Xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo:

Kỳ 2: Những cánh tay nối dài từ các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Một TP sáng tạo không thể thiếu các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với lợi thế nhiều trường ĐH, nhiều trung tâm khởi nghiệp, Hà Nội phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc vươn những trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đó ra khỏi khuôn khổ 1 trường ĐH hay một khu công nghệ. Đó phải là những trung tâm hỗ trợ sản xuất sáng tạo nhiều tiện ích trong cuộc sống.
Các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần kết nối mạnh mẽ hơn
Các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần kết nối mạnh mẽ hơn

Tiềm lực khởi nghiệp, sáng tạo mạnh mẽ

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định từng đánh giá về mặt KHCN, Hà Nội có 3 cái nhất. Một là, tiềm lực KHCN có hạ tầng mạnh nhất, nhiều trung tâm nghiên cứu, số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất và đóng góp tỉ lệ cao nhất trong tiềm lực KHCN quốc gia. Thứ hai là cường độ đầu tư trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo cũng cao nhất trong cả nước, với nguồn lực đầu tư cả của Trung ương, Hà Nội và nguồn lực lớn từ các DN, các tập đoàn lớn. Thứ ba, Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm đầu ra của nghiên cứu KHCN. Số lượng công bố quốc tế năm 2019 của Hà Nội đạt xấp xỉ gần 5.000 trên tổng số hơn 12.000 công bố của cả nước.

Còn theo báo cáo của UBND TP Hà Nội thì: TP có 105 tổ chức KHCN công lập do các trường đại học, viện nghiên cứu công lập thành lập (hơn 70% tổ chức đã được cấp đăng ký hoạt động KHCN “tư vấn chuyển giao công nghệ”) nên Hà Nội có được những kết quả mà khó địa phương nào sánh được, 100% dự án sản xuất thử nghiệm và trên 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn (trong tổng số gần 300 nhiệm vụ KHCN và 50 dự án sản xuất thử nghiệm).

TP đã tiếp nhận và tổ chức triển khai nhiều đề tài, dự án thử nghiệm nhằm năng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. TP đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN, DN khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao, hỗ trợ các DN phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập các DN khoa học - công nghệ. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Đặt mục tiêu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, Hà Nội đề xuất được thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo. Đáng chú ý, Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm DN công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. TP cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ...

Cần tính kết nối mạnh mẽ hơn

Để đưa Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và khu vực, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Thành ủy Hà Nội đã xác định “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021- 2025” là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, diện mạo KHCN và đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội chắc chắn sẽ khác trước, khi DN trở thành “chủ đầu tư” lớn nhất với lĩnh vực đầu tư phát triển KHCN chứ không phải là Nhà nước như giai đoạn vừa qua thì toàn bộ chính sách sẽ phải xoay trục, để phục vụ cho DN đầu tư được cho KHCN và đổi mới sáng tạo.

TP sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của DN. Đề xuất Trung ương cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo. TP. Hà Nội cũng sẽ xây dựng các mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên mời các DN lớn, có uy tín quốc tế tham gia với vai trò dẫn dắt, định hướng; tích cực hỗ trợ các DN khởi nghiệp, DN sáng tạo có sản phẩm, công nghệ mới tham gia các trung tâm này.

Đặc biệt, TP tập trung phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội và quốc gia, mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao.

Hà Nội có nhiều trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo thành một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì thế, tính kết nối và tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có phải phải mạnh mẽ hơn nữa. Vì thế, ý kiến từ nhiều chuyên gia cho rằng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả tận dụng nguồn lực sẵn có của các chủ thể trong hệ sinh thái. Mỗi trường ĐH, mỗi tập đoàn, mỗi tổ chức hỗ trợ cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của riêng mình, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong điều hành, quản trị; kết nối các mạng lưới chuyên gia, cựu sinh viên, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với DN và khách hàng, đẩy mạnh nghiên cứu mang tính ứng dụng, xuất phát từ quan điểm và nhu cầu của khách hàng. Và trên hết, chúng ta cần liên kết các hệ sinh thái này lại với nhau để tạo ra nguồn lực dồi dào cho khởi nghiệp sáng tạo.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Phát huy hơn nữa sự tham gia của nguồn lực tri thức Kỳ 1: Phát huy hơn nữa sự tham gia của nguồn lực tri thức

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.