Nông nghiệp của Thủ đô không được tách rời khoa học công nghệ

Kỳ 2: Để ngành nông nghiệp Thủ đô có bước phát triển đột phá và bền vững

Theo các chuyên gia, so với nhiều địa phương khác, Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức… Để ngành nông nghiệp Thủ đô có bước phát triển đột phá và bền vững, Hà Nội cần tập trung giải quyết các nhóm vấn đề lớn.
Ngành nông nghiệp Thủ đô phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt ít nhất 70%.
Ngành nông nghiệp Thủ đô phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt ít nhất 70%.

Đối mặt với nhiều thách thức

Hà Nội là loại đô thị đặc biệt, song ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Toàn TP có 30 quận, huyện, thị xã nhưng vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%.

Hà Nội cũng có số xã nhiều nhất cả nước với 383 xã, dân số khu vực nông thôn chiếm khoảng 50%. Do đó, trong trung hạn cũng như dài hạn, phát triển ngành nông nghiệp vẫn là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mặc dù thời gian qua ngành nông nghiệp Thủ đô đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, ngành nông nghiệp của Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức..

Theo đó, diện tích đất nông nghiệp ven đô bị thu hẹp dần, do công nghiệp hóa và đô thị hóa. Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, diện tích đất nông nghiệp giảm khoảng 16.549 ha (từ 168.791 ha xuống còn 152.242 ha), mức giảm trung bình 3.000-3.300 ha/năm. Do biến động về đất đai, dân số ở những vùng ven đô, khiến cấu trúc nông thôn truyền thống bị phá vỡ đột ngột, hạ tầng quá tải gây nên những ảnh hưởng xấu về môi trường sinh thái nghiêm trọng.

Ngoài ra, Hà Nội thiếu lao động nông nghiệp, đặc biệt thiếu hụt lao động trẻ được đào tạo, có trình độ quản lý và kỹ thuật cao, do sự dịch chuyển lao động ở nông thôn ra thành thị và sự thu hút lao động từ các khu công nghiệp. Hiện nay, có khoảng 50% dân số đang sinh sống ở khu vực nông thôn, trong đó lực lượng lao động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản chiếm khoảng 12% và đang có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Thủ đô phải cạnh tranh gay gắt với các địa phương trong vùng cả về chủng loại sản phẩm và giá cả. Trong khi giá thuê đất nông nghiệp tại Hà Nội đắt hơn nhiều lần so với các tỉnh trong vùng.

Một trong những thách thức nữa mà ngành nông nghiệp Thủ đô đang gặp phải là năng suất lao động trong nông nghiệp thấp; tính liên kết của chuỗi sản xuất cung ứng nông sản lỏng lẻo.

Về mặt vĩ mô, ngành nông nghiệp của Hà Nội cũng như cả nước đang phải đối mặt với hai khủng hoảng lớn và lâu dài, đó là khủng hoảng về dịch bệnh cả trên người, vật nuôi và khủng hoảng về thị trường nông sản.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, nhưng rõ ràng Hà Nội chưa thể vội hài lòng, bởi thực tế “tam nông” vẫn còn đó nhiều khó khăn.

Theo ông Chu Phú Mỹ, dù giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích đất đai của Hà Nội liên tục tăng qua các năm, nhưng hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn thấp. Nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng còn khiêm tốn. Năng suất lao động nông thôn chưa cao. Bên cạnh đó, chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị vẫn đang là một thách thức rất lớn. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi.

Hà Nội cần tập trung giải quyết các nhóm vấn đề lớn

Các chuyên gia cho rằng, để ngành nông nghiệp Thủ đô có bước phát triển đột phá và bền vững, Hà Nội cần tập trung giải quyết các nhóm vấn đề lớn.

Theo đó, Hà Nội cần xác định lại loại hình phát triển và chính sách phù hợp để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp của Thủ đô bền vững, hiệu quả trong thời kỳ mới.

Phải có các chính sách và giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Mục tiêu của TP đặt ra từ nay đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC đạt từ 70% trở lên. Đây là mục tiêu rất cao, bởi hiện nay chỉ số này của Hà Nội chỉ mới đạt khoảng 32%. TP cần rà soát, điều chỉnh và ban hành mới một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của Thủ đô, đặc biệt chính sách phát triển nông nghiệp CNC trong thời kỳ mới.

Trong giai đoạn tới, Hà Nội cần tập trung ưu tiên vốn cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật; các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, phòng, chống dịch bệnh, chế biến nông sản, thực phẩm với công nghệ tiên tiến, hiện đại; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là xây dựng chuỗi liên kết cung ứng nông sản cho Hà Nội. Bởi, với dân số hơn 10 triệu dân, Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm lớn. Trong khi khả năng sản xuất tại chỗ của Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 60% đến 70% tùy từng mặt hàng, thậm chí một số mặt hàng chỉ đáp ứng được từ 19% đến 20%. Vì vậy, việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm chất lượng cao cho Hà Nội là yêu cầu cấp thiết không những trước mắt mà còn lâu dài.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ chia sẻ, trong giai đoạn 2021 – 2025 ngành nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tăng trưởng từ 2,5 - 3% trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2025, 100% số huyện của Hà Nội về đích nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp TP. Hà Nội cũng phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo vào năm 2025.

Ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu trên, giải pháp quan trọng đặt ra là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, chuyên canh tập trung, giá trị cao và bền vững.

“Chúng tôi kỳ vọng HĐND TP Hà Nội sẽ có thêm nhiều quyết sách khuyến khích việc khai thác và sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, không để tư liệu sản xuất này bị bỏ hoang. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đầu tư nghiên cứu và nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp”, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ mong muốn.
Kỳ 1: Bước chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp Thủ đô Kỳ 1: Bước chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp Thủ đô

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.