Phát huy vai trò của hương ước, quy ước đối với công tác hòa giải

Công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua đã được các ngành, các cấp chính quyền trên địa bàn TP Hà Nội tích cực tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị, kinh tế -xã hội trên địa bàn.
Công tác hòa giải cơ sở góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư
Công tác hòa giải cơ sở góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Nhiệm vụ trọng tâm

Nhằm phát huy kết quả đạt được, đồng thời thực hiện Công văn số 745/BTP-PBGDPL ngày 14/3/2022 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022, Kế hoạch của UBND TP về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP năm 2022 và chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. UBND TP đề nghị triển khai thực hiện một số nội dung về công tác hòa giải trên địa bàn.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung nguồn lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 23/7/2019 của UBND TP Hà Nội về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”; tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án bằng hình thức phù hợp, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham mưu, tổ chức thực hiện Đề án.

Tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và các mô hình, cách làm có hiệu quả về hòa giải ở cơ sở. Phối hợp với TAND cùng cấp ở địa phương tích cực tuyên truyền việc thực hiện thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Công văn số 1503/BTP-PBGDPL ngày 05/5/2017 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị TAND công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.

Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền đối với công tác hòa giải, quan tâm đến các lĩnh vực dễ phát sinh mâu thuẫn tranh chấp (quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị ...) nhằm hạn chế phát sinh mâu thuẫn.

Phát huy hơn nữa sự phối hợp giữa tổ hòa giải với Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư, các tổ chức đoàn thể Nhân dân, tổ dân phố trong việc theo dõi, nắm bắt dư luận Nhân dân nhằm chủ động giải quyết kịp thời, triệt để các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ngay tại cơ sở.

Nâng cao chất lượng hòa giải viên, các tổ hòa giải

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, các văn bản của TP về công tác hòa giải nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này. Từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tại cộng đồng thông qua hòa giải ở cơ sở.

Tiếp tục chỉ đạo rà soát, củng cố, kiện toàn tố hòa giải ở cơ sở, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Đảm bảo mỗi một thôn, tổ dân phố có ít nhất một tổ hòa giải. Huy động lực lượng CA, vận động đội ngũ luật sư, luật gia, người đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật, đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và đang sinh sống tại địa bàn, người có uy tín tham gia hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở;

Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, lồng ghép kỹ năng dân vận khéo trong hòa giải ở cơ sở để nâng cao trình độ, năng lực của hòa giải viên nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh ngày càng nhiều, đa dạng, phức tạp;

Chú trọng tăng cường ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Tích cực sử dụng cuốn “Sổ tay nghiệp vụ hòa giải ở cở sở” do Hội đồng phối hợp PBGDPL TP biên soạn và phát hành năm 2021. Khuyến khích việc biên dịch Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, các tài liệu tham khảo, hỗ trợ cho hòa giải viên ra tiếng các dân tộc tại địa phương.

Phát huy vai trò của hương ước, quy ước đối với công tác hòa giải phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi. Thực hiện hoàn thành các tiêu chí về hòa giải ở cơ sở của xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định. Đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt quan tâm bố trí đủ nguồn kinh phí chi thù lao vụ, việc hòa giải cho hòa giải viên tại địa phương theo quy định…

Cùng với đó, tiếp tục gắn công tác hòa giải với công tác thi đua, đưa kết quả lãnh đạo tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở là một trong nhưng tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm ở địa phương. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các tổ hòa giải ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn các tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL vận động, thuyết phục Nhân dân hạn chế phát sinh mâu thuẫn.

UBND TP Hà Nội Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP và các tổ chức chính trị - xã hội TP thực hiện tốt chức năng giám sát, hướng dẫn, phối hợp thực hiện Luật Hòa giải ở cở cở và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP về hòa giải ở cơ sở nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của công tác hòa giải ở cộng đồng dân cư.
Người hỗ trợ đắc lực trong hòa giải tranh chấp đất đai
Công tác hòa giải cơ sở luôn được quan tâm thực hiện
Hòa giải phải hết sức nhẹ nhàng, có tình có lý và đúng pháp luật
Phát huy vai trò Tổ hòa giải 5 tốt

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.