Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: 9 nhóm vấn đề cơ bản và 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau

Chiều 25/5, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 15 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực của Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đồng thời thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau...

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9 và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan theo quy định.

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: 9 nhóm vấn đề cơ bản và 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại kỳ họp.

Như vậy, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa, do đó rất cần có các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, Dự thảo Luật được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Đối với vấn đề đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim, căn cứ yêu cầu thẩm định, phân loại đối với từng loại phim, điều kiện thực hiện, thẩm quyền và thực tế quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, dự thảo Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên toàn quốc; UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên địa bàn quản lý. Quá trình xin ý kiến cơ bản nhận được sự đồng thuận của các địa phương, các cơ quan, tổ chức và các cơ sở điện ảnh.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, Dự thảo Luật bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Đầu tư; quy định cụ thể tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim không vượt quá 51% vốn điều lệ để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh…

Về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam, Dự thảo Luật đã mở rộng chủ thể được tổ chức các cuộc liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim. Liên hoan Phim Việt Nam và Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội nhằm định hướng tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, định hướng sáng tác trong lĩnh vực nghệ thuật.

Một số đại biểu tại hội trường đã nêu một số vấn đề cần phải làm rõ trong Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Cụ thể: Có 9 nhóm vấn đề cơ bản và 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau như cung cấp dịch vụ về phổ biến phim trên không gian mạng, về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh và một số vấn đề khác của Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ý kiến cơ bản thống nhất với các nội dung của Dự thảo Luật, các nội dung trong Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi lần này đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện, tiếp thu, chỉnh lý theo hướng kế thừa tính hợp lý các quy định của Luật hiện hành; có quy định rõ hơn về cơ chế, chính sách, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên liên quan đến nội dung cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Điều 13 của Dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc bày tỏ ủng hộ phương án quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt để bảo đảm chặt chẽ và thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Tiến độ Dự án đường Hồ Chí Minh chậm gần 2 năm Tiến độ Dự án đường Hồ Chí Minh chậm gần 2 năm

Trong cuộc họp buổi sáng ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn văn Thể, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ ...

Lùi thời hạn trình Luật đất đai sửa đổi Lùi thời hạn trình Luật đất đai sửa đổi

Trong ngày họp thứ 2, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Uỷ viên UBTVQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội ...

Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.