Hà Nội chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh:

Kỳ 2: Xây dựng Hà Nội hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong tương lai

Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, giai đoạn 2021 - 2025, quan điểm của TP Hà Nội là phát triển đô thị bền vững, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị trong đó có xây dựng các công trình ngầm đô thị sử dụng chung và nâng cao chất lượng dịch vụ công ích đô thị góp phần xây dựng cảnh quan TP ngày càng sáng, xanh, sạch, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.
Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục hạ ngầm và quản lý tốt các hệ thống cáp điện và viễn thông, các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung.
Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục hạ ngầm và quản lý tốt các hệ thống cáp điện và viễn thông, các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung.

Luật Thủ đô góp phần huy động các nguồn lực phát triển Thủ đô

Luật Thủ đô được thông qua ngày 21-11-2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, với các cơ chế đặc thù đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển Thủ đô.

Luật Thủ đô dành 1 Điều quy định về Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, Điều 17 Luật Thủ đô quy định: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của Thủ đô được xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại, bảo đảm định hướng lâu dài và kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước.

Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn, quan trọng trên địa bàn Thủ đô.

UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư theo phân cấp; tổ chức việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quản lý và xử lý chất thải rắn, hệ thống cung cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị, hệ thống thông tin liên lạc và kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn Thủ đô.

Thực tế đã chứng minh, kể từ khi có hiệu lực, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô.

Khi quy hoạch Thủ đô, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã xác định xây dựng Hà Nội hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong tương lai. Điều đó cho thấy, trong chiến lược phát triển Thủ đô, lĩnh vực phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng rất được quan tâm phát triển.

Nhờ đó, trong những năm qua, cảnh quan đô thị được cải thiện rất nhiều, đường phố phong quang, khang trang, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng), trong những năm qua, diện mạo Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. TP đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông. “Các công trình kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được triển khai theo hướng hiện đại, văn minh”, KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị Thủ đô

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND TP Hà Nội với các Tập đoàn, Tổng công ty (điện lực, viễn thông) ngày 04-6-2016 về việc hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 theo phương thức xã hội hóa: thi công hoàn thành nốt 61 tuyến theo danh mục đã phê duyệt giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND TP và các doanh nghiệp (Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Công ty CP hạ tầng Viễn thông CMC, Công ty CP đầu tư thương mại và xây dựng đô thị Hà Nội, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist, Công ty CP Viễn thông Hà Nội) ngày 27-6-2020 về đầu tư trong lĩnh vực viễn thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025: Hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông tại các tuyến phố giai đoạn 2020-2025 (khoảng 300 tuyến phố trên địa bàn 12 quận nội thành, một số tuyến phố trên địa bàn huyện Thanh Trì, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây).

Theo đó, năm 2021, TP sẽ thi công hoàn thành nốt 58 tuyến theo danh mục đã được UBND TP phê duyệt giai đoạn 2016-2020 và trình UBND TP duyệt danh mục 10 tuyến phố.

Năm 2022: Liên ngành Xây dựng - Thông tin và Truyền thông trình UBND TP duyệt danh mục các tuyến phố hạ ngầm năm 2022 (giai đoạn 2021 - 2025) tại 80 tuyến phố làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện.

Năm 2023: Liên ngành Xây dựng - Thông tin và Truyền thông trình UBND TP duyệt danh mục các tuyến phố hạ ngầm năm 2023 (giai đoạn 2021 - 2025) tại 106 tuyến phố làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện.

Năm 2024: Liên ngành Xây dựng - Thông tin và Truyền thông trình UBND TP duyệt danh mục các tuyến phố hạ ngầm năm 2024 (giai đoạn 2021 - 2025) tại 104 tuyến phố làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện.

Năm 2025: Phấn đấu hoàn thành hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông tại 300 tuyến đường, phố là cơ bản hoàn thành công tác hạ ngầm các đường dây, cáp viễn thông treo nổi trên địa bàn 12 quận nội thành.

Ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục hạ ngầm và quản lý tốt các hệ thống cáp điện và viễn thông, các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Triển khai kế hoạch hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông tại các tuyến phố giai đoạn 2020-2025 (khoảng 300 tuyến phố trên địa bàn 12 quận nội thành, một số tuyến huyện Thanh Trì, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây).
Kỳ 1: Cảnh quan đô thị được cải thiện nhiều, đường phố phong quang Kỳ 1: Cảnh quan đô thị được cải thiện nhiều, đường phố phong quang

Các tuyến đường phố Thủ đô sau khi hoàn thành hạ ngầm, cắt hạ dây cáp, cột cũ, cảnh quan đô thị được cải thiện ...

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.