Vai trò của không gian công cộng trong đời sống đô thị

Kỳ 3: Hài hòa không gian xanh tại các chung cư

Các tòa nhà cao tầng, khu đô thị mới mọc lên nhanh chóng góp phần thay đổi diện mạo đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, các giải pháp thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị cần được chú trọng quan tâm kịp thời nhằm bảo đảm môi trường sống an toàn, thoải mái cho người dân và tạo bản sắc cho đô thị.
KGCC tại các chung cư cao tầng có vai trò quan trọng trong việc kết nối cộng đồng, nâng cao chất lượng sống của cư dân Ảnh: Nguyễn Quang
KGCC tại các chung cư cao tầng có vai trò quan trọng trong việc kết nối cộng đồng, nâng cao chất lượng sống của cư dân. Ảnh: Nguyễn Quang

Cây xanh đang trở nên “xa xỉ” tại các chung cư

Nhiều dự án hạ tầng cơ sở cũng như nhà ở đang mọc lên dẫn đến không gian đô thị ngày càng chật chội khiến nhu cầu tận hưởng những không gian xanh của cư dân trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, tỉ lệ cây xanh cũng như quy hoạch mảng xanh của cấu trúc không gian công cộng (KGCC) trong phát triển đô thị nói chung và các dự án nhà ở nói riêng vẫn còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng.

Tại các khu dân cư, mảng xanh-cây xanh chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Đồng thời, ở các dự án khu dân cư mới, chủ đầu tư đa số thường chỉ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà chưa chú trọng đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh theo quy hoạch.

Cụ thể, đất để trồng cây xanh trong các đô thị mới chỉ đạt 0,5 m2/người. Tại Hà Nội và TPHCM, chỉ tiêu này cũng không quá 2 m2/người, chỉ mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các TP hiện đại trên thế giới (khoảng 20 m2-25 m2 cây xanh/người) và bằng 2/7 tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008.

Mặc dù không gian xanh bình quân đầu người của Hà Nội đã tăng từ 2,5m2/người năm 1991 lên 4,7m2/người nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức 18m2/người là mục tiêu đề ra cho năm 2020.

Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình. Tại các đô thị nhỏ, cây xanh chưa thành hệ thống, chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỉ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp so với yêu cầu.

Vì vậy, cây xanh đang thành thứ “xa xỉ” đối với người dân tại nhiều khu chung cư. Bỏ tiền tỷ để mua một căn hộ chung cư, sau một thời gian sinh sống chị Nguyễn Tuyết Trinh, ở quận Bắc Từ Liêm cho biết, tòa nhà chị sống cao vài chục tầng mà cũng chẳng có mấy cây xanh, cảm giác không khí luôn ngột ngạt vì thiếu không gian xanh. Mỗi khi đi làm về, gia đình chị thường ở trên căn hộ, đóng cửa bật điều hòa chứ rất ít khi xuống đất chơi. Có con nhỏ chị mong muốn chung cư có nhiều khu vực tiệc ích, đặc biệt là các không gian xanh để con trẻ được vận động vui chơi và phát triển… Gia đình chị đã quyết tâm tích cóp để chuyển sang chung cư khác có cảnh quan môi trường cởi mở, có nhiều KGCC, gắn liền với cây xanh hơn.

Các KGCC như mặt nước, hồ điều hòa góp phần tạo ra giá trị tinh thần cộng đồng dân cư trong đô thị.                Ảnh: Khánh Huy
Các KGCC như mặt nước, hồ điều hòa góp phần tạo ra giá trị tinh thần cộng đồng dân cư trong đô thị. Ảnh: Khánh Huy

“Chìa khóa vàng” cải thiện môi trường sống

Thủ đô Hà Nội với hơn 8 triệu dân, đang hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị xanh, văn minh, hiện đại… và việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân luôn là chương trình trọng điểm của TP Hà Nội trong nhiều năm qua.

Trong đó, đề ra hàng loạt giải pháp cụ thể như chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư; áp dụng cơ chế thu hút đầu tư dự án khu đô thị đồng bộ hạ tầng... để hoàn thiện cơ chế chính sách cho vấn đề này. Bên cạnh những mặt tích cực về mật xây dựng, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng số lượng các khu đô thị mới phát triển nhanh chóng thời gian qua cũng đã bộc lộ không ít tồn tại. Trong đó, thiết kế kiến trúc cảnh quan khu đô thị chưa được quan tâm chú trọng.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, thiết kế kiến trúc cảnh quan tại các khu đô thị mới hết sức quan trọng, không chỉ các chủ đầu tư mà nhà quản lý đô thị cũng cần quan tâm. Vì các quy hoạch đô thị, thiết kế kiến trúc cảnh quan không chỉ nhằm nâng cao chất lượng sống cho cư dân còn có giá trị nâng cao thẩm mỹ cho người dân, tạo bản sắc văn hóa đô thị.

Ngoài ra, không gian xanh phần không thể thiếu trong cấu trúc của KGCC còn góp phần tích cực tạo ra giá trị vật chất, tinh thần và môi trường sống không những cho mỗi cá nhân mà còn cho cộng đồng dân cư trong đô thị.

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3-3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20-50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm 17-57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời.

Đối với các dự án chung cư, hệ thống cây xanh giúp giảm tới 20-25% chi phí sử dụng năng lượng hàng năm cho một gia đình sống ở căn hộ chung cư qua việc điều hòa không khí; chắn gió, giảm tiếng ồn và tăng chất lượng không khí; giảm tải cho hệ thống thoát nước mưa đô thị, các thảm cây xanh làm tăng chất lượng nước các thủy vực do hấp thụ chất ô nhiễm từ nước chảy tràn bề mặt, làm giảm lượng nước tập trung vào nguồn nước mặt và tăng trữ lượng nước ngầm.

Để bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống, hướng đến phát triển bền vững. Hiện nhiều nhà đầu tư bất động sản đã ý thức được vai trò "lá phổi" của cây xanh để điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề môi sinh tại các dự án nhà ở chung cư.

Có thể thấy dự án Ecopark (Hưng Yên) đã làm rất tốt và mang lại những giá trị sống địch thực cho cộng đồng dân cư khu vực này khi đầu tư mạnh tay cho các hạng mục cây xanh, mảng xanh, hay các khu KGCC khác. Khu phức hợp này đã sở hữu hơn 1 triệu cây xanh cỡ lớn, phân bổ trên khuôn viên 100 ha cây xanh và mặt nước.

Tính bình quân, cứ một cư dân ở Ecopark sẽ sở hữu riêng 120 cây xanh. Không khí tại Ecopark được thanh lọc bởi hàng loạt công viên khổng lồ với hàng triệu cây xanh như công viên hồ Thiên Nga, công viên Mùa Xuân, công viên Mùa Hạ, công viên Mùa Thu. Tất cả các khu dân cư tại Ecopark đều được thiết kế bên các công viên, sân golf rộng lớn.

Và theo các chuyên gia, để Hà Nội sẽ thực sự là một đô thị xanh thì phải coi phát triển cây xanh đô thị là một hoạt động bảo vệ môi trường đô thị. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã đề xuất Bộ Xây dựng cần xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về thiết kế cảnh quan làm tiền đề xây dựng các căn cứ pháp lý gồm thông tư hướng dẫn lập đồ án và quản lý thiết kế cảnh quan tại các khu đô thị mới.

Theo đó, công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh - mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng; phải hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hồ và cây xanh, xây dựng Luật về cây xanh đô thị. Giải pháp có nhiều mảng xanh, cây xanh tại các khu dân cư và các dự án chung cư đang được xem là “chìa khóa vàng” để cải thiện môi trường sống cho đô thị.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Phố đi bộ-điểm nhấn kết nối văn hóa Thủ đô
Kỳ 2: Cải tạo công viên - nâng tầm cảnh quan đô thị

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.