Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị

Kỳ 2: Hà Nội hướng tới Dự án bằng tâm thế chủ động

Dự án (DA) đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ trong phạm vi TP mà còn mang tầm cỡ quốc gia. Hà Nội hướng tới DA này bằng sự đồng thuận cao nhất từ Thành ủy, HĐND TP, UBND TP… tới đông đảo cử tri. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Hà Nội đã chứng minh vị thế của mình bằng nhiều hành động thiết thực, nhiều kịch bản cụ thể.
Việc đầu tư phát triển tuyến đường Vành đai 4 sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề phân luồng giao thông từ xa, tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh... 					 Ảnh: GB
Việc đầu tư phát triển tuyến đường Vành đai 4 sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề phân luồng giao thông từ xa, tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh... Ảnh: GB

Sự đồng thuận cao

Với một DA trọng điểm không chỉ trong phạm vi Thủ đô mà còn mang tầm quốc gia, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội hàng loạt Nghị quyết, hành động cụ thể liên tục được tiến hành đầy chủ động. Đến thời điểm này cho thấy sự tích cực của DA khi tạo được sự đồng thuận cao từ Thành ủy, HĐND TP, UBND TP… cùng đông đảo cử tri. Bắt đầu từ đầu năm 2021 cho đến thời điểm này, để được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí và tới đây là kỳ họp Quốc hội đang diễn ra thông qua, Hà Nội đã tận dụng tối đa khoảng thời gian quý báu để chứng minh vai trò chủ động của mình.

Gần đây nhất, ngày 20/5/2022, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND về việc thống nhất chủ trương bố trí, cân đối vốn cho DA đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, HĐND TP thống nhất chủ trương bố trí, cân đối vốn cho DA đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội từ nguồn vốn ngân sách TP.

Cụ thể: Cam kết nguồn vốn triển khai thực hiện DA đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được bố trí từ ngân sách TP khoảng 23.524 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2021 - 2025: 19.477 tỷ đồng; Giai đoạn 2026 - 2030: 4.047 tỷ đồng. Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của DA: Năm 2022, khoảng 100 tỷ đồng; Năm 2023, khoảng 8.397 tỷ đồng; Năm 2024, khoảng 5.955 tỷ đồng; Năm 2025, khoảng 5.025 tỷ đồng.

Trong trường hợp tổng mức đầu tư của DA thành phần tăng theo quyết định của cấp có thẩm quyền dẫn đến tăng phần nguồn vốn ngân sách địa phương, HĐND TP sẽ cân đối bố trí đủ vốn để thực hiện hoàn thành DA theo trách nhiệm của TP.

Trước đó, tháng 9/2021, DA đã được HĐND TP biểu quyết tại kỳ họp thứ 2, nhất trí về chủ trương đầu tư và bổ sung DA vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP. Còn tạ̣i kỳ họp thứ 3, diễn ra vào tháng 12/2021, HĐND TP tiếp tục đưa DA vào danh mục các công trình trọng điểm của TP để tập trung chỉ đạo, điều hành. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 –Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Cũng trong năm này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ký ban hành Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về chủ trương triển khai DA đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất, biểu quyết 100% quyết nghị đồng ý về chủ trương triển khai DA đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP và các cơ quan liên quan thực hiện chủ trương trên theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.

DA Vành đai 4 mang đến vị thế, tiềm năng gì cho Hà Nội?

DA đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh: Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km). DA khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho TP, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Việc đầu tư phát triển tuyến đường này sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề như: Phân luồng giao thông từ xa theo các hướng; tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh... Một lợi ích khác, DA còn có mục tiêu tạo tiền đề để các TP và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực hai bên tuyến đường nói riêng và Vùng Thủ đô, tạo không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư phát triển.

Điểm khác giữa đường Vành đai 3 hiện nay và đường Vành đài 4 trong tương lai ở chỗ khi làm quy hoạch đường Vành đai 4 thì làm luôn quy hoạch đường sắt, hai bên đường ngoài 120m mặt cắt ngang thì cắm mốc giới 200-300m để làm quy hoạch chi tiết 1/500, làm các quy hoạch phân khu để giữ đất.

Cách đây không lâu, phát biểu tại tọa đàm trực tuyến "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: “Thủ đô Hà Nội hiện nay có 6 cao tốc hướng tâm đi vào xuyên tâm, đồng thời khu vực Vành đai 4 là trung tâm để kết nối phía Bắc, với cao tốc Bắc-Nam phía Đông, kết nối với Vành đai 3 TPHCM, cho phép chúng ta hướng tới chỉnh thể của hệ thống cao tốc. Vì vậy, không chỉ có Thủ đô Hà Nội mà cả Vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới. Việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô rõ ràng là mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng…”.

Đối với Hà Nội, còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía Đông Nam Thủ đô. Đồng thời, phía Nam Thủ đô cũng kết nối với một phần rất quan trọng là cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam kết nối với Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội.

Không chỉ tạo được sự đồng thuận trong nội bộ, ở hoạt động đối ngoại, Hà Nội cũng tạo được vị thế chủ động. Điều này được thể hiện tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự đảng Bộ GTVT và Thường trực tỉnh ủy các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang vào thời điểm tháng 5/2021 để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Đại diện các địa phương nhất trí đề xuất TP Hà Nội làm đầu mối để triển khai thực hiện DA.
Kỳ 1: Sự đồng thuận từ Trung ương tới các địa phương

Khắc Hạnh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.