Du lịch Việt Nam cần làm gì cho thời điểm mở lại du lịch?

Bài 2: Doanh nghiệp cần và phải làm gì?

Nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã thực hiện các khảo sát, phân tích dựa trên các ứng dụng chứng nhận an toàn dịch bệnh của các quốc gia và tổ chức trên thế giới, nhằm giới thiệu và đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm hộ chiếu vắc-xin (thẻ thông hành xanh) ở Việt Nam.

Cần triển khai sớm Thẻ thông hành xanh

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký TAB, hộ chiếu vắc-xin là ứng dụng trên điện thoại thông minh, cho phép truy cập và trích xuất nhanh thông tin của người dùng theo thời gian thực. Đồng thời, áp dụng các giải pháp công nghệ sẽ đảm bảo thông tin là chính xác và duy nhất, khó có thể làm giả mạo, góp phần hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ xác nhận y tế phòng dịch Covid-19, giúp phục hồi các hoạt động giao thông vận tải, thương mại, du lịch, sản xuất... trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có thể còn diễn biến lâu dài.

Bài 2: Doanh nghiệp cần và phải làm gì?
Đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng cho rằng, cần triển khai “Thẻ thông hành xanh” ngay, để những người dân đã được tiêm đủ 2 mũi có thể dễ dàng di chuyển giữa các tỉnh mà không phải cách ly, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu đi lại

Ông Hoàng Nhân Chính phân tích thêm, khi chiến dịch tiêm chủng đang được triển khai trên diện rộng, ngành du lịch nên kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai thí điểm sớm, đồng bộ Thẻ thông hành xanh trên cả nước cho một bộ, ngành làm đầu mối và chịu trách nhiệm. Thực tế đang có ứng dụng sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, xác định người dân tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Đây chính là cơ sở giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát khách nội địa khi họ di chuyển.

Đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng cho rằng, cần triển khai “Thẻ thông hành xanh” ngay, để những người dân đã được tiêm đủ 2 mũi có thể dễ dàng di chuyển giữa các tỉnh mà không phải cách ly, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu đi lại.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hợp tình hình thực tế, bởi sau dịch, du khách cần những trải nghiệm phù hợp thiên về nghỉ dưỡng, tận hưởng… nên cần thống kê, dự báo, định hướng để doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch thích hợp. Để một tour khởi hành, doanh nghiệp phải xây dựng sản phẩm, quảng bá, liên kết với các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ khác, rồi điểm đến, xong mới bán tour cho khách. Nhưng nếu trong hành trình tour xuất hiện F0 thì sẽ xử lý ra sao, không thể lại đóng băng như trước đây. Vì vậy, điều doanh nghiệp cần nhất là một lộ trình, kế hoạch rõ ràng để khởi động lại ngành du lịch từ phía cơ quan quản lý, chính quyền địa phương giúp cả doanh nghiệp và du khách không bị động; có giải pháp ứng phó rõ ràng trong từng tình huống.

Cùng với đó, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Y tế cần quy định rõ các đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cần chứng nhận tiêm đủ 2 mũi có giá trị bao lâu. Quy trình tiếp xúc, kiểm tra, giám sát, tiếp nhận khách tại sân bay, bến cảng, các trạm kiểm soát để lưu thông thuận tiện người, hàng hóa bảo đảm an toàn theo 5K. Giải pháp này cần được ban hành quy định song song việc cập nhật, thống nhất cơ sở dữ liệu tiêm chủng, an toàn Covid-19 quốc gia với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Ông Hoàng Quốc Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, việc thí điểm đón khách quốc tế được đặt ra yêu cầu cao nhất là đảm bảo an toàn, ứng dụng tích hợp hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng những quy định về an ninh, an toàn và bảo mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đến và đi của khách quốc tế.

Một điểm quan trọng nữa là hệ thống được xây dựng trên cơ sở phối hợp liên ngành giữa du lịch, y tế, thông tin truyền thông, ngoại giao, xuất nhập cảnh… đảm bảo dữ liệu được xác thực, liên thông và đồng nhất. Qua đó, sẽ góp phần sàng lọc, bảo đảm an toàn dịch tễ khi đón khách vào Việt Nam.

Hệ thống cung cấp quy trình thủ tục kiểm soát, xác thực, cập nhật hồ sơ y tế của khách quốc tế từ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, lúc nhập cảnh vào Việt Nam, trong quá trình khách đi lại, du lịch ở Việt Nam và cho đến khi khách xuất cảnh rời Việt Nam.

Hệ thống cấp cho du khách một mã QR định danh duy nhất sử dụng trong quá trình du lịch ở Việt Nam, từ đó có thể truy xuất và lưu trữ, cập nhật thông tin y tế của khách (tiêm chủng, xét nghiệm...).

Khi hoạt động du lịch quốc tế được mở trở lại, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được coi là công cụ quan trọng hàng đầu góp phần bảo đảm phòng chống dịch bệnh, du lịch an toàn.

Trong quá trình xây dựng và phát triển ứng dụng này, Tổng cục Du lịch luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an để bảo đảm liên thông các dữ liệu, quy trình cần thiết.

Hiện nay, Tổng cục Du lịch đã sẵn sàng các phương án đào tạo, hỗ trợ và hướng dẫn khách du lịch, các đối tượng liên quan như Cty lữ hành, cơ sở lưu trú... thông qua nhiều kênh như website, email, hotline 19006888, điện thoại di động và các nền tảng zalo, viber, whatsApp phù hợp theo thói quen, văn hóa sử dụng của các thị trường khách quốc tế.

Đến nay, hệ thống đã ghi nhận gần 14.000 cơ sở đăng ký và khai báo an toàn Covid-19. Công tác này được triển khai tại 63 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có những địa phương tích cực trong việc đánh giá an toàn Covid-19 có thể kể đến như Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội…

Trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin du lịch sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản hồi của người dùng, thường xuyên rà soát, nâng cấp ứng dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch, hỗ trợ hiệu quả nhất cho tất cả các đối tượng khách du lịch quốc tế, nội địa và ra nước ngoài.

Những tỉnh nào đã sẵn sàng?

Được biết, đến thời điểm này, tỉnh Khánh Hòa cơ bản đã xây dựng xong phương án thí điểm đón khách theo từng giai đoạn trình UBND tỉnh xem xét, trong đó giai đoạn đầu là đón khách du lịch nội địa từ các vùng không có dịch đến Khánh Hòa với điều kiện là đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin với giấy chứng nhận âm tính đi kèm trong vòng 72 giờ. Bước tiếp theo, đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” bằng các chuyến bay charter đến Khánh Hòa khi có sự chấp thuận của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Quan điểm của Khánh Hòa là chỉ thí điểm trong phạm vi nhỏ, ít ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương và đời sống người dân. Tỉnh sẽ ưu tiên nhóm khách nghỉ dưỡng biển, sử dụng dịch vụ du lịch khép kín tại các khu du lịch, chơi golf, ít di chuyển... như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort ở phía bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài). Đây là cụm du lịch, nghỉ dưỡng nằm cách xa khu dân cư, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, dễ dàng kiểm soát, bảo đảm an toàn cho du khách.

Bài 2: Doanh nghiệp cần và phải làm gì?
Đến thời điểm này, tỉnh Khánh Hòa cơ bản đã xây dựng xong phương án thí điểm đón khách theo từng giai đoạn trình UBND tỉnh xem xét, trong đó giai đoạn đầu là đón khách du lịch nội địa từ các vùng không có dịch đến Khánh Hòa với điều kiện là đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin

Tỉnh Quảng Ninh thí điểm mở lại hoạt động các điểm du lịch, dịch vụ, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời duy trì nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách và người dân địa phương. Tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp du lịch và các điểm, khu du lịch phải xây dựng quy trình đưa, đón khách tham quan đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế và các quy trình, biện pháp phòng dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.

Tại 4 huyện “vùng xanh” của Bà Rịa - Vũng Tàu là Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo, tỉnh cho phép thí điểm đón khách du lịch nội địa với dịch vụ “khép kín” gồm khu phức hợp Hồ Tràm Strips, khách sạn Melia Hồ Tràm, khu du lịch suối nước nóng Bình Châu và khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo.

Cần Giờ là một trong 3 địa phương tại TP HCM đã công bố kiểm soát dịch và được Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố cho thí điểm mở cửa một số loại hình sản xuất, dịch vụ. Ngày 19-9, TP HCM đã tổ chức tour đầu tiên sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Theo Tổng Cty du lịch Sài Gòn (đơn vị tổ chức), tour diễn ra trong ngày, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.

Tất cả du khách, hướng dẫn viên, tài xế, nhân sự tổ chức, phục vụ hậu cần tại các điểm đến phải tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19, xét nghiệm nhanh âm tính, tuân thủ 5K. Tour tổ chức theo mô hình "bong bóng", thông qua các cung đường khép kín. Khách chủ yếu tham quan các điểm du lịch ngoài trời, không gian rừng ngập mặn, sông nước tại Cần Giờ, tuyến điểm xanh đã được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam.

Khách cũng được tham quan các tuyến điểm du lịch nổi bật tại Cần Giờ như: khu Lâm viên đảo khỉ, đi thuyền vào trong rừng tham quan Khu căn cứ cách mạng Rừng Sác; tìm hiểu đời sống sinh thực vật rừng ngập mặn tại khu du lịch Dần Xây; tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái còn hoang sơ tại Đầm Dơi, ngắm toàn cảnh rừng ngập mặn trên độ cao 26 m tại khu du lịch Vàm Sát.

Ông Nguyễn Khắc Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết ông rất quan tâm về con số khảo sát 78% người dân có nhu cầu đi du lịch. Bởi điều này cho thấy nhu cầu đi du lịch rất lớn và đây là dư địa rất tốt để ngành du lịch phục hồi. Tuy nhiên, dù khách du lịch rất muốn đi nhưng thực tế lại phải phụ thuộc tài chính và các điều kiện an toàn.

Ông Nguyễn Khắc Huy cho rằng, dù nhu cầu lớn song du lịch trong nước sẽ khó có đợt ồ ạt như tháng 6-7 năm ngoái. Việc thí điểm thẻ xanh Covid-19 là tín hiệu rất mừng. Phú Quốc hiện là vùng xanh, điều kiện thuận lợi để thí điểm sớm hồi phục. Về cơ sở hạ tầng, dịch vụ vui chơi, danh lam thắng cảnh đều đã được hoàn thiện, đặc biệt cả quy trình xuất nhập cảnh, đảm bảo y tế. Nếu được thí điểm trong năm nay thì điều kiện tiên quyết phải tiêm vắc- xin cho dân, hiện Phú Quốc mới tiêm được hơn 30%. Để kế hoạch có kết quả thì phải xây dựng quảng bá sự an toàn để loại bỏ sự lo lắng của du khách. Việt Nam đang xếp vị trí thấp về tỷ lệ tiêm chủng, nhân sự trực tiếp phục vụ khách hàng trong ngành du lịch cũng phải được tiêm và đào tạo kỹ năng phòng chống dịch.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Chống dịch nhưng không quên những bước chuẩn bị cho sự trở lại Kỳ 1: Chống dịch nhưng không quên những bước chuẩn bị cho sự trở lại

Du lịch vốn là ngành công nghiệp không khói mang lại doanh thu không hề nhỏ cho mỗi quốc gia, Việt Nam cũng không nằm ...

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.