Phát huy vai trò công tác hòa giải ở địa phương

Những năm qua, công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm củng cố kiện toàn, phát huy vai trò công tác hòa giải ở địa phương, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm ANCT-TTATXH, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm và đạt hiệu quả cao
Công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm và đạt hiệu quả cao

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, toàn TP hiện có 4.937 tổ hòa giải với tổng số 31.957 hòa giải viên, trong đó có 2.822/4.937 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”, đạt tỷ lệ 57%. Tính đến 31/10/2021, toàn TP đã tiếp nhận tổng số 3.028 vụ việc hòa giải, giảm 1.524 vụ việc so với cùng kỳ năm 2020, đã tiến hành hòa giải thành 2.483/2.911 vụ việc, 160 vụ việc đang tiến hành hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành đạt 85,29%, tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2020.

UBND TP Hà Nội đã tổ chức đánh giá, tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 23/11/2016 của Thành ủy Hà Nội về công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân ngay tại cơ sở và chỉ đạo tích cực triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”.

Theo đó, kết quả 5 năm tỷ lệ hòa giải thành của TP đạt cao: 84,63% (tăng trung bình 3,23% so với giai đoạn trước Chỉ thị 11-CT/TU năm 2014 - 2016), số vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư giảm dần, số lượng vụ việc so với giai đoạn trước Chỉ thị 11-CT/TU ban hành giảm mạnh (giảm khoảng 3.592 vụ/năm) đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp; tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân.

Tiếp tục nâng cao năng lực hòa giải viên

Tại quận Cầu Giấy, triển khai Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 23/7/2019 về triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn TP và Luật Hòa giải; Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 20/8/2019 triển khai, thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn quận, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được quan tâm và hoạt động có hiệu quả.

Hầu hết các tổ hòa giải ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn bảo đảm đúng quy định. Ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Phường Trung Hòa, năm 2021, UBND phường tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 23/11/2016 của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch của TP Hà Nội, quận Cầu Giấy về hòa giải ở cơ sở năm 2021 và Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở”. Đến nay, toàn phường có 46 tổ hòa giải với 202 hòa giải viên và 100% hòa giải viên đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Tại huyện Thanh Trì, tiếp tục triển khai thực hiện quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” tới các xã, thị trấn để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 110 tổ hòa giải với 752 hòa giải viên viên, 49 tổ hòa giải 5 tốt. Các hòa giải viên đều là người có uy tín, nhiệt tình, được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Kinh phí bố trí cho công tác hòa giải ở cơ sở đã được UBND huyện, UBND các xã, thị trấn quan tâm thực hiện. Hàng năm, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Theo Sở Tư pháp, thời gian tới Hà Nội tích cực triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Góp phần giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan Nhà nước giải quyết, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Công tác hòa giải cơ sở đạt kết quả tốt sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11
Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ giỏi công tác hòa giải cơ sở
Hà Nội: Chất lượng công tác hoà giải cơ sở ngày được nâng cao
Công tác hòa giải cơ sở luôn được quan tâm thực hiện
Phát huy vai trò của hương ước, quy ước đối với công tác hòa giải

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.