Thứ năm 28/03/2024 21:07

Vụ ám sát nhà khoa học Iran: Trung Đông bị đẩy “lún sâu” vào bất ổn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh, đã khiến nhiều người đặt ra nghi vấn về việc Iran sẽ phản ứng như thế nào và khi nào, đồng thời làm dấy lên lo ngại về tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng tình hình sẽ không leo thang ngay lập tức.

Bất ổn khu vực gia tăng

Hầu hết các phản ứng chính thức của Iran đối với vụ ám sát này đều nhấn mạnh bản chất khủng bố của tội ác và chỉ ra lực lượng tình báo của Israel là đối tượng tình nghi chính. Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif là người đầu tiên đề cập đến "những dấu hiệu nghiêm trọng về vai trò của Israel" khi ông lên tiếng chỉ trích trên mạng xã hội. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế "chấm dứt tiêu chuẩn kép" và lên án tội ác này là một "hành động khủng bố nhà nước".

Mohammad Baqeri, Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran, cũng cáo buộc "những kẻ khủng bố đã cấu kết với ... chế độ ủng hộ chủ nghĩa phục quốc Do Thái của Israel," và cảnh báo về "một cuộc trả thù khốc liệt".

Nabil Shaath, cố vấn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbass về quan hệ quốc tế cho biết, Iran có thể đã đúng khi cáo buộc Israel thực hiện tội ác tàn độc này vì "trong những năm qua Israel đã quen với việc thực hiện các vụ ám sát kẻ thù của họ, không chỉ Iran."

Những tháng gần đây, chiến dịch này của Mossad dường như được gia tăng cường độ, mà nhà khoa học Fakhrizadeh là nạn nhân mới nhất. Tháng 1-2020, tướng Qassem Soleimani, lãnh đạo lực lượng Al-Quds, đơn vị tinh nhuệ của IRGC, đã bị một máy bay không người lái của Mỹ bắn hạ trên lãnh thổ Iraq. Tháng 8-2020, Iran lại bị “ê mặt” khi những tay giết thuê hạ sát một thủ lĩnh cao cấp của Al-Qaeda ngay trên đường phố ở Tehran. Sự việc xảy ra khiến người ta nghi là đang có một mạng lưới gián điệp và đồng lõa của Mossad rất phát triển tại Iran.

Tổng thống Iran hôm 28-11 nói rằng, phản ứng của Iran sẽ được thực hiện "vào thời điểm thích hợp" nhằm "tránh bị rơi vào bẫy của những kẻ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái". Những phát biểu của ông Rouhani càng chứng minh cho những lo ngại của giới phân tích rằng vụ ám sát này có thể khiến tình hình leo thang và cản trở bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở lại "con đường" ngoại giao giữa Iran và Mỹ sau khi chính quyền mới ở Washington nhậm chức.

Ông Shaath nói rằng động cơ chính đằng sau vụ sát hại nhà khoa học này là nhằm kích động căng thẳng giữa Iran và các nước láng giềng Arab, đặc biệt là Saudi Arabia, ngoài ra còn nhằm làm xáo trộn các "quân bài" ở Trung Đông, trong bối cảnh quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ sắp diễn ra.

Mohammed Mohsen Abo el-Nour, một nhà nghiên cứu Iran người Ai Cập và hiện là chủ tịch Diễn đàn Arab về phân tích các chính sách Iran, cho rằng Iran sẽ không leo thang với Israel trước khi ông Joe Biden nhậm chức.

vu am sat nha khoa hoc iran trung dong bi day lun sau vao bat on
Nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh tư liệu

Tương lai "kế hoạch Trung Đông" của Biden

Sau khi rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, chính quyền Trump liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, với hy vọng buộc Iran đàm phán một thỏa thuận mới, ràng buộc hơn, theo các tiêu chí của Mỹ. Thế nhưng, bất chấp các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt và đang tàn phá nền kinh tế đất nước, Tehran vẫn dứt khoát không nhượng bộ Washington. Trong khi đó, nước Cộng hòa Hồi giáo đặt nhiều hy vọng vào tân chính quyền Biden, từng tuyên bố mong muốn thay đổi đường hướng và làm sống lại thỏa thuận 2015, với điều kiện Iran tạm ngưng các chương trình phát triển hạt nhân.

Theo giới quan sát, với vụ ám sát nhà khoa học Iran vừa qua, Donald Trump và Benjamin Netanyahu có vẻ như đang tìm cách buộc Iran phải chọn lựa giữa sự trả thù và thiện chí thoát khỏi sự cô lập và với một mục tiêu sau cùng không nói ra là “ngáng chân” Joe Biden để việc trở lại con đường ngoại giao với Iran trở nên khó khăn hơn.

Theo Financial Times, ngoài việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, ông Trump gần đây được cho là đã tìm kiếm lời khuyên về tính khả thi của các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Trong tháng 11, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã làm trung gian cho một cuộc gặp bất ngờ tại Saudi Arabia giữa ông Netanyahu và Thái tử Mohammed. Bề ngoài là nhằm xoa dịu căng thẳng và "bình thường hóa" quan hệ, song cuộc gặp này dường như còn nhằm củng cố một mặt trận thống nhất không chỉ chống lại Tehran mà còn chóng lại cả chính sách Iran của ông Biden. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên khắp khu vực. Cho đến nay, các hành động thù địch chống lại Iran vẫn nằm trong phạm vi "chiến tranh trong bóng tối," sử dụng các lực lượng đánh thuê và các cuộc xung đột ủy nhiệm giữa người Sunni và người Shia từ Iraq đến Lebanon và từ Syria đến Yemen.

Tuy nhiên, vụ sát hại ông Fakhrizadeh đã đẩy vấn đề lên cao. Giả thiết lạc quan là sẽ không có một cuộc chiến thực sự. Tuy nhiên sẽ có những động thái trả đũa lẫn nhau. Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, các cử tri Mỹ đã lựa chọn Biden. Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Fakhrizadeh, đôi khi được so sánh với Robert Oppenheimer - "cha đẻ" của quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào năm 1945 - được các cơ quan tình báo phương Tây tin rằng, đã dẫn dắt công cuộc tìm kiếm vũ khí hạt nhân của Iran cho đến khi chương trình này bị dừng lại vào năm 2003. Tehran phủ nhận ý định chế tạo bom nhưng quyết tâm làm chủ chu trình hạt nhân hoàn chỉnh để có thể làm như vậy.

Chiến dịch "gây sức ép tối đa" của chính quyền Tổng thống Trump và việc rút Mỹ ra khỏi một thỏa thuận từng giúp loại bỏ thành công kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân trước đây của Tehran đã khiến Iran tái tạo một kho dự trữ urani đã được làm giàu. Bây giờ kho dự trữ này có quy mô lớn gấp 12 lần mức trần quy định của thỏa thuận hạt nhân và có mức độ tinh khiết cao hơn mức cho phép. Mặc dù Iran chưa sở hữu urani được làm giàu tới mức có thể chế tạo vũ khí, song ông Trump đã đẩy Iran đến gần hơn với mục tiêu này.

Hồng Phúc
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động