Hồi âm bài báo: “UBND huyện Khoái Châu, Hưng Yên: Hơn 6 tháng vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh”

Kỳ 2: UBND huyện và xã “bỏ quên” một di sản văn hóa?

Tham luận của Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa tại Hội nghị văn hóa toàn quốc khẳng định: “không đánh đổi lợi ích kinh tế với phát triển giá trị văn hóa…”. Tuy nhiên, câu chuyện di sản văn hóa đình làng Toàn Thắng lại không được lãnh đạo huyện và xã nhìn nhận dưới góc độ di sản.
Lẫn trong vôi vữa của công trình vừa bị phá bỏ là những cột đỡ in đậm hoa văn có từ hàng trăm năm trước							  Ảnh: K.H
Lẫn trong vôi vữa của công trình vừa bị phá bỏ là những cột đỡ in đậm hoa văn có từ hàng trăm năm trước. Ảnh: K.H

Phủ nhận từng có một đình làng

Trong Thông báo số 79/TB-UBND, ngày 28-1-2022, UBND huyện Khoái Châu từ chối thụ lý đơn tố cáo của công dân vì cho rằng không có căn cứ, không đúng mục đích sử dụng, không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, trái với quy định của Luật Đất đai.

Trước đó, ngày 30-3-2021, UBND huyện Khoái Châu ban hành Thông báo số 75/TB-UBND trích dẫn Khoản 2, Điều 2 Luật Đất đai năm 1993, khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai 2003 và khoản 5, Điều 26 Luật Đất đai 2013: "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tuy nhiên, Thông báo này cũng như văn bản số 75/UBND-TTH ngày 26-1-2022 và Thông báo số 79/TB-UBND, ngày 28-1-2022 của UBND huyện Khoái Châu đều không giải thích được việc đình làng Toàn Thắng được Nhà nước là cấp huyện hay cấp tỉnh giao cho ai, từ thời điểm nào, văn bản nào?

UBND huyện Khoái Châu cho rằng đình làng của thôn: “đã được cơ quan Nhà nước quản lý, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, bố trí sử dụng vào mục đích xây dựng Trụ sở UBND xã và Nhà văn hoá xã từ năm 1983 đến nay”. Vậy trước năm 1983, vị trí này là đất sử dụng vào mục đích gì cũng không được nói rõ.

Phòng Nội vụ huyện Khoái Châu trong Thông báo số 24 ngày 29-12-2016 khẳng định UBND xã Tứ Dân trực nhờ ở ngôi đình thôn Toàn Thắng từ năm 1957 đến năm 1982 và năm 1983 UBND xã Tứ Dân giải hạ ngôi đình rồi xây nhà văn hóa xã. “Thần sắc Ngọc phả” hiện vẫn lưu giữ tại Viện Hán nôm, cây đại hàng trăm năm tuổi, hệ thống thanh đỡ, trụ đỡ mãi chạm khắc hoa văn, chữ Hán nôm… cũng như nhân chứng sống là người dân qua nhiều thế hệ đều khẳng định, vị trí huyện, xã đồng ý cho xây Nhà văn hóa xã chính là đất đình làng.

Không đánh đổi lợi ích kinh tế với phát triển giá trị văn hóa

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, giải quyết đơn tố cáo của công dân, UBND huyện Khoái Châu chỉ căn cứ vào Luật Đất đai nhưng lại không đề cập tới Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Luật Di sản văn hóa vốn rất quan trọng. Những bộ luật này đã chứng minh người dân đề nghị xin giao lại đất để xây dựng lại Đình làng thôn Toàn Thắng là có căn cứ.

Điều 2, Luật Tín ngưỡng tôn giáo nói rõ: “…Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng…”. Việc người dân kiến nghị về việc dựng lại đình làng hoàn toàn dựa trên cơ sở vì tập thể, cộng đồng, không cá nhân vụ lợi, dựa trên: “tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng…” như luật định.

Điều 1, Chương 1, Luật Di sản văn hóa đề cập: “Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác…”. Như vậy, ngoài giá trị vật thể là công trình xây dựng đình làng trước đây, hệ thống cột đỡ mái chạm khắc hoa văn, chữ Hán nôm, “Thần sắc ngọc phả” đang lưu giữ tại Viện Hán nôm… thì đình làng Toàn Thắng còn mang giá trị của văn hóa phi vật thể, đại diện cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng.

Điều 5, Luật Di sản văn hóa cho thấy: “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu Nhà nước; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật”. Khoản 1, Điều 8, Điều 9 Luật Di sản văn hóa nói rõ: “Mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được bảo vệ và phát huy giá trị”; “Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Luật sư Bùi Quang Thu đánh giá, UBND huyện đã bỏ quên giá trị di sản văn hóa đình Toàn Thắng và cho đó là công trình Nhà văn hóa xã đã khiến người dân phải lên tiếng đề nghị UBND huyện nhìn nhận lại đúng vai trò, giá trị của đình thôn Toàn Thắng. Quan điểm này phù hợp với Điều 10 của Luật Di sản văn hóa: “Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi là tổ chức) và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Đồng thời phù hợp với Khoản 3, Khoản 5, Điều 14, Chương 2, Luật Di sản văn hóa: “ Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa”.

Hưng Yên hiện có 1.802 di tích; trong đó, 172 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia, 257 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh, đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và Bắc Ninh) về số lượng di tích xếp hạng quốc gia. Hưng Yên lưu giữ được kho tàng văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú với trên 500 lễ hội, 147 làng nghệ truyền thống, 243 đơn vị ca dao, tục ngữ, hò, vè, ngụ ngôn, truyện cổ tích, hát ru, văn tế....

Tham luận của Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế- xã hội, không đánh đổi lợi ích kinh tế với phát triển giá trị văn hóa…; Di tích lịch sử, di sản văn hóa là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, tương lai. Các di sản văn hóa chính là những thông điệp về lịch sử mà thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau…”; “Việc bảo vệ, giữ gìn những di sản văn hoá cho hôm nay và mai sau chính là thể hiện sự trân trọng, tri ân đối với các bậc tiền nhân, là biểu hiện cụ thể lòng yêu nước, ý thức giữ gìn, vun đắp những truyền thống tốt đẹp, lấy đó làm nội lực sức mạnh trong quá trình tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…”.

PL&XH sẽ tiếp tục gửi tới bạn đọc những thông tin mới nhất.

Kỳ 1: Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu huyện giải quyết đơn công dân

Khắc Hạnh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.