Giá trị nhân văn từ cuộc thi “Cảm nhận về sách” trong trại giam:

Kỳ 12: Cần phải rèn luyện làm lại cuộc đời khi vấp ngã...

Đó là tâm sự của phạm nhân Nguyễn Tiến Tuấn, SN 1989, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Tuấn đã phải nhận mức án 10 năm tù về tội Hủy hoại tài sản. Trong những ngày tháng cải tạo, tuổi trẻ trong bốn bức tường giam, Tuấn như chết lặng. Nhưng khi đọc sách, cảm nhận về sách đã khiến cho nam thanh niên này nghĩ khác...

Ngỡ ngàng khi bản án quá nặng

Tâm sự với chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Tiến Tuấn, SN 1989, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội bảo tại ngày xưa lười, mải chơi và ngại học văn nên nếu có bị bắt buộc phải làm văn thì cũng làm theo kiểu đối phó, chiếu lệ cho xong. Từ ngày vào trại giam, Tuấn lại mê đọc truyện và nhất là những bài luận của những dịch giả, nhà báo, nhà phê bình văn học thì anh ta không hề bỏ qua. Tuấn hiện đang cải tạo bản án 10 năm tù giam ở trại giam Tân Lập về tội hủy hoại tài sản. “Bị bắt rồi tôi mới biết hành vi mà mình gây ra là nghiêm trọng là hủy hoại tài sản an ninh quốc gia và mức bồi thường thì rất lớn. Trước đấy, tôi nghĩ đơn giản lắm, còn tưởng mấy đoạn dây điện trên cao ấy chỉ là mấy ký đồng, mất trộm thì người ta nối lại. Đến khi nghe mấy anh CA phân tích, tôi mới biết là nghiêm trọng”, Tuấn nói.

Đọc truyện, đọc sách, Tuấn đặc biệt thích thú khi đọc những bài viết của các nhà phê bình và chính những kiến thức thu lượm được qua việc đọc sách ấy đã khiến anh ta có những cảm nhận rất sâu sắc
Đọc truyện, đọc sách, Tuấn đặc biệt thích thú khi đọc những bài viết của các nhà phê bình và chính những kiến thức thu lượm được qua việc đọc sách ấy đã khiến anh ta có những cảm nhận rất sâu sắc

Cũng theo lời Tuấn thì nam thanh niên được sinh ra trong một gia đình có hai anh em ở Phúc Thọ, Hà Nội. Bố mẹ chạy chợ buôn bán, hàng ngày chở rau củ vào nội thành bán hàng, trưa muộn mới trở về nên không có nhiều thời gian quản lý con cái. Việc học hành của anh em Tuấn chủ yếu trông chờ vào sự tự giác của bản thân chứ bố mẹ Tuấn không thể chỉ bảo, kèm cặp con cái được. Đáng ra phải biết thương bố mẹ sớm hôm vất vả mà chăm chỉ học hành báo đáp thì Tuấn lại thích đàn đúm với đám bạn xấu mà kết quả là đang học lớp 11, Tuấn không thể học theo kịp chương trình, đành bỏ cuộc. Thế rồi, cũng chính sự lười biếng trong học tập đã khiến cuộc đời Tuấn rẽ sang một hướng khác. Giao du với đám bạn xấu đúng vào giai đoạn tập làm người lớn, Tuấn thích la cà hàng quán nhậu nhẹt và đương nhiên là để có tiền ném vào những trò vô bổ này, tuấn đã đi ăn trộm.

Theo tài liệu điều tra, trong các đêm từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9 - 2012, Tuấn cùng 4 người bạn thực hiện 5 vụ cắt trộm dây cáp điện ở tuyến đường cao tốc Láng- Hòa Lạc thuộc địa phận các xã Yên Sơn, Ngọc Mỹ, Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội. Tổng giá trị thiệt hại của cả 5 vụ trộm trên là gần 800 triệu đồng. Do tham gia cả 5 vụ trộm cắp trên nên ngoài bị phạt 10 năm tù giam, Nguyễn Tiến Tuấn còn nhận hình phạt bổ sung là phải bồi thường hơn 200 triệu đồng.

Đọc sách, để làm lại cuộc đời khi vấp ngã

Tham gia cuộc thi cảm nhận sách, Tuấn chọn đề tài viết về những cảm nhận của mình về bài thơ “Tân xuất ngục hạc đăng sơn” (Mới ra tù tập leo núi) của Hồ Chí Minh. Tuấn bảo không phải lần đầu đọc bài thơ này mà ngày còn đi học đã từng phải viết bài văn về bài thơ đó. Thế nhưng chỉ đến bây giờ, Tuấn mới cảm nhận được hết những ý tứ sâu xa của bài thơ. “Không phải vì hoàn cảnh mà tôi cảm nhận được bài thơ của Bác mà bởi những ngày sống trong trại cải tạo đã cho tôi thấy thấm thía những mất mát do chính mình gây ra. Tôi đã phí hoài tuổi trẻ của mình vào những việc làm vô bổ. Chính vì thế mà tôi hay lên thư viện đọc sách như một cách vớt vát những gì mình đánh mất”, Tuấn kể.

Đọc truyện, đọc sách, Tuấn đặc biệt thích thú khi đọc những bài viết của các nhà phê bình và chính những kiến thức thu lượm được qua việc đọc sách ấy đã khiến anh ta có những cảm nhận rất sâu sắc khi đọc bài thơ của Bác. Bài dự thi của Tuấn có đoạn viết: “Tôi đã rất băn khoăn, đắn đo khi bắt đầu đặt bút viết những nét đầu tiên nói lên cảm xúc của mình về một bài thơ… Mỗi chúng ta ai cũng có suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình dù ở bất kỳ việc gì. Trong bài thơ này, cảm nhận sâu sắc nhất đến với tôi là tâm hồn của Bác dù trong khổ ải, gian lao nhưng luôn hướng về cố hương, đất nước, thương dân lầm than, dù cho bản thân Bác có chịu cực hình, đòn roi, gông cùm….Từ bài thơ mà tôi tự nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót, cần phải rèn luyện làm lại cuộc đời khi vấp ngã, nhất quyết không để lòng tin hướng thiện bị lung lay, sa ngã”.

Tuấn bảo ngày còn đi học, anh ta chưa bao giờ viết một bài văn dài tới 4 trang giấy. Vậy mà khi tham gia cuộc thi cảm nhận sách, Tuấn đã viết được một bài văn dài như thế. “Em biết trong cuộc thi này có nhiều người còn viết dài, viết hay hơn em nhưng với em đó là một cái mốc để em phấn đấu và tự hứa với bản thân mình”, Tuấn bộc bạch.

Phạm nhân Nguyễn Tiến Tuấn bảo rằng: “Tôi may mắn được tiếp cận và học hỏi thật nhiều về niềm tin và hy vọng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng được rõ thêm người là nhà văn, nhà thơ tài ba, kiệt xuất nhất trong lòng chúng ta...”.

“Tôi viết bài dự thi này để nói lên điều hay mà tôi thấy trong bài thơ và được nói lên chính kiến của bản thân mình. Để tìm hòi học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì có vô vàn điều tôi cần mà muốn. Tôi thấy rằng bản thân còn quá nhiều thiếu sót trong nhiều lĩnh vực vì thế cần nêu cao tinh thần học tập, rèn luyện, trao dồi đạo đức, làm lại cuộc đời khi vấp ngã, nhất quyết không để lòng tin hướng thiện bị lung lay, sa ngã. Mỗi ngày cần nhìn lại những điều bản thân đã làm và những điều chưa thể làm được, suy nghĩ về đúng sai, phải trái và điều quan trọng nữa đó là để tâm hồn rộng mở hơn đón nhận những niềm vui ngày mới...”, phạm nhân Nguyễn Tiến Tuấn viết.

(Còn nữa)

Kỳ 11: Hãy lao động, học tập, đọc sách để mong trở thành người có ích... Kỳ 11: Hãy lao động, học tập, đọc sách để mong trở thành người có ích...

Với “thành tích” 4 tiền án về các tội lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, trốn khỏi trại giam và Mua bán trái phép chất ...

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.