hồi giáo, Baha’i, Minh sư đạo. Với tổng số 4.995 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (1.664 cơ sở tôn giáo, 2.556 cơ sở tín ngưỡng, 775 cơ sở đan xen tín ngưỡng, tôn giáo), khoảng 70 vạn tín đồ, 2500 chức sắc, hơn 5000 chức việc. Hà Nội có số lượng cơ sở thờ tự và chức sắc, tín đồ nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu vào 02 tôn giáo là Công giáo và Phật giáo.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Phạm Bảo Khánh, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Thành phố cho biết, trên cơ sở để tăng cường ý nghĩa, hiệu quả quản lý Nhà nước với tín ngưỡng tôn giáo, bắt đầu từ năm 2016 và cụ thể hơn là khi Luật tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ năm 2018, Ban Tôn giáo Thành Phố phối hợp với Sở Tư pháp đã bắt đầu triển khai các chương trình tuyên truyền pháp luật cho chức sắc, tăng ni, chức việc của tất cả các tôn giáo trên địa bàn Thủ đô.

Tuyên truyền pháp luật cho các Tăng ni sinh về xây dựng, quản lý di tích
Tại hội nghị có khoảng 200 Tăng ni sinh tham dự.

Với mục đích tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, hành động của các chức sắc Phật giáo, phổ biến nội dung, kiến thức pháp luật về xây dựng, quản lý di tích, tín ngưỡng tôn giáo cho các chức sắc, chức việc Phật giáo trên địa bàn Thành phố.

Nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hiểu biết quy định pháp luật trong các cơ sở tôn giáo, bà Phạm Bảo Khánh cho rằng, để cho chức sắc, nhà tu hành thực hiện đúng quy định pháp luật và qua đó phát huy được nguồn lực của tôn giáo cho các hoạt động văn hóa, xã hội, các hoạt động tại cộng đồng thì đầu tiên pháp luật phải được triển khai để mọi người hiểu đúng, nắm được và thực hiện cũng như lan tỏa, tuyên truyền cho cộng đồng.

“Chúng tôi vẫn luôn đánh giá rằng mỗi một vị chức sắc đều có vai trò to lớn và hạt nhân tuyên truyền quan trọng hơn rất nhiều bởi thông qua cụ thể từng đường lối hoạt động thì việc tuyên truyền sẽ đến được đông đảo các tín đồ, để tín đồ thực hiện pháp luật theo tinh thần hiểu, cập nhật và chấp hành pháp luật của chức sắc”, bà Khánh nhấn mạnh.

Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tín ngưỡng, hội nghị còn tổ chức tư vấn trực tiếp, nhằm giải đáp những câu hỏi, thắc mắc thuộc những nội dung liên quan của các Tăng ni sinh tại trường Trung cấp Phật học Hà nội.

Chia sẻ sau hội nghị, Thích nữ Diệu Chí cho hay, được tham gia hội nghị và được tuyên truyền, biết thêm về pháp luật với những người trong chùa là rất cần thiết và ý nghĩa.

Hà Nội: Tuyên truyền pháp luật theo từng chuyên đề cụ thể
Tăng tuyên truyền pháp luật trên không gian mạng, đẩy lùi thông tin xấu độc
Hà Nội: Giữ nhịp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19

Mai Dung - Phương Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.