Thứ sáu 27/09/2024 09:53

Vì sao người con trai không cho họ hàng đưa bàn thờ mẹ vào nhà thờ tự

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Chứng kiến cảnh tượng xảy ra vào sáng thứ 6, ngày 3-1-2014, đến nay người dân thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam vẫn chưa hết bức xúc, lên án hành động vô nhân nghĩa của người con trai đối với người mẹ ruột quá cố của mình.


Ông N., một người dân thị trấn Nam Phước, cho biết: “Tôi không ngờ ông Cương là con ruột của cụ Tơ (hơn 90 tuổi) lại có hành động, bất hiếu với chính người mẹ ruột của mình như vậy. Chứng kiến cảnh tượng diễn ra vào sáng 3-1, ai cũng bất bình lên án. Nếu mọi người không phá dỡ hàng rào nhà thì chắc ông Cương vẫn không chịu cho họ hàng đưa di ảnh, bàn thờ của bà Tơ vào nhà để thờ”.

Ngày 3-1, hàng trăm người dân thôn Xuyên Tây 2, thị trấn Nam Phước cùng nhiều người đi đường tỏ ra bức xúc trước cách hành xử thiếu đạo lý của ông Cương khi đóng kín cửa, khóa chặt cổng, không cho đưa bàn thờ, di ảnh người mẹ vừa qua đời vào nhà để thờ phụng.


Sự việc ông Trần Thành Cương đóng chặt cửa nhà không cho họ hàng đưa bàn thờ, di ảnh mẹ ruột mình vào thờ xảy ra vào sáng 3-1. Ảnh: Quang Sự


Theo tìm hiểu, bà Huỳnh Thị Tơ có 2 người con là ông Cương và bà Trần Thị Mỹ Thắng, trú khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước. Từ trước đến nay, gia đình ông Cương ở trong cùng cụ Tơ. Theo nhiều người dân sống xung quanh, ông Cương đối xử rất tệ bạc với cụ Tơ, bắt cụ nấu ăn, sinh hoạt riêng. Thậm chí, ông còn không cho mẹ sử dụng điện thắp sáng, phải ăn cơm trong bóng tối. Nhiều lần cụ Tơ có việc ra khỏi nhà, lúc về đành phải ngồi ngoài hiên chờ vì không có chìa khóa mở cửa. Đau đớn hơn, mấy mùa nước lũ về, ông Cương để mặc mẹ đói khát. Đến khi lũ rút, cụ phải chống gậy đi mua vài cái bánh tráng về nhúng nước cho mềm rồi chấm mắm ăn.

Chị T., người dân sống gần đấy kể: “Mỗi khi nhìn thấy cụ Tơ ngồi ở ngoài cổng nhà mình, ai cũng thương cảm hoàn cảnh của cụ”.

Thấy cảnh mẹ sống quá khổ với gia đình anh trai, hơn 3 năm trước, bà Thắng đưa mẹ về căn nhà nhỏ của mình tại khối phố Mỹ Hòa, chăm sóc cho đến ngày mẹ qua đời vì bệnh tật và buồn tủi. Con gái cụ Tơ, buồn bã nói: “Là anh trai mà anh ấy lúc nào cũng tranh giành đòi mẹ phải để hết đất đai, nhà cửa lại cho mình quản lý. Thấy mẹ bị anh trai đối xử vậy nên vợ chồng tôi đưa mẹ về nhà mình phụng dưỡng. Khi mẹ mất, anh Cương có nói khi chôn mẹ xong thì đưa bàn thờ mẹ về nhà anh thờ để anh hương khói vì anh là con trai duy nhất. Vì vậy, họ hàng mới đưa bàn thờ, di ảnh mẹ xuống nhà anh Cương để thờ nhưng không ngờ anh ấy đóng chặt cửa, tránh mặt không cho ai vào. Thấy vậy người dân rất bất bình và phản đối, là phận con mà tôi thấy tội cho mẹ mình quá”.

Khi hay tin mẹ mất, ông Cương vẫn không ngó ngàng đến, không chịu phục tang. Sau khi tiến hành mai táng mẹ, bà Thắng mong muốn ông Cương là con trai duy nhất trong gia đình thờ phụng, hương khói cho mẹ. Nhưng khi bà Thắng cùng bà con trong tộc họ đưa bàn thờ, lư hương, liễn, di ảnh của người mẹ vừa mất xuống nhà thì ông Cương đóng kín cửa nhà, khóa chặt cổng ngõ. Quá bức xúc, mọi người dỡ bỏ hàng rào rồi khiêng bàn thờ vào đặt trước hiên nhà. Nhận được thông tin, chính quyền thị trấn Nam Phước đã có mặt để phân tích phải trái. Gần 2 tiếng đồng hồ sau, ông Cương mới miễn cưỡng đồng ý khiêng bàn thờ của mẹ vào trong nhà rồi tiếp tục đóng kín cửa.

Theo nhiều người dân trong vùng, nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên có thể xuất phát từ việc cụ Tơ có 5 mảnh đất nằm liền kề nhau và cụ đã cho con gái 1 mảnh. Trong khi đó, ông Cương không đồng tình cách làm của mẹ mà muốn tất cả đều là của mình, do vậy dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình mà đỉnh điểm là ông Cương cùng các con ông thờ ơ, vô cảm trước sự ra đi của mẹ, bà nội ruột mình. Nhiều người có mặt hôm ấy bảo rằng, sự việc đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy thoái đạo đức gia đình. Đồng thời nhắc nhở mỗi người phải luôn soi lại bản thân mình về đạo làm con, về tình cảm, thái độ đối với cha mẹ, anh chị em và hàng xóm làng giềng để hành xử cho đúng với đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Bảy, cán bộ Tư pháp của UBND thị trấn Nam Phước cho biết, ngay sau khi sự việc ông Trần Thành Cương (hơn 60 tuổi), con ruột của cụ Huỳnh Thị Tơ có hành động đóng cửa nhà không cho đem bàn thờ, di ảnh mẹ ruột mình vào nhà thờ thì chính quyền địa phương cùng các ban ngành đoàn thể đã vận động con cái ông Cương động viên cha mình thì ông Cương mới chịu về nhà mở cửa cho họ hàng đưa bàn thờ, di ảnh của cụ Tơ vào nhà thờ. “Khi cụ Tơ chưa mất, ông Cương đối xử với mẹ ruột mình lơ là lắm, hình như không chăm sóc bà cụ. Trước khi bà cụ mất, ông Cương có đồng ý là khi mẹ mất, chôn cất xong thì đưa bàn thờ về nhà ông ở thôn Xuyên Tây 2 thờ tự. Làm lễ chôn cất cụ Tơ xong, gia đình họ hàng đưa bàn thờ, di ảnh cụ Tơ xuống nhà ông Cương để thờ thì bất ngờ ông Cương đóng cửa bỏ đi đâu mất, vì vậy bàn thờ bà cụ phải để ngoài đường. Trước tình hình này, chính quyền thị trấn cùng các ban ngành đã vận động con cái ông Cương và sau nhiều lần giải thích, vận động thì ông Cương mới về nhà đồng ý mở cửa nhà để họ hàng đưa bàn thờ, di ảnh bà cụ vào nhà”, ông Bảy cho biết.

Cũng theo ông Bảy, lâu nay giữa hai anh em ông Cương đã xảy ra tranh chấp đất đai do mẹ ruột mình quản lý, để lại. “Ông Cương và em gái là chị Thắng đã nhiều lần xảy ra tranh chấp về đất đai, nhà cửa do cụ Tơ quản lý để lại. Cụ Tơ có cho con gái mình một mảnh đất trên ngôi nhà cũ, thấy mẹ mình cho em gái căn nhà cũ và mảnh đất này nên ông Cương không đồng ý rồi hai anh em xảy ra tranh chấp rất quyết liệt. Vụ tranh chấp đất đai của anh em ông Cương và bà Thắng đã được chính quyền địa phương nhiều lần mời lên giải quyết. Có lần đang tranh chấp, vợ ông Cương cầm dao đuổi em chồng mình bỏ chạy”, ông Bảy cho biết.

Trước sự việc gây bất bình trong nhân dân về hành động không đúng đạo lý của người dân Việt Nam đối với công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho rằng, việc ông Trần Thành Cương không chấp nhận thờ mẹ là điều trái với đạo lý của người Việt. Đáng hổ thẹn hơn, theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Trần Thành Cương đã từng nhiều năm đứng trên bục giảng với tư cách là người thầy giáo dạy cho nhiều thế hệ trẻ.

Quang Sự

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động