Tuyên truyền về trợ giúp pháp lý cho trẻ em khuyết tật

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã có buổi tuyên truyền về trợ giúp pháp lý, tặng quà Tết thiếu nhi cho trẻ em tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội).
Tuyên truyền về trợ giúp pháp lý cho trẻ em khuyết tật
Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tặng quà các cháu thiếu nhi.

Sáng 29/5, Đoàn Thanh niên cơ quan Sở Tư pháp Hà Nội và Chi đoàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã có buổi tuyên truyền về trợ giúp pháp lý, tặng quà Tết thiếu nhi cho trẻ em tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An.

Chia sẻ tại buổi tuyên truyền, bà Phan Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước chia sẻ, Trung tâm trợ giúp pháp lý giống như một tổ chức luật sư của Nhà nước. Khi người dân có vấn đề vướng mắc gì về pháp luật và cần luật sư bảo vệ thì sẽ được trung tâm trợ giúp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, những người khuyết tật, khó khăn được trợ giúp pháp lý miễn phí và đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng yếu thế.

Tuyên truyền về trợ giúp pháp lý cho trẻ em khuyết tật
Buổi tuyên truyền đã nhận được nhiều câu hỏi của trẻ em tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An.

Cũng tại chương trình, bà Thu Trang đã truyền đạt một số quy định cơ bản về Luật Trẻ em. Luật này được Nhà nước ban hành từ năm 1991 và được sửa đổi nhiều lần. Hiện đang thực hiện theo Luật Trẻ em sửa đổi, bổ sung năm 2016. Việt Nam là nước đầu tiên của Châu Á và thứ 2 trên thế giới ký vào Công ước quốc tế về quyền Trẻ em. Trẻ tại trung tâm ngoài được hưởng quyền của trẻ em còn được hưởng thêm quyền của người khuyết tật.

Vị chủ giảng đã có một số câu hỏi giao lưu trực tiếp với trẻ em tại trung tâm. Ví dụ, trẻ em ở Việt Nam được tính từ bao nhiêu tuổi trở xuống? Câu trả lời là từ 16 tuổi trở xuống. Khi trẻ từ đủ 18 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình trước pháp luật. Tùy thể chất trẻ ở từng quốc gia để quy định mốc tuổi trẻ em. Trách nhiệm đối với trẻ em, Nhà nước và các đoàn thể phải chăm sóc, yêu thương các em.

Tuyên truyền về trợ giúp pháp lý cho trẻ em khuyết tật
Tuyên truyền về trợ giúp pháp lý cho trẻ em khuyết tật
Trẻ em và người khuyết tật tại trung tâm được tuyên truyền về pháp luật và tặng quà.

Quyền của trẻ em có 24 quyền và 4 bổn phận. Có một số quyền cơ bản như: Được sống, được bảo vệ tính mạng, nhân phẩm, danh dự của trẻ em. Được nâng hơn rất nhiều so với người trưởng thành. Nếu trẻ em bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe thì tội phạm sẽ bị xử rất nặng so với nạn nhân là người trên 18 tuổi. Nếu trẻ em bị xâm phạm thì sẽ được nhiều cơ quan bảo vệ quyền lợi cho các em.

Quyền được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục, vui chơi giải trí, tự do tín ngưỡng; quyền có tài sản, có thể là bố mẹ hay người khác cho tặng. Từ 15 tuổi trở lên thì có quyền quyết định liên quan đến tài sản của mình (trừ bất động sản). Quyền đảm bảo đời sống riêng tư (thư tín, tin nhắn, điện thoại…), quyền được sống chung với cha mẹ. Ví dụ, bố mẹ ly hôn nhưng con vẫn có quyền được sống với bố hoặc mẹ chứ không thể cấm cản các em.

Quyền được chăm sóc, thay thế hoặc nhận làm con nuôi. Ví dụ, trẻ bị mồ côi thì có quyền được nhận làm con nuôi của người khác. Quyền không bị xâm hại về tình dục. Bất cứ mọi hành vi xâm hại trẻ em cần phải bị lên án và ngăn chặn. Các hành vi nào bị coi là xâm hại tình dục như ôm, hôn, sờ mó vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể hoặc xem những hình ảnh nhạy cảm hoặc bắt trưng bày các bộ phận của cơ thể lên mạng. Vùng nhạy cảm như miệng, vùng ngực, vùng sinh dục… ở cả nam và nữ.

Tuyên truyền về trợ giúp pháp lý cho trẻ em khuyết tật
Nhiều phần quà đã được tặng các cháu thiếu nhi.

Pháp luật quy định, nếu sờ vào các bộ phận đó đều là dâm ô với trẻ em và bị xử lý hình sự rất nặng. Những người có thể động chạm vào các vùng nhạy cảm có thể nói theo nguyên tắc 5 ngón tay: Người đầu tiên có thể động chạm vào vùng nhạy cảm là bác sĩ khi khám bệnh; người có thể ôm, thơm vào má (bố mẹ, anh chị em…); bắt tay xã giao (cô bác, chú dì, thầy cô, bạn bè…); giơ tay chào như người lạ mà mình cảm giác an toàn (người mới gặp lần đầu); người lạ phải xua đuổi họ như người cảm giác không an toàn.

Cùng chia sẻ, ông Đào Xuân Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An đánh giá cao về vai trò và ý nghĩa của chương trình tuyên truyền lần này. Theo ông Quyền, hiện đơn vị đang tiếp nhận và quản lý khoảng 300 người khuyết tật tới từ hơn 20 tỉnh/thành khác nhau, trong đó có 15 tỉnh miền núi. Đội ngũ cán bộ nhân viên tại trung tâm là 85 người, riêng bộ phận y tế là 45 người. Trong nhiều năm qua, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cấp lãnh đạo và các nhà hảo tâm. Trung tâm luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Tuyên truyền về trợ giúp pháp lý cho trẻ em khuyết tật
Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm.

“Hoạt động tuyên truyền về trợ giúp pháp lý và tặng quà chào mừng Tết thiếu nhi cho trẻ khuyết tật thực sự rất bổ ích cho trung tâm cũng như các trẻ em đang phục hồi chức năng tại đây. Chúng tôi hi vọng, trung tâm sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong thời gian tới”, ông Quyền chia sẻ thêm.

Tuyên truyền trợ giúp pháp lý nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ Tuyên truyền trợ giúp pháp lý nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.