Thứ sáu 29/03/2024 08:40

Virus tin giả khiến công tác phòng, chống dịch trở nên phức tạp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong thời điểm Covid-19 hoành hành, cả hệ thống chính trị đều căng mình vào cuộc thì mạng xã hội đã bộc lộ tính hai mặt của nó. Không thể phủ nhận tính lan tỏa của mạng xã hội khi chia sẻ những hình ảnh đẹp, những hành động cũng như tính ưu việt của “chiến dịch” chống Covid-19 của nước ta. Tuy nhiên bên cạnh những hình ảnh, bài viết đẹp, những thông tin giả mạo và những hình ảnh không kiểm chứng lại khiến các lực lượng chức năng thêm đau đầu trong công tác phòng chống dịch.

Đã qua gần 2 năm với nhiều các đợt dịch, dân Việt Nam đã dần quen và trang bị cho mình những kiến thức nhất định về dịch Covid-19. Thế nhưng sự không triệt để trong nhận thức vẫn khiến nhiều người thêm mệt mỏi trong thời đại dịch bởi những thông tin giả mạo trên mạng xã hội.

Mới đây, khi TP HCM đang trong thời gian thực hiện giãn cách, tối 13-7, trên mạng xã hội facebook đã lan truyền một tin nhắn với nội dung như sau: “Em rể của chị trong nhóm ĐH Sư phạm là BS BV Chợ Rẫy, hiện đang ở BV dã chiến số 2, nhắn về Sài Gòn không thua gì Ấn Độ, dặn người trong nhà lo trữ thêm đồ ăn”. Sau khi xuất hiện tin nhắn trên, các facebooker đã điên cuồng chia sẻ, cùng với việc chia sẻ đó là hình ảnh người dân đổ xô đến các siêu thị để ào ạt mua sắm.

Virus tin giả khiến công tác phòng chống dịch trở nên phức tạp
Virus tin giả khiến công tác phòng chống dịch trở nên phức tạp

Nhu cầu mua bán thực phẩm thiết yếu là nhu cầu chính đáng của người dân, việc người dân đi mua sắm cũng là nhu cầu tất yếu. Thế nhưng một lượng người rất đông và với lượng hàng khủng thì khó có thể siêu thị hay chuỗi cung cấp thực phẩm nào nhất thời có thể cung ứng cho nổi. Và việc vắng bóng những thực phẩm thiết yếu trên kệ dẫn đến tâm lý hoang mang, lo ngại. Đây cũng là lúc để cho một số cá nhân tranh thủ găm hàng, một số gian thương tận dụng để đội giá.

Tương tự, trước sự lây lan của biến chủng delta của Covid-19 tại Việt Nam khiến số f0 trong thành phố Hồ Chí Minh luôn tăng với con số chóng mặt. Con số nghìn người mắc trong một ngày đã là thông tin quen thuộc khi nhắc đến dịch bệnh Covid-19 trong thành phố Hồ Chí Minh. Chính vậy, những suy đoán, đồn đại về việc thiếu máy thở một lần nữa lại khiến người dân hoang mang, bất an.

Tiếp tục một làn sóng người dân tấp cập tìm kiếm và đặt mua những thiết bị thở máy, thiết bị tạo oxy, tích trữ bình khí oxy… Và rằng cho đến Bộ Y tế đã khẳng định rằng không thiếu máy thở. Và rằng việc tích lũy thiết bị thở máy hay bình trữ khí oxy sẽ lợi bất cập hại, đồng thời thúc đẩy sự khan hiếm nguồn cung, gây khó khăn cho ngành y tế. Tuy vậy nhưng không phải cảnh báo của các Bộ, ban ngành lúc nào cũng được những người đang bị mê hoặc bởi những thông tin đồn thổi đón nhận?!

Và nguy hiểm nhất, có lẽ là một bức ảnh với những xác chết được nhiều cư dân mạng chia sẻ, bởi cho rằng đó là hình ảnh trong những khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM. Thông tin này sau đã được Trung tâm Xử lý tin giả thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ thông tin và truyền thông) cho biết đó là tin giả. Hình ảnh trên được xác định là hình ảnh của một nước thuộc khu vực Đông Nam Á, hoàn toàn không phải ở Việt Nam. Tuy nhiên, những thông tin thất thiệt như vậy cũng kịp tạo sự hoang mang, sợ hãi cho người dân, tăng thêm áp lực không cần thiết cho lực lượng chống dịch.

Việc căng mình chống dịch là có, việc cả hệ thống chính trị ở Việt Nam đang từng ngày gìn giữ sự an toàn của người dân trước đại dịch là điều chúng ta đã thấy hơn một năm nay. Tuy nhiên, cuộc chiến với tin giả trên mạng xã hội cũng cam go, khốc liệt không kém. Những hệ lụy của tin giả, của những nút like hay những hành động share không suy nghĩ, không tìm hiểu gây thêm những đồn đoán, những ức chế cũng như tạo ra sự phức tạp trong quá trình quản lý của chính quyền.

Mặc dù không gây bệnh, không gây chết người, nhưng tin giả gây hậu quả khôn lường. Chính điều ấy khiến nhiều người coi tin giả như một loại virus. Và nguy hiểm hơn, những con “virus” tin giả này còn lây lan nhanh hơn tốc độ của những virus thật. Tổng GĐ Tổ chức Y tế thế giới ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khi nói về tác hại những thông tin giả trong công tác phòng chống Covid-19 đã khẳng định, những thông tin giả mạo xung quanh dịch bệnh Covid-19 bùng phát có nguy cơ làm suy yếu cuộc chiến chống dịch bệnh nếu không được kiểm soát, xử lý kịp thời.

Và trên thực tế, “chủng virus tin giả” đã và đang khiến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trở nên phức tạp bởi những thông tin thất thiệt.

Luật pháp Việt Nam cũng đã có những hành lang pháp lý quy định về vấn đề đưa thông tin sai trái trên mạng xã hội. Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, dù ở mức độ nào thì việc đưa thông tin sai trái trên mạng xã hội cũng đã vi phạm luật.

Theo đó, tại Điều 8 và Điều 9 Luật An ninh mạng 2018 nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật luật sư Thu cho biết.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động