Ca từ bài Rap kết hợp cùng nhạc sĩ Trần Tiến gây tranh cãi, giá trị bài hát của Đen Vâu có bị giảm đi?

Đen Vâu cảm thấy đáng tiếc bởi lời bài hát khi ngắt riêng từng đoạn, từng câu làm mọi người có thể hiểu khác đi ý nghĩa, thông điệp anh muốn truyền tải, lan tỏa.
Ca từ bài Rap kết hợp cùng nhạc sĩ Trần Tiến gây tranh cãi, giá trị bài hát của Đen Vâu có bị giảm đi?
MV "Đi trong mùa hè" của Đen Vâu có sự tham gia của nhạc sĩ Trần Tiến

“Đi trong mùa hè” là sản phẩm âm nhạc mới nhất của Đen Vâu. Ca khúc nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả và đạt top 1 trending YouTube trong khoảng thời gian ngắn. MV còn đặc biệt ở chỗ có sự xuất hiện của nhạc sĩ nổi tiếng Trần Tiến. Có thể nói màn kết hợp giữa vị tiền bối gạo cội với hậu bối trẻ tài tăng như Đen Vâu đã tạo nên sự mới mẻ và cuốn hút cho MV.

Tuy nhiên, MV sẽ thực sự tròn trịa và càng có giá trị hơn khi không vướng phải những tranh cãi về ca từ cũng như cách thức truyền tải thông điệp.

Cụ thể, ngay phần đầu ca khúc, câu rap “Đối thủ cũng như là người tình, bám theo mình theo cách đầy vấn vương. Nhưng người tình thì mong cho mình khoẻ, còn đối thủ thì muốn mình chấn thương” khiến một số ý kiến cho rằng Đen Vâu đang định hướng sai góc nhìn của khán giả về "tinh thần thể thao" trong MV. Việc khẳng định "đối thủ muốn mình chấn thương" làm nhiều người cho rằng đó là tinh thần phi thể thao cần nên án.

Bên cạnh đó, đoạn rap "Lời em nói theo thống kê xác suất, tỷ lệ một phần triệu biến anh thành người vũ phu", "Ở trên mạng anh là phe ôn hoà, đôi khi về nhà anh là phe bảo thủ" hay "Em mà chuyển kênh, anh sẽ từ một cậu bé, hóa thân thành..." đã dấy lên tranh cãi lớn trên mạng xã hội khi bị đánh giá là cổ xúy bạo lực gia đình.

Ngoài ra, đoạn rap này cũng bị nhiều khán giả cho rằng anh đang có định kiến với phái yếu khi không hiểu biết về bóng đá và điều này hoàn toàn không phù hợp với một sản phẩm mang thông điệp cổ động thể thao.

Trước những tranh cãi về ca từ và thông điệp của ca khúc mới, Đen Vâu lần đầu lên tiếng xoay quanh những vấn đề này. Cụ thể, anh cho biết MV nói về một người đàn ông sợ vợ mê bóng đá, một người vốn đi về trễ là bị vợ mắng, đổ xăng đầy phải được vợ cho tiền, như 2 câu đầu của đoạn 2: “Mong cho lần này thắng to, để đi hết đêm không cần đắn đo/ Dù mọi lần đi khuya bị mắng, hôm nay xăng đầy được vợ bắn cho”.

Nam rapper giải thích bản thân anh đã suy nghĩ và chỉnh sửa câu từ rất nhiều để người nghe có thể cảm nhận, tập trung vào tình yêu bóng đá, chia sẻ niềm vui chiến thắng với nhau chứ không nhằm mục đích cổ xúy cho bất kỳ điều gì khác.

Nam rapper cũng giải thích thêm: "Ở những gia đình như vậy, chị vợ là “chủ nhà”, anh chồng nghe lời vợ mọi chuyện, chỉ duy nhất có một điều là với anh ấy, đội tuyển Việt Nam là vô địch - dù ai nói thế nào đi chăng nữa, và đó là điều duy nhất anh ấy dám “phản kháng” với vợ. Nhưng anh chồng cũng chỉ là mạnh mồm phản kháng thế thôi (giống như câu: “Tỷ lệ một phần triệu biến anh thành người vũ phu”) chứ thật ra không dám làm gì. Ý tứ này được thể hiện rõ hơn ở câu bè “anh đùa đấy” (thể hiện anh ta chỉ mạnh mồm đùa với vợ thôi)".

Về từ "bảo thủ", Đen Vâu nhấn mạnh ý nghĩa là dù ai, kể cả vợ có nói gì đi chăng nữa thì trong tim anh ấy, chân lý “Việt Nam vô địch, Việt Nam muôn năm” là không bao giờ thay đổi.

"Lúc viết, Đen cũng đã tưởng tượng MV sẽ có phân cảnh gia đình hài hước như vậy, người chồng làm tất cả mọi việc trong nhà và tới giờ bóng lăn thì chị vợ mới cho phép được xem tivi, nhưng vì nhiều lý do mà phần kịch bản này không được đưa vào MV", Đen Vâu cho biết.

Đen nhấn mạnh thông điệp của đoạn này rất đơn giản, chính là: Bất kỳ người Việt Nam nào, kể cả những anh chồng sợ vợ cũng luôn hướng tới đội tuyển với niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam vô địch. Đen Vâu cảm thấy đáng tiếc bởi lời bài hát khi ngắt riêng từng đoạn, từng câu làm mọi người có thể hiểu khác đi ý nghĩa, thông điệp anh muốn truyền tải, lan tỏa.

Cuối cùng, nam rapper chia sẻ bản thân luôn trân trọng, biết ơn tất cả ý kiến đóng góp. “Tôi xin ghi nhận tất cả ý kiến này để hoàn thiện hơn các tác phẩm sau này”, Đen Vâu cho biết.

Có thể thấy, cách chuyển tải thông điệp trong tác phẩm nghệ thuật giữ vai trò rất quan trọng đối với thành công của sản phẩm. Nếu như cách chuyển tải đó không khéo léo, tinh tế sẽ rất dễ bị khán giả hiểu sai. Từ đó, gây ra những tranh cãi không đáng có, kéo theo sản phẩm không thành công như kỳ vọng của cả nghệ sĩ và khán giả.

Ca từ bài Rap kết hợp cùng nhạc sĩ Trần Tiến gây tranh cãi, giá trị bài hát của Đen Vâu có bị giảm đi?
MV của Đen Vâu ra mắt đúng thời điểm, nhân dịp SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam.

Đơn cử như ca khúc mới nhất của Sơn Tùng M-TP (There's No One At All) chính thức bị dừng phát hành sau 1 ngày ra mắt. Khán giả ngay lập tức kêu gọi tẩy chay ca khúc vì có cảnh nam chính tự tử. MV lại ra mắt đúng thời điểm Việt Nam có khá nhiều vụ tự tử của sinh viên, học sinh. Khán giả cho rằng MV sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý và hành động của giới trẻ.

Sau khi làm việc với phía Sơn Tùng, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kết luận Sơn Tùng M-TP đã vi phạm khoản 3 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Cụ thể, MV There's No One At All mang thông điệp tiêu cực, kích động với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc một cách cực đoan đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em.

Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định xử phạt với Cty của Sơn Tùng 70 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 13, Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Sơn Tùng còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5, Điều 13 của Nghị định 38, bao gồm buộc tiêu hủy bản ghi âm, ghi hình; buộc nộp lại số lợi thu được từ MV, tháo gỡ bản ghi hình There's No One At All dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.

Về phần mình, tối 29/4, Sơn Tùng đăng tải lời xin lỗi đến khán giả. Nam ca sĩ cho biết MV được lấy hình ảnh của một đứa bé không gia đình, không bạn bè nhưng luôn tin vào một ngày nào đó sẽ được bù đắp, được yêu thương, được quan tâm như bao đứa trẻ khác.

Sơn Tùng cho biết với MV này, ê-kíp muốn truyền tải thông điệp "Hãy thấu hiểu cảm xúc bên trong những người cô đơn, hiểu để yêu thương, che chở, và hãy mở rộng tấm lòng của chúng ta trước khi quá muộn" và "Bạn không hề cô đơn, có rất nhiều người giống như bạn".

Có thể mục đích của Sơn Tùng là tích cực nhưng cách truyền tải thông điệp của nam ca sĩ lại chứa hành động tiêu cực (đối diện với bế tắc, người ta lựa chọn kết thúc cuộc đời mình thay vì cố gắng vượt qua). Chính điều đó đã khiến cho thông điệp của MV bị hiểu ngược lại. Nếu như cuối MV không phải là cảnh tự tử của nam chính mà là điều gì đó tích cực hơn thì có lẽ, giá trị của MV "There's No One At All" sẽ được nâng lên rất nhiều và nhận được sự đón nhận của đông đảo khán giả.

Thế mới nói, người nghệ sĩ và sản phẩm của họ (cho dù là sản phẩm giải trí) có vai trò rất quan trọng trong việc đóng góp vào sự phát triển của đời sống xã hội, định hướng tư tưởng cho công chúng, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Cách chuyển tải thông điệp vì thế càng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để khán giả tiếp nhận dễ dàng, tránh để thông điệp bị hiểu lệch lạc dẫn đến việc MV không được đón nhận hoặc bị xử lý một cách đáng tiếc.

Đen Vâu - Đen Vâu - "ông hoàng" thổi cảm xúc vào sản phẩm âm nhạc
Đen Vâu: Càng đơn giản càng “chất” Đen Vâu: Càng đơn giản càng “chất”

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.