Tình trạng gian lận trên các sàn thương mại điện tử:

Công cụ pháp lý phải thực sự phát huy hiệu quả

Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, việc buôn bán các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người dùng vẫn tái diễn. Phải chăng vì mức xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe!?
Lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn thực phẩm chức năng giả
Lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn thực phẩm chức năng giả

Khởi tố các vụ án

Ngày 28/4, cơ quan CSĐT, CA quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trần Thị Hương, SN 1989, trú tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội về hành vi “Buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Được biết, tận dụng việc người tiêu dùng (NTD) tìm đến các sản phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe sau thời gian hậu Covid 19, Trần Thị Hương đã nhập các sản phẩm thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Vinslim V3, Thảo mộc Sơn Mai, Khớp Khang Thọ, Neko Slim, Dream Lybo… về để bán kiếm lời thông qua các sàn thương mai điện tử.

Cụ thể, Hương đăng hình ảnh các sản phẩm hàng chính hãng để bán trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, nhưng lại bán hàng giả với giá rẻ hơn rất nhiều nên thu hút lượng người mua lớn.

Trước đó, vào ngày 28/2, cơ quan CSĐT CA quận Long Biên cho biết đã tiến hành tạm giữ tang vật, xử lý theo quy định pháp luật về vụ việc nhiều thực phẩm chức năng giả được sản xuất, bán qua mạng.

Theo đó, từ trình báo của người dân gửi đến Đội Cảnh sát kinh tế CA quận Long Biên, tố cáo việc đã mua một lô hàng giả với tổng giá trị là 7 triệu đồng qua mạng xã hội; sản phẩm gồm có 15 lọ xương khớp, mang thương hiệu Hoàng Hường, tại địa chỉ B1-712 Rubycity 3 Phúc Lợi, Long Biên.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Đội Cảnh sát kinh tế CA quận Long Biên đã tiến hành xác minh, phát hiện Nguyễn Đăng Hoàng Chương, SN 1994, trú tại số 86 Nguyễn Trãi, phường Linh Xá, TP Bắc Ninh, có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.

Quá trình khám xét, Đội Cảnh sát kinh tế CA quận Long Biên đã thu giữ hàng trăm sản phẩm các loại dùng để bôi, uống, xịt làm đẹp, chữa bệnh với nhiều mẫu mã và thương hiệu khác nhau như: Cao bôi dược liệu, khớp Khang Thọ; xoang Ngọc Linh, kem dưỡng trắng gia Sắc Bảo Ngọc, Bổ phế Ích Phế Đan; Oga Max; Khang Cốt Đơn; Mộc Vị Khang; Cát Vượng Hoàn; An Thần Đan; dạ dày Tâm Vị; dạ dày Hoàng Hường… (đề chữ sản xuất tại Cty TNHH dược phẩm Nam Dương; Cty TNHH TM dược phẩm Trang Ly); 22.000 tem nhãn các loại cùng nhiều vỏ lọ, vỏ hộp chưa dán nhãn mác.

Tại CQCA, Chương khai nhận, đã từng làm thuê cho một Cty thực phẩm chức năng. Đến năm 2001, Chương nghỉ việc, tự tìm sản phẩm có kiểu dáng tương tự để mua về, đóng vỏ, in nhãn mác. Toàn bộ hàng hoá thu được tại nhà Chương được Cty TNHH dược phẩm Nam Vương khẳng định là hàng giả. Hiện vụ việc đang được CA quận Long Biên lập hồ sơ xử lý.

Nhiều mặt hàng giả được trà trộn bán qua mạng
Nhiều mặt hàng giả được trà trộn bán qua mạng

Tăng cường kiểm tra

Chỉ trong tháng 4/2022, các đơn vị thuộc CATP Hà Nội (Cơ quan của BCĐ 389 TP Hà Nội) đã khởi tố 04 vụ đối với 12 đối tượng có hành vi gian lận thương mại. Theo Thường trực BCĐ 389 TP Hà Nội, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được các lực lượng chức năng TP tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát.

Tuy nhiên tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn, niêm yết giá bán hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… vẫn còn xảy ra.

Theo lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội, trong thời gian tới, BCĐ 389 TP tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của BCĐ 389 quốc gia, UBND TP về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Ngoài ra, trong bối cảnh internet ngày càng phổ cập rộng rãi, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh trực tuyến phát triển và mang lại những giá trị và lợi ích to lớn. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về thương mại điện tử. Các quy định pháp luật phải thực sự là công cụ pháp lý, tạo ra môi trường kinh doanh an toàn.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, đã xây dựng được một loạt các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử. Từ năm 2005, Quốc hội thông qua ba luật có tính chất đặt nền tảng pháp lý cho thương mại điện tử, đó là Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự và Luật Giao dịch điện tử.

Ngoài các văn bản luật, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể và quản lý các hoạt động giao dịch và các hoạt động liên quan trong thương mại điện tử; thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại.

Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Hà Nội: Xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh thiết bị y tế, thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19
Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu
Nhận diện những “chiêu trò” gian lận thương mại

Dương Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.