Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng:

Đề xuất bổ sung các cá nhân hoạt động nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả sân khấu được xét danh hiệu NSND, NSƯT

Sáng ngày 27/6, Quốc hội tiếp tục nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, Văn hoá Nguyễn Thuý Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

UBTVQH nhận thấy, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Đề xuất bổ sung các cá nhân hoạt động nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả sân khấu được xét danh hiệu NSND, NSƯT
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, Văn hoá của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh

UBTVQH trình Quốc hội bổ sung một số đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú”:

Liên quan đến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, UBTVQH trình Quốc hội phương án về Điều 66 để đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến: Bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” ;

Tại phiên thảo luận, đa số Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc bổ sung các đối tượng nói trên được xét danh hiệu ‘Nghệ sỹ nhân dân”; “Nghệ sỹ ưu tú”.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng: danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” sẽ được xét tặng cho cả cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Việc thêm một đối tượng, thêm một lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.

Đề xuất bổ sung các cá nhân hoạt động nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả sân khấu được xét danh hiệu NSND, NSƯT
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Bày tỏ đồng thuận với việc xét danh hiệu thi đua đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh và soạn giả của lĩnh vực sân khấu là đối tượng để xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú được quy định tại khoản 1 Điều 66 của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐB tỉnh Cà Mau đề nghị Ban soạn thảo cần đưa vào trong Luật danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư ưu tú hoặc phong tặng là NSND, NSƯT vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo, mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.

Đề xuất bổ sung các cá nhân hoạt động nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả sân khấu được xét danh hiệu NSND, NSƯT
Đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.

Ngoài ra, trong lĩnh vực văn học, có những tác phẩm đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò quan trọng vào việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, giáo dục chân-thiện-mỹ cho Nhân dân. Do đó, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, họ cũng nên là đối tượng được xem xét phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hoặc là nhà văn nhân dân, nhà văn ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nêu ý kiến: Trước khi Kì họp thứ 3, QH khoá XV diễn ra, trong giới văn nghệ sỹ đã rất mong chờ việc sử đổi, bổ sung thêm các đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Đề xuất bổ sung các cá nhân hoạt động nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả sân khấu được xét danh hiệu NSND, NSƯT
Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.

Là nghệ sỹ dường như ai cũng mang trong mình niềm đa cảm, đa đoan, nhưng nếu được quan tâm đúng mức thì những thân tằm ấy sẽ tiếp tục rút ruột, nhả tơ và cống hiến những tác phẩm thực sự chất lượng. Khoản 1, Điều 66 khi được sửa đổi, bổ sung sẽ hoá giải được tâm tư của 1 bộ phận không nhỏ văn nghệ sỹ.

Bên cạnh những thăng hoa làm nghề, vẫn còn đó những phân biệt giữa nghệ sỹ sáng tác và nghệ sỹ biểu diễn trong đối tượng được xét danh hiệu NSND, NSƯT, điều đó đã vô tình hạn chế sự sáng tạo của một bộ phận nghệ sỹ. Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong lĩnh vực VHNT là hình thức tưởng thưởng to lớn, xứng đáng tạo động lực để văn nghệ sỹ cống hiến để rồi cho ra đời những tác phẩm VHNT có chất lượng cao, bồi bổ tâm hồn và tình yêu đất nước, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Đáng tiếc là một điều bất cập tồn tại bấy lâu nay chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đó là NSND, NSƯT chỉ được trao cho nghệ sỹ biểu diễn mà không trao cho nghệ sỹ sáng tác. Là Nghệ sỹ sáng tác hay nghệ sỹ biểu diễn đều sáng tạo nên giá trị văn học nghệ thuật.

Như trường hợp của soạn giả Viễn Châu, người có công lao to lớn trong việc khai sinh ra thể loại cải lương tân cổ giao duyên, do chưa có quy định trao tặng danh hiệu NSND, chưa có quy định xét tặng danh hiệu cho các soạn giả nhưng đóng góp của ông cho nên VHNT nước nhà quá lớn nên danh hiệu NSND cũng được trao cho ông nhưng không phải với danh nghĩa ông là 1 soạn giả, 1 nghệ sỹ sáng tác mà là ông là một nghệ sỹ đàn tranh.

Đấy chính là một bất cập phát sinh và đang tồn tại qua nhiều năm và đến kì họp lần này mới đang được đưa ra xem xét. Viễn Châu là một nghệ sỹ may mắn, còn rất nhiều văn nghệ sỹ khác chưa có được may mắn như vậy nhưng trong cuộc sống đời thường, họ được nhân dân tôn vinh là thầy, là nghệ sỹ nhân dân trong lòng nhân dân.

Đề cập về vấn đề xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể được khen thưởng, UBTVQH chỉnh lý Điều 93 của dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng; Quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước và chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.

Về một số điểm mới của dự thảo Luật:

Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng: Luật được sửa đổi theo hướng Luật chỉ quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng;

Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây. Bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua; Bổ sung trách nhiệm của “Người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện cá nhân, tập thể có thành thích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng; Bổ sung danh hiệu “Xã, Phường, Thị trấn tiêu biểu”; Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua.

Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” cho đối tượng là cán bộ nghiên cứu giáo dục; Bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân” cho đối tượng là “hộ sinh”; Bổ sung cách tính thời gian (nhân hệ số 2) làm tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đối với cán bộ y tế, giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: 9 nhóm vấn đề cơ bản và 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau
Đa số cử tri, Nhân dân, nhà giáo, nhà khoa học không đồng tình môn Lịch sử là môn học lựa chọn

Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.