Với những người lao động nghèo ở xa, được trở về quê hương đón Tết trở thành một ước mơ khi những chiếc vé tàu xe luôn là một món đồ xa xỉ. Đồng cảm và chia sẻ cùng với những người lao động khó khăn, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam dành tặng những chiếc vé đưa họ trở về quê đón Tết bên gia đình. |
Những cái Tết xa quê lặng lẽ |
10 năm làm việc xa nhà thì 5 cái Tết ở lại thành phố, dù đã quen với những ngày Tết không được quây quần đông đủ cùng gia đình, ông Hoàng (SN 1974, quê Thanh Hóa, sinh sống tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vẫn không khỏi chạnh lòng mỗi khi Tết đến. “Buồn lắm, tủi lắm. Cứ đến Tết, cả thành phố lại vắng hoe không bóng người. Ở khu trọ, cũng có nhiều người không về quê đón Tết mà đăng ký ở lại làm xuyên Tết. Thế nhưng, cũng chỉ nhà nào đóng cửa biết nhà nấy thôi. Tết mà, có ai không muốn được trở về với gia đình đâu” - ông Hoàng chia sẻ. |
Nhớ lại những ngày còn được đón Tết ở quê, chị Quách Thị Minh (Hòa Bình) lại ngậm ngùi: “Năm nào không về quê là lại nghĩ nhớ rồi thương mẹ. Mẹ tôi cũng cao tuổi rồi, không biết còn ở lại với mình được bao lâu. Nhưng mà tôi vào đây làm công nhân, lương 3 cọc 3 đồng, những năm qua lại ảnh hưởng không nhỏ vì dịch bệnh. Nghĩ lại thì 7 năm rồi không thể trở về nhà vì không có tiền. Cả nhà buồn lắm nhưng vẫn tôn trọng quyết định của mình. Mình cũng nghĩ là làm việc cả ngày thì không có mấy thời gian rảnh để suy nghĩ. Cho nên là cứ tự động viên bản thân và bố mẹ yên tâm, sau Tết con sẽ sắp xếp về” - chị Minh nói. |
Chuyến bay đoàn viên đưa người lao động nghèo về bên gia đình
Với nhiều người lao động thu nhập thấp, mua một tấm vé máy bay về quê đoàn viên gia đình trong dịp Tết không phải là chuyện dễ dàng. Đặc biệt, trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, nhiều lao động thất nghiệp, giảm nguồn thu nhập, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, cơ cực nay lại chật vật hơn. Họ đã phải trải qua nhiều mùa Tết xa quê hương, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, giờ đây ước mơ lớn nhất của họ là được đoàn viên bên gia đình trong dịp Tết đến Xuân về. Thấu hiểu ước mơ bình dị, giản đơn nhưng lại rất đỗi khó thực hiện ấy của những gia đình lao động có hoàn cảnh khó khăn, Vietnam Airlines quyết định thực hiện Dự án “Hành trình đoàn viên” để giúp họ được “trở về nhà” sau nhiều năm xa cách, được hưởng một cái Tết trọn vẹn, ấm áp bên gia đình. Ông Đặng Anh Tuấn (Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines) cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận được hàng trăm đơn đăng ký của người lao động. Trong đó, có rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có người thân bị mắc bệnh hiểm nghèo, có người lao động đã 7 năm chưa một lần được về quê, thậm chí chưa từng đi máy bay bao giờ. Chúng tôi thực sự rất xúc động khi đọc những lời chia sẻ chân thực, thấm đẫm niềm hi vọng gửi gắm vào chuyến bay “Hành trình đoàn viên”. Và cũng chính điều này là sự động viên, khích lệ rất lớn cho chúng tôi tiếp tục làm nhiều chương trình ý nghĩa hơn nữa”. |
Tối 9/1/2023, “Chuyến bay mơ ước - Hành trình đoàn viên” chở người lao động có hoàn cảnh khó khăn từ TP Hồ Chí Minh về quê ăn Tết đã hạ cánh tại Hà Nội. Toàn bộ người lao động trên chuyến bay này đều được hỗ trợ 100% chi phí vé máy bay. Theo đó, chuyến bay mang số hiệu VN 254, chở hơn 100 người lao động, khởi hành từ TP Hồ Chí Minh lúc 17h ngày 9/1 và hạ cánh tại Hà Nội tối cùng ngày. Người lao động trên chuyến bay được Liên đoàn lao động một số tỉnh thành phía Nam lựa chọn trên cơ sở ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn, có người nhà cần chăm sóc đặc biệt, nhưng đã nhiều mùa Tết chưa về quê. Chuyến bay được tổ chức theo một cách rất đặc biệt với sự nỗ lực của Vietnam Airlines và sự chung tay, ủng hộ của các hội viên LotuSmiles và các đối tác. Trước đó, ngày 1/12/2022 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình Tri ân các hội viên triệu dặm, lần đầu tiên, Vietnam Airlines tổ chức phiên đấu giá từ thiện nhằm thực hiện Dự án “Chuyến bay mơ ước - Hành trình đoàn viên” này. Vật phẩm đấu giá là các sản phẩm dịch vụ tiêu biểu của Vietnam Airlines và các đối tác. Không chỉ tổ chức chuyến bay miễn phí đưa người lao động về quê ăn Tết, Vietnam Airlines còn dành tặng món quà Tết ý nghĩa cùng 1 khoản tiền nhỏ hỗ trợ chi phí tàu xe cho người lao động về tận quê nhà và tài trợ vé máy bay cho họ quay trở lại làm việc sau Tết với mong muốn giảm bớt gánh nặng cho người lao động, đươc hưởng 1 cái Tết đoàn viên trọn vẹn, đủ đầy. “Chuyến bay được thực hiện trong giai đoạn cao điểm, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao nên việc sắp xếp bố trí chuyến bay cũng gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi thấu hiểu rằng việc được “trở về nhà” đoàn viên cùng gia đình dịp Tết là ước mong chính đáng của người lao động sau một năm làm việc vất vả, đặc biệt với những người phải trải qua nhiều mùa Tết xa quê hương. Bên cạnh đó, việc sở hữu 1 tấm vé máy bay trong dịp cao điểm Tết càng trở nên khó khăn và là gánh nặng đối với những người lao động thu nhập thấp. Vì vậy, hơn bao giờ hết, đây là thời điểm, họ cần sự trợ giúp để mong ước “trở về nhà” trở thành hiện thực” - ông Đặng Anh Tuấn chia sẻ. Chương trình “Chuyến bay mơ ước - Hành trình đoàn viên” nằm trong chiến dịch “Flights of Love - Hành trình yêu thương”, hướng tới lan tỏa các thông điệp, trách nhiệm xã hội, giá trị nhân văn tốt đẹp vì cộng đồng mà đơn vị đã thực hiện từ nhiều năm qua. |
“Có được tấm vé máy bay cảm giác như trúng giải lớn”
17h ngày 9/1, chuyến bay đặc biệt mang tên hành trình đoàn viên, chuyến bay mơ ước cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đưa hàng trăm người lao động nghèo tại các tỉnh miền Bắc đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh kịp thời về quê bên gia đình dịp Tết Nguyên đán. Có mặt tại sân bay từ sớm, cô Nguyễn Chị Châm (SN 1975, Đồng Văn, Hà Nam) cho biết đã tha hương cầu thực từ thời trẻ, tính đến nay đã gần 20 năm xa nhà nhưng đến 15 năm nay chưa từng biết mùi Tết ở quê. Theo lời cô Châm, cô vào Bình Dương để làm công nhân da giày rồi lấy chồng là người Bình Định, 2 vợ chồng đến nay có 2 con. Làm công nhân, đồng lương ít ỏi, chi phí sinh sống và nuôi con tại thành phố quá đắt đỏ, tháng nào lại hết tiền tháng ấy nên gần như không để ra được đồng tiết kiệm nào cả. Chính vì vậy, mong ước trở về quê hương lại xa càng thêm xa. “Có ai mà không muốn được về nhà đón Tết đâu, nhưng mà tiền không có, muốn về mà tủi thân không thể về được. Năm nay, tôi vui lắm vì sau 15 năm bây giờ tôi mới được về đón Tết với mẹ. Lúc công ty thông báo đăng ký, tôi cũng ghi tên thôi chứ không hi vọng gì nhiều. Thế nhưng hôm sau nghe quản lí thông báo mà nước mắt cứ tự trào ra, cảm giác như đời mình đến giờ mới được trúng giải lớn như thế. Tôi thật sự cảm ơn lắm” - cô Châm chia sẻ. |
Chị Quách Thị Minh (Hòa Bình) đưa con gái cùng trở về quê sau 7 năm xa cách. Dịch bệnh, eo hẹp kinh tế trở thành bức tường ngăn cách mong muốn trở về quê hương. Đã bao lần chị gạt bỏ ý định về thăm gia đình, nhưng lần này đã khác. Khi được trong vòng tay của người thân, chị Minh mới thực sự nhận ra ước mơ của mình đã thành sự thực, bao cố gắng của mình cũng đã được hồi đáp. Chung những giọt nước mắt, nhưng là của hạnh phúc, của sự đoàn tụ, năm nay cái Tết đã trọn vẹn hơn, gia đình hào hứng chuẩn bị mâm cơm đón giao thừa. Dù khó khăn vẫn còn nhưng những người con xa quê và gia đình của họ cũng được tiếp thêm sức lực phần nào, từ hơi ấm tình thương gia đình. |
Kẻ Nam người Bắc nhưng bữa cơm giao thừa lại đủ đầy |
Không chỉ đơn thuần trao tặng tấm vé trở về nhà ăn Tết cho hàng nghìn người Việt, “Chuyến bay mơ ước, hành trình đoàn viên” còn hành động mạnh mẽ hơn khi thực sự đồng hành với họ trong hành trình trở về nhà. Đây là bước đệm để hi vọng cho nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực hơn nữa, để dù cuộc sống năm qua có bao khó khăn thì cuối cùng ai cũng được trở về trong vòng tay chở che và tình thương gia đình. Chị Mạc Thị Nhị (Kinh Môn, Hải Dương) đã vào TP Hồ Chí Minh làm việc 3 năm và 3 năm nay chị chưa từng được trở về quê hương để đón Tết. “Năm đầu tiên vào đây làm việc thì công việc chưa ổn định, tiền chưa có nên tôi đành gác lại chuyện về quê. Ngay sau đó là 2 năm dịch Covid-19 cũng không thể về được. Năm nay, khi việc sản xuất được phục hồi thì công ty cũng cắt giảm nhân sự, giảm công việc, giảm lương… nên kinh tế của những người như chúng tôi cũng rất khó khăn. Nếu như không có chương trình này, tôi cũng không thể về được vì giá vé cũng đắt lắm. Chỉ được một vé kèm 1 trẻ nên năm nay chỉ có mẹ con tôi về còn chồng tôi vẫn ở lại để làm việc” - chị Nhị chia sẻ. |
Cùng chung hoàn cảnh, cô Châm nói thêm: “Giá vé máy bay rất đắt, đặc biệt là dịp lễ Tết. Vé tàu hay vé xe đò cũng không hề rẻ. Xe khách là rẻ nhất nhưng cũng phải 1,7 - 2 triệu đồng/vé một chiều. Nếu cả nhà tôi 4 người cùng về thì đã mất mười mấy hai mươi triệu tiền đi lại rồi. Nên năm nay đành 1 mình tôi về quê, còn 3 bố con ở lại làm việc thì nhà còn có tiền chứ về cả nhà thì ra Tết không biết lấy gì mà ăn” - cô Châm nói. Tuy rằng không thể đủ đầy toàn bộ thành viên nhưng việc được trở về nhà sau nhiều năm mơ ước cũng giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn hiện thực hóa ước mơ ấy. Cô Châm, chị Nhị chỉ là những hoàn cảnh số ít trong hàng trăm người được trở về quê hương trong sự mong ngóng của gia đình về một cái Tết đoàn viên bên gia đình. Về nhà là tiếng gọi thiêng liêng nhất mỗi dịp Tết về. Thế nhưng, không phải người con xa quê nào cũng có thể thực hiện được niềm mong mỏi đó giữa những bôn ba cơm áo gạo tiền nơi đất khách quê người. Những ngày gần Tết, đâu đó trên mạng xã hội lại thấy những thông tin thật cảm động khi có những chuyến bay, chuyến tàu, chuyến xe đưa người dân nghèo trở về nhà. Đâu đó ở nhiều gia đình trên khắp mọi miền đất nước, đang tràn ngập niềm vui, tiếng cười của hạnh phúc, của sự đoàn viên. Về nhà là thấy Tết thật rồi! |
Bài, ảnh, thiết kế và trình bày: Khánh Huy |