Sao la từ động vật trên bờ tuyệt chủng thành linh vật SEA Games 31

Sao la là loài vật quý hiếm ít người biết đến và bên bờ tuyệt chủng đã được chọn là linh vật SEA Games 31. Qua sự kiện, BTC mong muốn cộng đồng nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn động vật quý hiếm ở Việt Nam.
Sao la từ động vật trên bờ tuyệt chủng thành linh vật SEA Games 31
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi bên "con đẻ sao la", linh vật của SEA Games 31.

Cuối năm 2019, Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi thiết kế linh vật và logo cho SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam. Thời điểm đó, ông Ngô Xuân Khôi, 61 tuổi, Hà Nội, rất hào hứng tham gia.

Ý tưởng linh vật SEA Games 31

Chia sẻ với PV, ông Khôi cho biết, ông tham gia cũng không kỳ vọng sẽ đạt giải. Để lên ý tưởng linh vật SEA Games 31, ông Khôi đã nghĩ đến các con vật quen thuộc trong cuộc sống người dân Việt Nam hoặc một số loài động vật quý hiếm như sếu đầu đỏ hay voọc quần đùi trắng.

Có lần, ông Khôi chợt nhớ từng đọc một bài báo viết về việc năm 1992, Việt Nam đã phát hiện loài vật lần đầu tiên trên thế giới tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, tên sao la. Đây là một sự kiện “chấn động thế giới”, vì giới khoa học nhận định việc tìm thấy một loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là “chuyện khó có thể xảy ra”.

Thế là ông Khôi bắt đầu vào tìm hiểu con vật sao la này. Qua tìm hiểu, ông thấy, sao la vừa giống hươu, nai, dê, nhưng cũng rất khác biệt với cặp sừng dài và đốm trắng hai bên má.

Sao la từ động vật trên bờ tuyệt chủng thành linh vật SEA Games 31
Tác phẩm hoàn chỉnh và các lần chỉnh sửa biểu tượng sao la.

“Tôi tra cứu và nghiên cứu nhiều, nhận ra con vật này thật thú vị và đặc biệt. Do vậy, tôi đã nghĩ phải quảng bá loài vật quý hiếm này với bạn bè quốc tế, nói với họ rằng Việt Nam là một đất nước giàu về thiên nhiên, đa dạng sinh học. Hơn hết, ông muốn lan tỏa ý thức bảo vệ động vật quý hiếm thông qua Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 ở Việt Nam.

Vậy nên, tôi quyết định thiết kế sao la cho bài dự thi linh vật SEA Games 31”, ông Khôi nói.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi có 2 tuần để hoàn thiện bài dự thi, từ nghiên cứu, tìm hình ảnh, đến phác thảo chì, chọn màu sắc, đồ họa máy tính, đảm bảo theo các tiêu chí và yêu cầu kỹ thuật của Ban tổ chức.

Ông suy nghĩ nhiều về tạo hình linh vật sao cho không bị lai căng, không giống với hoạt hình Disney, tranh manga Nhật Bản, chibi Hàn Quốc hay cách vẽ của Nga. Ông kì vọng biểu tượng sao la ngoài mang đặc trưng vốn có, còn được thổi hồn văn hóa Việt.

Cuối cùng, ông chọn cách vẽ sao la bình dị, gần gũi, giống nhân vật trong nghệ thuật múa rối nước. Bởi đây là loài vật còn mới mẻ, rất cần những yếu tố thân quen với cuộc sống người dân.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi miêu tả sao la mặc trang phục giống nông dân nhưng có nét của môn võ truyền thống thông qua đai thắt lưng. Màu nâu của đất, vàng của lúa, xanh non của lá mạ, đỏ của sự may mắn, hài hòa với nhau tạo thành gam màu ấm áp, tươi sáng và lạc quan.

Hai mươi ngày sau khi gửi bài dự thi, ông Khôi nhận được văn bản của Ban tổ chức, thông báo sao la cùng hai “người bạn” là nghê cười và hổ, đã “đánh bại” gần 600 bài dự thi khác, để vào vòng chung khảo.

Các họa sĩ tiếp tục chỉnh sửa tác phẩm nhiều lần, theo góp ý của Hội đồng giám khảo. Có lúc, sao la được thiết kế hơi thấp, béo. Cũng có ý kiến đề nghị làm sao để linh vật ngộ nghĩnh, vui tươi như nhân vật Pikachu hay hay chú mèo máy Doraemon. Sau cùng, hình tượng sao la được thiết kế cao, thanh thoát, đứng thẳng, tay giơ hình chữ V.

Các thành viên của Ban Tổ chức đã thảo luận qua nhiều phiên làm việc về ý nghĩa cũng như tính thẩm mỹ của từng linh vật. Kết quả, tác phẩm sao la của tác giả Ngô Xuân Khôi được chấm Giải Nhất, đảm bảo đủ các tiêu chí về bố cục, tính thẩm mỹ và ý nghĩa, chính thức trở thành linh vật của SEA Games 31.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể Thao cho biết, sao la được xếp hạng bảo tồn nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Linh vật này sẽ giúp bạn bè trong khu vực và quốc tế biết thêm những giá trị đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam.

“Hình tượng sao la gợi lên sự thân thiện, nhanh nhẹn, hoạt bát phù hợp với tính chất, hoạt động thể thao”, bà Yến nói.

Nhận tin “đứa con tinh thần” được chọn làm linh vật SEA Games 31, họa sĩ Ngô Xuân Khôi xúc động nói, “Thời điểm đầu, tôi đã trải qua nhiều cảm xúc vui buồn và những thăng trầm, nhiều luồng dư luận tưởng chừng cuộc thi không có hồi kết nhưng chính sao la đã dần khẳng định sự đúng đắn khi được chọn làm linh vật SEA Games 31. Đây là loài vật quý hiếm, bí ẩn, lầm lũi và lặng lẽ dọc dãy Trường Sơn, không ngờ có ngày được đón nhận và quan tâm nhiều như thế”.

Sự đúng đắn khi chọn sao la là linh vật của SEA Games 31

Các môn thể thao trong khuôn khổ SEA Games 31 được tổ chức tại 12 tỉnh, thành của Việt Nam. Hình ảnh sao la bởi thế xuất hiện khắp các đường phố với nhiều màu sắc, chất liệu, kích cỡ khác nhau.

Sao la từ động vật trên bờ tuyệt chủng thành linh vật SEA Games 31

Ông Khôi hy vọng đóng góp công sức nhỏ trong hành trình nâng cao ý thức cộng đồng gìn giữ bảo tồn động vật quý hiếm ở Việt Nam.

Mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, nhưng họa sĩ Ngô Xuân Khôi đón nhận một cách bình thản. Ông thấu hiểu phản ứng của người dân bởi sao la từ trước đến nay ít được biết đến.

Về ý kiến tại sao không giữ hình ảnh linh vật trâu vàng từng gây vang dội mùa SEA Games năm 2003, ông Khôi nhận định “Việt Nam có nhiều thứ để lựa chọn, tại sao phải chọn đi chọn lại trâu vàng? Hơn nữa, trâu không phải là loài vật đặc trưng duy nhất của Việt Nam”.

“Con trâu đã hoàn thành sứ mệnh ở kỳ SEA Games 22. Bây giờ, chúng ta phải tìm một hình ảnh mới. Dẫu biết sao la chưa thân quen với người dân, nhưng nó là loài vật đặc biệt, để lại dấu ấn khác lạ”, ông Khôi nhấn mạnh

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi vui mừng và hạnh phúc khi hình ảnh sao la ngày càng được lan tỏa trong hai năm gần đây. Người dân bắt đầu tìm kiếm và nhận biết, ý thức bảo tồn sao la.

Ông chia sẻ, một nhân viên truyền thông của Tổ chức Bảo vệ động vật quý hiếm Việt Nam (WWF) Việt Nam từng nói rằng, họ mất chục năm tuyên truyền, vận động cộng đồng nâng cao ý thức bảo tồn sao la nhưng không hiệu quả, không lan tỏa nhanh và rộng rãi như những ngày gần đây loài vật được chọn làm biểu tượng của Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Ông Khôi tâm đắc nhất khi đã vô tình đóng góp công sức nhỏ trong hành trình nâng cao ý thức cộng đồng gìn giữ bảo tồn động vật quý hiếm ở Việt Nam.

“Từ chỗ bị nghi ngờ, đắn đo và phản biện, tôi hạnh phúc khi biểu tượng sao la được quan tâm nhiều hơn. Loài vật này sẽ theo chân các vận động viên về từng quốc gia, để lại kỷ niệm đẹp trong lòng họ”, “cha đẻ” linh vật sao la bày tỏ.

Ông kỳ vọng, sao la sẽ tiếp lửa, tăng thêm sức mạnh, niềm tự hào và động lực cho các vận động viên chủ nhà thi đấu thăng hoa, đạt thành tích cao, mang vinh quang về cho đất nước.

Còn với bạn bè quốc tế, ông muốn gửi thông điệp: chú sao la khỏe mạnh, tự tin, rất vui là đại diện cho một Việt Nam giàu đẹp, đa dạng sinh học, thân thiện và hiếu khách.

Theo Tổ chức Bảo vệ động vật quý hiếm Việt Nam (WWF) Việt Nam, sao la được mệnh danh là "Kỳ lân châu Á”, là một trong những loài thú lớn đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.

Đến nay chưa có nhà sinh vật học nào từng nhìn thấy sao la ngoài tự nhiên. Những hình ảnh hoang dã hiếm hoi của loài này có được là nhờ vào hệ thống bẫy ảnh do các nhà bảo tồn thiết lập trong các khu rừng tại Lào và Việt Nam.

Sao la có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis, dài khoảng 1,3 đến 1,5m, cao 90cm và có trọng lượng khoảng 100kg. Da màu nâu sẫm, trên mỗi móng có một đốm trắng. Sừng sao la dài và mảnh dẻ, hướng thẳng về phía sau và có thể dài đến 51cm.

Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5/1992 trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và WWF tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang. Sau đó, các nhà khoa học đã tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm 20 con sao la, cũng trong năm 1992.

Sau này sao la cũng được tìm thấy ở các nơi khác trong phạm vi của rừng Trường Sơn thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và nhiều tỉnh thuộc Lào.

Tháng 10/1998 một lần nữa các nhà khoa học đã chụp ảnh được sao la trong tự nhiên, tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An.

Ngày 7/9/2013, sau 15 năm biệt tăm ở Việt Nam, hình ảnh sao la trong tự nhiên đã được ghi nhận ở Quảng Nam, thông qua máy ảnh của WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Vì ít khi được quan sát nên khoa học không biết nhiều về tập quán sinh sống của chúng. Nhân khi tìm được xác chết của một con sao la lớn vào năm 1996, có độ tuổi dự đoán khoảng 8 đến 9 tuổi, khoa học có thể xác định rằng thời gian sinh đẻ của sao la là khoảng tháng 5 sang đầu tháng 6.

Mật độ của sao la trong Vườn quốc gia Vũ Quang được dự đoán không quá 100 con. Mật độ tại Lào chưa được biết rõ nhưng phân bố không được liên tục.

Sao la được xếp hạng ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) và là bước cuối cùng trước mức tuyệt chủng. Sao la thường bị mắc vào bẫy dây, loại bẫy có thể bắt bất kỳ động vật nào không may mắc phải. Những loài bị săn bắt thường được bán cho các nhà hàng và cơ sở kinh doanh địa phương buôn bán thịt thú rừng. Hàng ngàn sợi bẫy dây đang quét sạch các loài động vật quý hiếm tại các khu rừng Trường Sơn.

Tháng 4/2011, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sao la (Saola Nature Reserve) rộng 160km2 được thành lập ở Quảng Nam, mở rộng hành lang sinh thái nối liền Việt Nam và Vườn Quốc gia Xe Sap của Lào.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi, Sinh năm: 1961

Quê quán: TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

Năm 1991, ông tốt nghiệp ngành Hội họa hoành tráng, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Hiện, ông là Họa sĩ trưởng tại Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, là một trong những họa sĩ vẽ minh họa và thiết kế bìa sách uy tín hàng đầu.

Đột nhập nơi Đột nhập nơi "chăm sóc" đàn Sao La đặc biệt của SEA Games 31

Cơ sở này đang "chăm sóc" hàng trăm chú sao la đặc biệt để hướng tới ngày hội thể thao Đông Nam Á SEA Games ...

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.