20 trẻ bị người lạ “dụ”, cô giáo gọi khản cổ không về: Chuyên gia đưa lời khuyên

Mới đây, một sự cố hài hước nhưng không ít lo lắng đã xảy ra tại trường mầm non ở Trung Quốc, khi trường này tiến hành một hoạt động diễn tập “chống bắt cóc” nhằm nâng cao ý thức đề phòng người lạ cho các bé mẫu giáo.
20 trẻ bị người lạ “dụ”, cô giáo gọi khản cổ không về: Chuyên gia đưa lời khuyên
Cảnh diễn tập "chống người lạ" tại một trường học tại Trung Quốc

Ban đầu, phụ huynh sẽ vào dặn dò con em mình không được phép đi theo hoặc nghe lời của người lạ. Sau đó phụ huynh sẽ vào ngồi ở một góc khuất quan sát xem phản ứng của con. Tuy nhiên, mặc dù được dặn dò cẩn thận nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược lại so với những gì bố mẹ, cô giáo mong muốn.

Cụ thể, khi được người đóng vai “người lạ” đưa kẹo bánh, đồ chơi ra, rất nhiều bé đã quên lời dặn của cô và bố mẹ, ngay lập tức nhận lấy, bóc ra ăn ngon lành hoặc ngồi chơi ngay tại chỗ.

Điển hình có một trường hợp “người lạ” còn dụ dỗ thành công 20 học sinh đi theo mình bằng cách mang rất nhiều thức ăn tới, sau đó nói với các em rằng hôm nay không phải đi học, cô sẽ dẫn các cháu đến một khu vui chơi cực kỳ mới lạ.

20 học sinh ngay lập tức đã gật đầu đồng ý đi theo “người lạ”. Khi cô giáo xuất hiện và gọi lũ trẻ quay về, thậm chí các bé còn không chịu quay lại trường học và chỉ nằng nặc đòi “người lạ” hãy nhanh chóng đưa tới khu vui chơi.

Chỉ có một số trường hợp học sinh cảnh giác, lắc đầu, không đi theo người lạ mà chạy đi mách cô giáo.

Sau khi câu chuyện này được chia sẻ lên mạng xã hội, cư dân mạng không khỏi bật cười trước sự ngây thơ của những đứa trẻ nhưng cũng lo lắng vì các em dễ dàng đi theo người lạ. Nếu sự việc này có thật ngoài đời thì hậu quả sẽ khó lường.

20 trẻ bị người lạ “dụ”, cô giáo gọi khản cổ không về: Chuyên gia đưa lời khuyên
Trẻ mầm non rất nhanh quên nên gia đình và nhà trường cần sát sao, dạy các em các kỹ năng " phòng chống người lạ"

Trẻ em mầm non là lứa tuổi nhỏ, vừa rời vòng tay bố mẹ để đến trường. Các em rất mau quên những lời dặn dò của bố mẹ, thầy cô.

Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: “Trẻ không biết cảnh giác với người xấu như người lớn nên chỉ cần người lớn tươi cười, âu yếm, cho các em quà là các em tin đó là người tốt nên dễ dàng đi theo”.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, cha mẹ là người gần gũi các em nhất nên phải luôn sát sao và dạy bảo, hướng dẫn con em mình. “Vì cô giáo có nhiều học sinh nên sẽ không thể dạy kỹ từng em một được. Bố mẹ phải dạy con là người lạ có thể dụ dỗ để bắt con đi, các con sẽ bị đói, bị đánh đập cho con biết sợ người lạ, không tin họ và họ có rủ rê cũng không theo. Nói nhiều lần trẻ sẽ nhớ.

Về phần nhà trường, giáo viên không nên chỉ nói cho học sinh hiểu vì chúng rất hay quên. Cô giáo phải soạn ra những kịch bản người lạ “quyến rũ” các cháu như thế nào? Ví dụ như cô giáo đóng giả làm người lạ chẳng hạn. Và cho các em học sinh đóng làm nạn nhân. Diễn cho các cháu xem người lạ rủ rê như thế nào và các cháu phải làm gì để không bị rủ đi. Xem như thế các cháu sẽ dễ nhớ hơn và chúng thích thú với trò đó hơn”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa đưa lời khuyên.

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, điều cốt lõi để bảo vệ trẻ em khỏi tình huống bị bắt cóc là việc giáo dục kỹ năng vì cha mẹ và người thân không thể lúc nào cũng ở bên để bảo vệ, trông coi trẻ. Việc xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành lên những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc, là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.

Theo các chuyên gia, trẻ em rất mau quên nên cha mẹ phải thường xuyên nói với trẻ về nạn bắt cóc và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất để trẻ ghi nhớ.

Cha mẹ có thể đặt câu hỏi “Khi bị lạc con sẽ làm gì?”. Sau khi trẻ trả lời, cha mẹ cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất và động viên trẻ phải ghi nhớ như con phải bình tĩnh, không khóc lóc hay chạy lung tung mà nên đứng yên tại chỗ để chờ bố mẹ quay lại tìm. Con cũng có thể tìm sự trợ giúp từ “những người lạ có thể tin tưởng” như chú bộ đội, chú công an, thầy cô giáo, bác bảo vệ cơ quan… để khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể nhờ giúp đỡ.

Cùng với đó, cha mẹ cần dạy trẻ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với “những người lạ có thể tin tưởng”.

Gia đình, nhà trường cần giáo dục trẻ không được nói chuyện, nhận đồ từ người lạ hoặc đi theo người lạ. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà,… thì phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho người thân. Nếu bị người lạ lôi kéo, dắt đi thì phải khóc, kêu thật to để gây sự chú ý với những người xung quanh.

Những đối tượng bắt cóc thường nhắm đến mục tiêu trẻ đi chơi một mình nên trẻ đi chơi cùng bạn bè, cha mẹ phải dặn trẻ luôn để mắt tới nhóm bạn, tránh bị lạc.

Đặc biệt, cha mẹ tuyệt đối không nên đưa những thông tin cá nhân của gia đình, con cái lên mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Những thông tin như địa chỉ nhà ở, trường học hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình sẽ khiến gia đình, con cái mình dễ trở thành mục tiêu của tội phạm bởi hiện nay, các đối tượng thường xuyên lên mạng xã hội để “săn mồi”.

Gã thanh niên dàn cảnh bị bắt cóc để tống tiền bố mẹ
Bố đón con đi chơi, mẹ báo bị người lạ bắt cóc
Bắt cóc “đối tác” và con để đòi tiền
Hai đối tượng bắt cóc cháu bé 2 tuổi ở Bắc Ninh đã bị bắt

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.