Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị

Kỳ cuối: Giao quyền gắn liền với giao trách nhiệm

Huy động nguồn vốn; chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB) phù hợp theo từng địa phương, tạo sự công bằng; chỉ định thầu theo từng nội dung… là những giải pháp của nhiều bộ, ngành, chuyên gia kinh tế nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án (DA) đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội đã lên kế hoạch chủ động về nguồn vốn khoảng 23.524 tỷ đồng cho DA đường Vành đai 4								  Ảnh: G.B
Hà Nội đã lên kế hoạch chủ động về nguồn vốn khoảng 23.524 tỷ đồng cho DA đường Vành đai 4. Ảnh: G.B

Những khó khăn

Tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức mới đây, Ủy ban Kinh tế cho rằng, DA có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT. Do đó, hình thức đầu tư của DA phải là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Quy mô GPMB của DA đường Vành đai 4 lên tới trên 1.340 héc-ta với số vốn khoảng 19.000 tỷ đồng. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, ngân sách Nhà nước, các địa phương nơi có tuyến đường đi qua cũng cần phải cân đối, chuẩn bị ngân sách để phục vụ cho việc GPMB.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn: Vành đai 4-Vùng Thủ đô hình thức đầu tư là hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đây là mô hình đầu tư giữa Nhà nước và xã hội rất hiệu quả và hợp lý. Để triển khai DA quan trọng quốc gia của khu vực Vùng Thủ đô, hiện nay tổng mức đầu tư của DA rất lớn, chia thành 3 nhóm. Trong đó nhóm DA 1 là GPMB ứng với 3 địa phương 3 DA. Nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp cho 3 địa phương 3 DA. Nhóm 3 là DA xã hội hóa (chỉ 1 DA) theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận.

Vốn đầu tư nhóm 1, 2 thì ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận. Nhóm DA 3 thì nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỷ đồng, quy mô rất lớn. Chính phủ, dự kiến cân đối trên 28.000 tỷ đồng. Đối với 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh cũng phải cân đối trên 28.000 tỷ đồng, cơ cấu tương đương Trung ương.

Hà Nội đã lên kế hoạch chủ động về nguồn vốn, ngày 20/5/2022, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND về việc thống nhất chủ trương bố trí, cân đối vốn cho DA khoảng 23.524 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức đánh giá, khó khăn lớn nhất của DA trọng điểm quốc gia Vành đai 4-Vùng Thủ đô là công tác GPMB.

Giải pháp

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Mạnh Trường phân tích, việc GPMB không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi. Đây là bài học kinh nghiệm. Riêng Hà Nội phải có một phương án bồi thường tái định cư cho khoảng 14.647 hộ và tái định cư cho 2.203 hộ, điều đáng mừng là TP đã chủ động lên kế hoạch chuẩn bị 9 khu tái định cư quy mô khoảng 36,3 ha.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, nút thắt lớn nhất trong khâu chậm GPMB là khoảng cách chênh lệch giữa giá đền bù do Nhà nước xác định và giá thị trường rất cao dẫn đến không nhận được sự đồng thuận của người dân. Bởi vậy, đối với DA Vành đai 4 cần khắc phục điều này. Cần gặp mặt cả 3 địa phương để thống nhất giá, tránh tình trạng giá chênh lệch quá lớn giữa Hà Nội với Hưng Yên và Bắc Ninh.

Đồng tình với quan điểm của TS Lê Đăng Doanh, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường đúc kết, lâu nay vẫn xảy ra những “lùng nhùng” trong các DA GPMB là do khâu định giá đất còn thiếu rõ ràng, minh bạch và người đứng đầu các địa phương còn mang nặng tư duy phát triển hạ tầng giao thông cần phải có sự đóng góp của mọi người. Do vậy, muốn đẩy nhanh tiến độ GPMB, theo ông Võ, trước hết chính quyền địa phương cần có sự đổi mới về tư duy phát triển theo hướng cần có những đền bù thỏa đáng cho những người bị thiệt hại do mất đất.

Ông Dương Bá Đức, Vụ Phó Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính nhìn nhận, GPMB là nút thắt cho tất cả các DA. Chính vì vậy, khi địa phương này sử dụng số vốn chưa được thực hiện thì cần chuyển cho chỗ khác, tránh tình trạng tắc nghẽn nguồn vốn, giải phóng nguồn vốn, đó là linh hoạt. Việc này rất cần thiết, nếu đạt được tính chủ động hiệu quả của DA sẽ rất cao.

Tại tọa đàm: “Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá” tổ chức đầu tháng 5/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương đưa ra giải pháp, ngoài tách thành DA độc lập, thực hiện trước, cần thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung. Cụ thể, hai hạng mục cần chỉ định thầu là di dời hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cần giải phóng; tái định cư.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra giải pháp khác, muốn đẩy nhanh DA cần trao quyền cho địa phương. Lâu nay các đường vành đai theo nghĩa chiến lược quốc gia, sự tham gia của cấp địa phương rất ít. Có thể đó là lý do gây ra chậm. Chậm ở mọi bước, vừa lãng phí, vừa kém hiệu quả và quan trọng là làm chậm bước tiến của đất nước trong quá trình phát triển. Vì vậy giao cho địa phương các quyền thì tất cả các lợi ích và khó khăn vừa đề cập đều có thể tập trung xử lý được. Làm đường liên quan đến người dân, đến địa bàn, những việc này phải xử lý tại chỗ hàng ngày và liên quan đến những bức xúc của xã hội. Cần nhìn nhận rõ, giao quyền cho địa phương thực chất là giao trách nhiệm.

Phân tích về DA đường Vành đai 4, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Chân lý "đường thông" sẽ thể hiện ở 3 điểm chính. Thứ nhất, hành lang công nghiệp sẽ phát triển. Công nghiệp theo tinh thần mới là khu công nghiệp đẳng cấp cao. Thứ hai là vận tải và các tuyến logistic sẽ kết nối mạnh mẽ hơn, sôi động hơn. Mục đích là hình thành các đô thị và chuỗi đô thị đẳng cấp cao, hình thành nên không gian kết nối tốt, bảo đảm cuộc sống, theo đúng tiêu chuẩn bền vững. Thứ ba, trong tầm nhìn xa hơn nữa là nối các hành lang này với các sân bay thì có thể hình dùng sự kết nối bầu trời với thế giới.
Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 111,2 km, điểm đầu nằm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên cao tốc Nội Bài - Hạ Long (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Tuyến đường đi qua 3 tỉnh, TP, cụ thể: 7 quận, huyện của Hà Nội gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; 4 huyện của Hưng Yên gồm Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh). Đường có quy mô 6 làn xe cao tốc; hệ thống đường song hành hai bên.
Kỳ 2: Hà Nội hướng tới Dự án bằng tâm thế chủ động
Kỳ 1: Sự đồng thuận từ Trung ương tới các địa phương

Khắc Hạnh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.