Thứ sáu 29/03/2024 05:46

Vở cải lương “ Ngàn năm Đại Việt” – khúc tráng ca về “huyền thoại có thật” đường Hồ Chí Minh trên biển

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 12-8, tại Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng, vở cải lương “ Ngàn năm Đại Việt” bước vào giai đoạn thẩm định nghệ thuật trước khi công diễn chính thức trên sóng truyền hình vào tối 14-8. Đây là vở diễn thuộc Đề án Sân khấu truyền hình tháng 8-2021, với sự tham gia biểu diễn của tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công các đoàn nghệ thuật: Đoàn Cải lương Hải Phòng, Đoàn Rối, Đoàn chèo, Đoàn Ca múa, Đoàn Văn công Quân khu 3.
Một hoạt cảnh trong vở Ngàn năm đất Việt
Một hoạt cảnh trong vở Ngàn năm Đaị Việt

Đường Hồ Chí Minh trên biển, một “huyền thoại có thật”, một “kỳ tích” của dân tộc ta, cho thấy nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh Nhân dân, một quyết định chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Kỷ niệm 60 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vở cải lương “ Ngàn năm Đại Việt” tái hiện sắc nét và hào hùng về môt giai đoạn lịch sử oai hùng của quân và dân ta.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông, được thành lập ngày 23-10-1961, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một Dân tộc anh hùng.

Một hoạt cảnh những người lính của hai bờ chuyến tuyến phải đấu trí trước một tình huống éo le
Một hoạt cảnh những người lính của hai bờ chuyến tuyến phải đấu trí trước một tình huống éo le

Nội dung của vở diễn nói về những chiến sĩ đoàn tàu không số xuất phát từ bến K15 của Hải Phòng chi viện vũ khí cho chiến trường Miền Nam, khi bước chân lên đoàn tàu không số, cũng chính là khi các chiến sĩ xác định ra đi là cảm tử, là chấp nhận mất mát hy sinh, là chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách và mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt giữa “ta” và “thù”.

Một hoạt cảnh trong vở Ngàn năm đất Việt
Một hoạt cảnh trong vở Ngàn năm đất Việt

Trên hành trình gian nan vào chi viện cho chiến trường Miền Nam, đoàn tàu không số không may gặp bão và bị trôi dạt vào đảo Lý Sơn. Tại đây, tàu bị hỏng chân vịt không thể di chuyển tiếp, thủ trưởng của tàu đã ra lệnh cho cấp dưới tìm chỗ ẩn nấp và tìm cách sửa tàu. Lúc này lượng nước ngọt dự trữ trên tàu đã hết, buộc phải tìm ra nguồn nước để duy trì nguồn sống cho các chiến sĩ. Thành – một chiến sĩ trẻ đã xung phong tự mình đi tìm nước cùng sự yểm trợ của một đồng đội khác.

Đan xen giữa những phút giây chiến sự căng thẳng, vở diễn lồng ghép những phân cảnh về nỗi nhớ quê hương Hải Phòng, nhớ mẹ già của Thành; là tình yêu lứa đôi của Thọ - một người lính bên kia chiến tuyến với Phượng – cô kỹ sư khí tượng thủy văn sinh sống cùng mẹ trên đảo Lý Sơn; là nỗi đau xé lòng của người mẹ khi hai người con trai cùng tham gia trận chiến, cùng hy sinh, mà đau đớn hơn hai người con trai lại ở hai đầu chiến tuyến để lại nỗi đau không thể diễn tả hết bằng lời trong cõi lòng tan nát của người mẹ.

Một hoạt cảnh trong vở Ngàn năm đất Việt
Một hoạt cảnh trong vở Ngàn năm đất Việt

Cao trào của vở diễn bắt đầu được gợi mở khi Thành bị lính ngụy bắt giữ. Bằng tất cả quyết tâm và tình yêu dành cho quê hương, mặc cho quân thù tra tấn dã man ra sao, Thành vẫn không hé răng khai ra nửa lời về đồng đội, mà chỉ khăng khăng nhận mình là ngư dân bị sóng đánh vào bờ khi gặp bão. Trong lúc này, Thọ - chỉ huy lực lượng lính ngụy không tin những lời khai của Thành và ra lệnh cho cấp dưới giam giữ Thành làm con tin, đồng thời truy tìm nhưng người lính giải phóng còn lại.

Biết tin Thành bị bắt, đồng đội hoang mang và lo sợ, sợ rằng Thành sẽ khai ra nơi ẩn nấp của các chiến sĩ, lo sợ rằng con đường vận chuyển vũ khí bí mật từ Bắc vào Nam bị lộ. Thế nhưng, gạt đi tất cả, thủ trưởng của đoàn tàu không số đã khẳng định với một niềm tin sắt son “ lo là đúng, nhưng trên cả lo là niềm tin”, phải có niềm tin vào đồng đội và chắc chắn rằng Thành sẽ không phản bội đồng đội, không phản bội lại quê hương, Tổ quốc của mình.

Vì không muốn đụng độ xảy ra, Phượng đã tìm đến những người chiến sĩ trên con tàu không số đề nghị giữ mình làm con tin. Cuộc trao đổi tù binh giữa “ta” và “thù” trở thành cao trào đỉnh điểm của vở diễn, để rồi máu đã đổ khi Phượng trúng đạn. Mẹ của Phượng lại một lần nữa phải chịu đựng nỗi đau thấu tận trời xanh khi chứng kiến con gái mình vì chiến tranh mà đổ máu, như hai anh trai của cô. Trước nỗi đau ấy, lời nói của mẹ Phượng như thức tỉnh tất cả mọi người, giờ đây không có không có lính Việt Nam Cộng Hòa, không có Việt Cộng, mà chỉ là người Việt Nam, kẻ thù chung chính là con tàu ngoại quốc đang có ý định xâm chiếm biển đảo quê hương ở ngoài kia.

Để rồi cuối cùng, Thọ cùng những người lính ngụy quyết định hạ súng, phối hợp cùng quân giải phóng đồng lòng chiến đấu quyết giữ gìn quê hương khỏi sự xâm chiếm của quân ngoại xâm.

Vở cải lương “ Ngàn năm Đại Việt” – khúc tráng ca về “huyền thoại có thật” đường Hồ Chí Minh trên biển
Vở cải lương “ Ngàn năm Đại Việt” – khúc tráng ca về “huyền thoại có thật” đường Hồ Chí Minh trên biển
Một số hoạt cảnh trong vở cải lương Ngàn năm Đaị Việt
Một số hoạt cảnh trong vở cải lương Ngàn năm Đaị Việt

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai – Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng, vở cải lương “Ngàn năm Đại Việt” như một lời khẳng định sắt son về tình yêu quê hương đất nước, về sự hy sinh âm thầm của các chiến sỹ sẵn sàng dùng tính mạng của mình để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Đây là vở diễn hướng tới kỷ niệm 60 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển, với ý nghĩa đó, các nghệ sỹ, diễn viên đã cháy hết mình trong từng phân cảnh và hứa hẹn sẽ để lại nhiều cung bậc cảm xúc trong lòng khán giả khi lên sóng truyền hình vào ngày 14-8.

Anh Thư
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động