Vai trò của không gian công cộng trong đời sống đô thị:

Kỳ 2: Cải tạo công viên - nâng tầm cảnh quan đô thị

Công viên đóng vai trò đa chức năng trong đời sống đô thị. Nó là cầu nối, là bước đệm và cũng chính là KGCC, nơi kết nối và phản ánh đời sống - văn hóa của đô thị. TP Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa nhằm duy trì, nâng tầm cảnh quan, phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân.
Công viên nước, điểm vui chơi thú vị hấp dẫn tại quận Tây Hồ
Công viên nước, điểm vui chơi thú vị hấp dẫn tại quận Tây Hồ

Tương xứng với sự phát triển của TP

Ngoài các tuyến phố đi bộ, thì vườn hoa công viên cũng có vai trò quan trọng trong định hình không gian đô thị. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay chưa thực sự thấy bản sắc hay những thiết kế mang tính đột phá, thu hút người sử dụng. Vì vậy, việc phát triển không gian công cộng (KGCC) hiệu quả, trong đó có các công viên vườn hoa sẽ giúp người dân được trải nghiệm những đặc tính văn hóa và tăng tính giao kết cộng đồng.

Hà Nội hiện có hàng trăm công viên, vườn hoa, là nơi vui chơi giải trí, tham quan cho người dân, du khách. Phần lớn các công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử, hình thành đã lâu. Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân, tại nhiều công viên, vườn hoa trên địa bàn TP, đã xuống cấp, hư hỏng.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngoại trừ công viên nước Hồ Tây, các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP chủ yếu phục vụ công ích. Về chất lượng, hệ thống cây bóng mát tại các công viên, vườn hoa đã phát triển ổn định, chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, do hình thành từ lâu nên diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng, vật kiến trúc... đã bị xuống cấp, thiếu đồng bộ.

Trước đó rất nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về tình trạng xuống cấp của các công viên như: Tại công viên Thống Nhất - một trong những công viên lớn của TP, xuất hiện tình trạng đường dạo xuống cấp…

Tại quận Hoàng Mai, công viên Bắc Linh Đàm có nhiều hạng mục như đường dạo bị bong tróc, gạch đá gồ ghề; hệ thống chiếu sáng thiếu, hỏng. Ghế đá cũ kỹ, cây xanh, thảm cỏ lâu ngày không được cắt tỉa, có nhiều cây bị chết nhưng không được trồng thay thế.

Tại quận Đống Đa, công viên hồ Ba Mẫu, công viên Văn hóa Đống Đa, vườn hoa Đại học Thủy lợi, vườn hoa Đào Duy Anh…, cũng nhận được phản ánh dù nhiều cây hoa, cây khóm, bụi, thảm cỏ cũng được cắt tỉa, chăm sóc, song chưa đa dạng về chủng loại, sắc màu còn đơn giản, hoa không đồng đều các mùa trong năm.

Công viên hồ điều hòa Mai Dịch (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) mới được đưa vào sử dụng mấy năm nhưng đã xuống cấp. Nhiều đoạn đường trong công viên bị sụt lún, nước đọng thành ao. Tại các Công viên Cầu Giấy, hay công viên Nghĩa Đô cũng ghi nhận sự xuống cấp của 1 vài hạng mục công trình, khu vui chơi cho trẻ em…

Bách thảo, điểm đến quen thuộc của những người yêu cây xanh Thủ đô
Bách thảo, điểm đến quen thuộc của những người yêu cây xanh Thủ đô

Mang lại diện mạo mới khang trang

Để có giải pháp cho trình trạng trên, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã rà soát công viên, vườn hoa cải tạo, nâng cấp. Trên cơ sở tổng số 63 công viên, vườn hoa hiện có, sau khi rà soát, có 45 công viên, vườn hoa (khoảng 70%) cần cải tạo, nâng cấp, sửa chữa theo mức độ khác nhau để duy trì ổn định cảnh quan, đồng bộ phục vụ Nhân dân, trong đó, có 13 công viên và 32 vườn hoa.

Theo chỉ đạo của UBND TP, UBND các quận, huyện và các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, khắc phục tình trạng xuống cấp của các công viên, vườn hoa và đầu tư xây mới để tạo thêm nhiều cảnh quan có môi trường xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, TP sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư các công viên còn lại thuộc danh mục xây dựng mới theo quy hoạch cây xanh.

Về kế hoạch hoàn thành 6 công viên mới giai đoạn 2021-2025, các sở, ngành, chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ và chỉ đạo của UBND TP, tập trung phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công viên Chu Văn An (dự án 2 - công trình kiến trúc), công viên CV1, công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, công viên Văn hóa Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang, công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

UBND TP giao các Sở, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung thì gửi đề xuất đến Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND TP quyết định.

Trước đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, thời gian qua, TP đã cấp kinh phí để cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp cho một số công viên, vườn hoa. Tuy nhiên, việc duy tu, sửa chữa chủ yếu mang tính khắc phục cục bộ, chứ chưa mang lại diện mạo mới khang trang, tương xứng với sự phát triển của TP.

Sau khi được cải tạo, nâng cấp, đưa vào sử dụng, các vườn hoa công viên đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Đồng thời góp phần nâng tầm cảnh quan khu vực, cũng như phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí của Nhân dân và du khách ngày một tốt hơn.

Các chuyên gia quy hoạch đô thị và phát triển đô thị trên thế giới đã vạch rõ, KGCC là không gian cung cấp sự tương tác giữa các cá nhân. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của việc chơi đùa đối với sự phát triển của con người, đôi khi sự khuyến khích chơi đùa chỉ cần là một không gian mở để chạy nhảy, đuổi bắt hoặc hòa mình trong đó. Điều này giúp cân bằng quyền được tiếp cận thiên nhiên, đồng thời khuyến khích các yếu tố cùng duy trì và nuôi dưỡng sự cân bằng.

Vì vậy, để các KGCC không chỉ là các tuyến phố đi bộ, các quảng trường với cây xanh mà các công viên vườn hoa nên được màu sắc hóa, để thành điểm đến cho du khách và là chỗ vui chơi cho mọi gia đình, trẻ em. KGCC được coi là chìa khóa để xây dựng ý thức cộng đồng. Là nơi tạo nên bản sắc và văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời gắn kết dân cư, phát triển nền kinh tế đô thị.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Phố đi bộ-điểm nhấn kết nối văn hóa Thủ đô

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.