Hà Nội chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh:

Kỳ 3: Công tác phát triển hệ thống và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phù hợp với chủ trương

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị kết hợp với hạ ngầm các đường dây nổi trong những năm qua là phù hợp với chủ trương của TP Hà Nội và tuân theo các quy định hiện hành.
TP Hà Nội giao UBND quận, trong thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu triển khai thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng bộ các tuyến phố với định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị quận Hoàn Kiếm cổ kính, hiện đại văn minh tiến tới đô thị thông minh.
TP Hà Nội giao UBND quận, trong thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu triển khai thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng bộ các tuyến phố với định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị quận Hoàn Kiếm cổ kính, hiện đại văn minh tiến tới đô thị thông minh.

Vẫn còn một số hạn chế

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong những năm qua, công tác triển khai, cải tạo, chỉnh trang đô thị kết hợp với hạ ngầm các đường dây nổi triển khai tuy gặp nhiều khó khăn nhưng UBND các quận, các sở, các doanh nghiệp điện lực, viễn thông đã nghiêm túc thực hiện góp phần làm cảnh quan đô thị phong quang, khang trang, sạch đẹp, đảm bảo an toàn giao thông và được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tính đến thời điểm này, tại 4 quận nội thành cũ, các tuyến đường phố đã cơ bản hoàn thành hạ dây cáp cũ và cắt bỏ gần 6.000 cột cũ treo cáp, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, nâng cao độ ổn định cung cấp điện, giảm số vụ sự cố điện do các nguyên nhân khách quan gây ra.

Công tác chỉnh trang đô thị các tuyến phố sau hạ ngầm được UBND các quận tích cực triển khai, thiết kế mẫu hè phố theo Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21-3-2019 góp phần cải thiện bộ mặt đô thị; Chất lượng công trình công trình cơ bản đảm bảo, phát huy tốt hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, tại một số tuyến đã hoàn thành việc lát hè vẫn còn tình trạng một số đơn vị phải đào hè đường để thi công xử lý sự cố điện lực, viễn thông, cấp nước... và bổ sung phụ tải điện lực. Nhất là ngành điện lực còn chưa thực hiện đầu tư theo quy hoạch lưới điện trung thế, cao thế (trên 22kV) để bổ sung phụ tải cho các khu vực nên vẫn phải đào hè đường. Việc hoàn trả lại mặt bằng một số vị trí chưa đặt yêu cầu và chưa đồng nhất với ban đầu.

Ý thức giữ gìn hạ tầng đô thị và sử dụng hè của một số người dân còn chưa tốt, việc phát hiện, xử lý vi phạm và thông tin tới các cơ quan quản lý theo phân cấp của chính quyền địa phương còn chưa kịp thời, chưa có tính răn đe, dẫn đến việc khắc phục chưa kịp thời gây bức xúc trong dự luận nhân nhân.

Công tác cải tạo, chỉnh trang hè đường sau khi hạ ngầm của UBND các quận còn chậm do một số doanh nghiệp viễn thông triển khai chậm do phải bố trí nguồn vốn lớn; quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng của các doanh nghiệp hạ ngầm theo quy định mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ chung.

“UBND các quận lại mới tập trung đầu tư cải tạo, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị (chủ yếu là cải tạo hè, rãnh thoát nước), chưa chú trọng đầu cải tạo chỉnh trang mặt đứng các công trình”, ông Nguyễn Thế Công nhấn manh.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, UNBD TP Hà Nội đã giao UBND các quận đã khẩn trường lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu theo quy định; triển khai cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (bao gồm hè đường, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng) theo thiết kế mẫu hè đường đô thị đã được ban hành (Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21-3-2019); tuân thủ các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của UBND TP trong công tác quản lý chất lượng công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và hạ ngầm đồng bộ trên các tuyến phố.

Theo đó, cải tạo, nâng cấp vỉa hè có kết hợp chỉnh trang hệ thống cây xanh bằng nguồn ngân sách các quận, điển hình là lát đá vỉa hè khu vực nội thành cũ; trồng bổ sung cây mảng, khóm cây bụi tại các vị trí có vỉa hè rộng và trồng bổ sung cây xanh trong quá trình thực hiện.

Đối với các tuyến đường vành đai, đường trục chính có quy hoạch xây dựng hệ thống hào kỹ thuật, tuy nen kỹ thuật, UBND các quận phối hợp với các Sở liên quan báo cáo đề xuất UBND Thành phố đầu tư xây dựng hệ thống hào kỹ thuật, tuy nen kỹ thuật trước khi chỉnh trang đô thị, lát hè.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, TP đã giao Sở Xây dựng phối hợp UBND các quận kiểm tra, hướng dẫn thực hiện theo quy định và chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại (nếu có) trong quá trình thực hiện để đảm bảo an toàn và cảnh quan đô thị. Cải tạo, chỉnh trang hệ thống cây xanh và trồng bổ sung cây bằng nguồn vốn sự nghiệp TP giao và bằng nguồn ngân sách các quận.

Đầu tư cải tạo, hạ ngầm hệ thống chiếu sáng đô thị tại 111 tuyến phố đồng bộ với điện lực, viễn thông; để cắt bỏ cột điện cũ có treo dây, đèn chiếu sáng bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách TP (không thực hiện thay đèn hiện có bằng đèn tiết kiệm năng lượng (LED). UBND các quận thực hiện cải tạo, hạ ngầm hệ thống chiếu sáng đô thị tại 60 tuyến.

Ông Nguyễn Thế Công cũng cho biết thêm, thời điểm này, Sở Giao thông vận tải đã cải tạo, nâng cấp, mở rộng lòng đường bằng cách xén hè, tổ chức lại giao thông một số tuyến đường phố chính (đường Láng, trục Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng). Phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát các tuyến phố nằm trong danh mục hạ ngầm kết hợp với chỉnh trang đô thị, duy trì mặt đường, tổ chức giao thông đồng bộ đảm bảo an toàn giao thông và cảnh quan đô thị.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Xây dựng Hà Nội hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong tương lai
Kỳ 1: Cảnh quan đô thị được cải thiện nhiều, đường phố phong quang

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.