Quản lý khai thác hiệu quả đất đai – Những yêu cầu về cơ chế đặc thù đối với Thủ đô

Kỳ cuối: Gắn quản lý đất đai với quy hoạch đô thị hiệu quả

Quy hoạch sử dụng đất có vai trò rất quan trọng, phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương có liên quan đến sử dụng đất, tạo tính liên kết liên vùng; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tôn trọng tự nhiên. Với vị thế là đô thị đặc biệt, Hà Nội phải gắn chặt quản lý đất đai với việc quy hoạch đô thị hiệu quả.
Quản lý đất đai phải gắn chặt chẽ với quy hoạch đô thị
Quản lý đất đai phải gắn chặt chẽ với quy hoạch đô thị

Đảm bảo quỹ đất phù hợp quy hoạch

8 năm trước, khi Luật Thủ đô ra đời và có hiệu lực, những vấn đề chung của quy hoạch TP liên quan đến quản lý đất đai đã được nêu rõ. Trong đó, Khoản 4 điều 15 Luật Thủ đô quy định: Quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này và quỹ đất sau khi di dời cơ quan, đơn vị quy định tại điểm b khoản 3 Điều này được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan trung ương khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Đến nay trong số 9 bộ, ngành, cơ quan trung ương đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, chỉ có 1 bộ bàn giao lại trụ sở cũ. Đối với các trường đại học, cao đẳng, hiện 4 quận lõi trung tâm có 26 trường nhưng đến nay mới chỉ duy nhất trường Đại học Y tế cộng đồng tại quận Ba Đình thực hiện di dời.

Với cơ sở gây ô nhiễm, năm 2016, báo cáo tác động môi trường của Luật Thủ đô đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Đến nay đã có một số cơ sở di dời như Nhà máy thuốc lá Thăng Long… còn lại việc di dời vẫn chậm.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, quá trình thực hiện Luật Đất đai cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đó là lộ trình thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên đường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của thành phố, địa phương… nên việc thu hồi hoặc cải tạo chỉnh trang bảo đảm đồng bộ với dự án tuyến đường khi đưa vào khai thác, sử dụng còn nhiều khó khăn.

Vấn đề di dời nhiều cơ sở không chỉ riêng Hà Nội có thể giải quyết được. Cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, Bộ, ngành. Theo Bộ Xây dựng nguyên nhân chậm di dời là do có sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời; quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện trong khi công tác di dời đỏi hòi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn; sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao…

Việc thu hồi và quản lý phù hợp quỹ đất sau thu hồi chỉ thực sự hiệu quả khi gắn với quy hoạch đô thị nói chung. Vì thế, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở và định hướng cho toàn bộ những yêu cầu phát triển của đô thị bao gồm quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Thách thức và kỳ vọng

Tại Hội thảo trực tuyến “Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng Nhiệm vụ quy hoạch Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội” cho thấy: Đến nay, các đồ án quy hoạch được duyệt đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn TP, phát triển KT-XH Thủ đô. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường, nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực.

Thực tiễn triển khai cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều đòi hỏi thay đổi để quản lý đất đai gắn chặt với quy hoạch đô thị hiệu quả hơn. Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà kiến nghị TP có văn bản đề xuất trung ương sớm ban hành quy định cụ thể hóa chính sách thuế lũy tiến để xử lý các dự án chậm thực hiện hoặc bỏ đất hoang hóa; có chính sách bồi thường giá đất phù hợp, tạo được sự đồng thuận của người dân để tránh phát sinh khiếu kiện. Sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin bất động sản đồng bộ, thống nhất, có sự liên thông đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai, tra cứu thông tin.

Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Lưu Quang Huy cho biết, định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Trong đó có giải pháp phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển giao thông nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, hiệu quả đầu tư, hiệu quả hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn và quản lý việc phát triển dọc các tuyến giao thông chính.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, là đô thị đặc biệt, lại là Thủ đô của cả nước nên Hà Nội cần phải có cách làm khác. Trong đó, với quản lý đất đai phải gắn chặt chẽ với quy hoạch phát triển đô thị và các vùng của TP và cũng cần có những cơ chế đặc thù, đảm bảo thống nhất với các văn bản luật chung của cả nước, nhưng cho thấy đặc thù riêng biệt trong quy hoạch và quản lý đất đai của trước yêu cầu mới của phát triển đô thị hiện đại với các đô thị vệ tinh xung quanh.

Kỳ 2: Tháo gỡ những khó khăn Kỳ 2: Tháo gỡ những khó khăn

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng sau thời gian thi hành Luật Thủ đô, ...

Kỳ 1: Khai thác tốt hơn nguồn lực từ đất Kỳ 1: Khai thác tốt hơn nguồn lực từ đất

Trong quản lý đất đai, những năm vừa qua Hà Nội đã đạt được tiến bộ quan trọng, nhất là khai thác nguồn lực từ ...

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.