Vụ án tranh chấp đất lạ lùng tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc

Kỳ cuối: Đất không tranh chấp bị biến thành đất tranh chấp

Đất được người dân sử dụng ổn định từ hàng chục năm nhưng lại được TAND huyện Bình Xuyên và TAND tỉnh Vĩnh Phúc lái sang hướng có tranh chấp. Thậm chí, còn sử dụng nhân chứng từng bị UBND huyện Bình Xuyên kỷ luật liên quan đến việc bán đất trái thẩm quyền tại khu vực kho lương thực cũ.

Mơ hồ vị trí đất

Như chúng tôi phản ánh ở số báo trước, bản thân ông Phan Xuân Sinh, thôn Lý Nhân, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc làm đơn khởi kiện hàng xóm là vợ chồng ông Trần Văn Dũng ở trên đất của mình vào năm 2019. Trên thực tế, mảnh đất ông Dũng đang quản lý từ hàng chục năm nay, được truyền lại từ bố đẻ của mình. Giai đoạn ông Dũng tiến hành xây các công trình phụ như giếng nước, nhà tắm, thậm chí trước đó bố đẻ ông Dũng là cụ Mai xây tường phân định ranh giới, hoàn toàn không nhận được bất cứ phản đối nào từ gia đình ông Sinh.

Khó hiểu ở chỗ, là người đòi đất nhưng ông Sinh không nhớ được chính xác vị trí đất của mình. Ông Sinh cho rằng mình mua của UBND xã Phú Xuân 159m2 đất nhưng lại thoáng đến mức chỉ đòi của hàng xóm 90m2 đất, rồi chấp thuận lấy 82m2 đất như TAND huyện Bình Xuyên xác định, sau đó là 76,8m2 đất như TAND tỉnh Vĩnh Phúc cho người đo đạc.

Thời điểm gia đình ông Dũng xây công trình phụ, tường bao, phía gia đình ông Sinh không hề phản đối. Ảnh: G.B.
Thời điểm gia đình ông Dũng xây công trình phụ, tường bao, phía gia đình ông Sinh không hề phản đối. Ảnh: G.B.

Vậy cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã xác minh bằng cách nào để ra được diện tích lúc thì 82m2 đất, lúc thì 76,8m2 đất để buộc ông vợ chồng ông Dũng phải trả đất cho vợ chồng ông Sinh?

Các quyết định dựa vào 3 tài liệu chính gồm: “Phiếu thu số 03, ngày 4-8-1994 và Biên lai thu tiền mặt số 13, ngày 24-8-1994. Tiếp theo là Biên bản xác định diện tích đất thổ cư nhân dân, ngày 3-8-1994. Thành phần trong biên bản này gồm: Bà Nguyễn Thị Lê, Phó chủ tịch UBND xã Phú Xuân; ông Phan Văn Quế, địa chính; ông Phạm Văn Đông, Trưởng khu 2 và chủ hộ là Phan Văn Sinh.

Điều khó hiểu, biên bản được lập ra nhưng các thành viên trên không ký tên. Cuối biên bản, chỉ có một phó chủ tịch khác ký và đóng dấu nhưng người này không có mặt tại hiện trường. Đại diện chủ nhà ghi tên ông Phan Văn Sinh nhưng thực tế ông Sinh không có mặt vì đi làm ăn xa nên vợ ông là bà Tâm đứng ra ký thay.

Cả ba tài liệu này cho thấy không xác định được số ô, thửa cụ thể về vị trí đất cũng như thông tin cụ thể về việc mua, bán đất. Chẳng có dòng nào nói rằng đất ông Sinh mua đang nằm ở vườn nhà ông Dũng.

Nhẽ ra, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm phải nêu rõ nội dung của từng phiếu thu, biên lai thu tiền cũng như biên bản xác định diện tích đất thổ cư để xem việc mua, bán đất có khách quan, có đúng chủ trương và được pháp luật cho phép hay không. Thực tế, hai cấp tòa không làm rõ điều này.

Ngay con số 76,8m2 đất không phải do TAND tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện ra, nó xuất phát từ việc ông Dũng yêu cầu đo đạc lại, từ đó cho thấy sự thật, TAND huyện Bình Xuyên đo lấn cả vào đất của bố ông Dũng 5,2 m2 đất. Nếu ông Dũng không yêu cầu, có lẽ Tòa án cấp phúc thẩm cũng đồng tình với TAND huyện Bình Xuyên, thống nhất ông Dũng phải có trách nhiệm trả ông Sinh 82m2 đất.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Đạt, cán bộ địa chính xã Phú Xuân khẳng định, nếu chỉ nhìn vào các tài liệu trên không thể xác định được đâu là vị trí đất được ông Phan Văn Sinh mua của UBND xã.

Con số 82m2 hay 76,8m2 cũng chỉ là con số mới tinh ở thời điểm hiện tại được hai cấp tòa cho người về đo đạc rồi áp dụng vào việc mua, bán hết sức mơ hồ về vị trí trong quá khứ. Ngay diện tích đất vợ chồng ông Sinh sử dụng cũng không thống nhất, trước năm 2009 là 500m2 đất nhưng trong bản đồ hiện tại thể hiện, thửa đất này là thửa 60, rộng 546,3m2 đất.

Qua đó hé lộ sự thật, ngày 12-9-2018, ông Nguyễn Văn Mậu, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Xuân đã cung cấp cho ông Sinh; “Trích lục bản đồ” của thửa đất số 60 nhưng số diện tích được tăng vống lên thành 659m2 đất, đúng với số diện tích ông Sinh ít lâu sau làm đơn khởi kiện đòi đất ông Dũng.

Nhân chứng có khách quan?

Cho rằng đất nhà ông Sinh và ông Dũng có tranh chấp từ lâu, cả hai cấp tòa đều sử dụng nhân chứng là bà Nguyễn Thị Lê, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Phú Xuân. Tuy nhiên, chỉ là lời nói của bà Lê ở thời điểm hiện tại, không có đơn công dân hay các biên bản, văn bản giải quyết của xã.

Được biết, tháng 7-2007, ông Dũng có đơn gửi tới UBND xã Phú Xuân đề nghị xác định mốc giới giữa gia đình ông và gia đình ông Sinh. Sau đó, hai gia đình thống nhất mốc giới. Điều đáng nói, mốc giới này không thể hiện phần đất vườn thuộc kho lương thực được hai gia đình đang sử dụng. Ông Sinh cũng không có ý kiến gì về phần đất này.

Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều lấy ông Nguyễn Văn Quang, cán bộ địa chính thời điểm năm 1994 để chứng minh rằng việc mua, bán đất là có thật. Tuy nhiên, lời khai của ông Quang không khách quan khi cho rằng ông Sinh mua 159m2 đất ở vị trí phía sau nhà mình và nhà ông Dũng. Ông Quang không nói sự thật rằng việc mua, bán đó có dấu hiệu sai trái.

Năm 2004, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên đã ra Quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Nguyễn Văn Quang, cán bộ địa chính xã Phú Xuân, không cho làm công tác địa chính xã. Ông Quang thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Giai đoạn 1994-1999 và 1999- 2004, ông Quang buông lỏng công tác quản lý đất đai, tự ý lập danh sách, làm thủ tục tham mưu Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội đồng đăng ký đất đai xã để đề nghị UBND huyện cấp Giấy CNQSDĐ cho các hộ dân tại thôn Lý Nhân, trong đó có 3 hộ dân khu kho lương thực. UBND huyện cho rằng các tham mưu trên không đúng sự thật, trái quy định của Nhà nước.

Việc thu tiền giao đất ở của UBND xã với 3 hộ dân khu kho lương thực là trái thẩm quyền. Sau khi mua đất, các hộ dân đã xây nhà ở. Mặc dù yêu cầu thu hồi Giấy CNQSDĐ của các hộ nói trên nhưng UBND huyện cũng chỉ đạo UBND xã họp công khai xét duyệt, nếu phù hợp quy hoạch đất ở, không tranh chấp thì hoàn thiện thủ tục để UBND huyện xem xét cấp Giấy CNQSDĐ.

Từ kết luận của UBND huyện cho thấy, việc UBND xã thời điểm từ 1994-2004 tiến hành bán đất cho dân khu vực kho lương thực là trái thẩm quyền. Tuy nhiên, chi tiết này đã không được Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xem xét tới.

Kỳ 1: Lấy nhầm vào đất vẫn được coi là có căn cứ

Gia Bảo

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.