Thứ sáu 19/04/2024 08:15

Vì sao hợp đồng lao động với người giúp việc vẫn khó?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong mùa Covid-19 thứ 4, cùng với sự "tăng trưởng" của những đơn hàng cho shipper, thì nghề giúp việc cũng đang là công việc vô cùng "hot".

Khi mà lũ trẻ được hưởng một kỳ nghỉ hè sớm trong mùa Covid, thì các phụ huynh lại đau đầu vì chuyện trông nom lũ trẻ. Không phải gia đình nào cũng may mắn có ông bà nội, ngoại phụ giúp, thế nên việc có một người giúp việc trong gia đình là điều cần kíp của các ông bố, bà mẹ trẻ. Nhu cầu tìm người giúp việc tăng đột biến, nguồn cung cũng không ít, tuy nhiên giữa nguồn cung - cầu này lại chưa hẳn lại đáp ứng được lẫn nhau.

Chị N.H.P (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, cả tháng 5 và một nửa tháng 6 vừa rồi chị đã cố gắng vừa hoàn thành công việc, vừa chăm nom một cậu con trai 6 tuổi và cô gái nhỏ mới tuổi lên 3. Thế nhưng cũng không cố được mãi, do yêu cầu công việc nên đến lúc chị buộc phải thu xếp việc nhà để toàn tâm với công việc. Chị đã lên một nhóm chuyên tìm người giúp việc để đăng tài. Theo đó, ngoài việc chăm sóc và trông hai đứa con, chị cũng yêu cầu làm thêm việc nhà như dọn dẹp và cơm nước. Mức lương chị đưa ra là 5 triệu.

Khó thực hiện việc ký hợp đồng lao động với người giúp việc
Khó để ký hợp đồng lao động với người giúp việc

Sau đoạn tin chị đăng tải, ngược lại với trông đợi có thể tìm được người phụ giúp, câu chuyện của chị lại trở thành một diễn đàn tranh cãi giữa người giúp việc và những người... đi tìm giúp việc. Bởi lẽ, những người đang tìm công việc giúp việc thì cho rằng mức lương của chị như vậy là không tương xứng với yêu cầu. Những người này cho rằng, với công việc vừa trông trẻ, vừa làm việc nhà thì ít nhất phải trả 6 - 7 triệu bao ăn ở. Đó là chưa tính thưởng lễ, Tết hoặc dịp giúp việc... về quê.

Còn những người cần tìm người giúp việc như chị P. lại cho rằng, những người giúp việc hiện nay thường chỉ đáp ứng được 50 - 60% yêu cầu của chủ nhà. Tuy nhiên họ lại luôn đòi mức lương khá cao so với năng lực mà họ "cống hiến".

Đoạn tin tuyển dụng cùng với những tranh luận kia vốn không chỉ tồn tại trên mạng xã hội, mà ở thực tế, đây luôn là vấn đề muôn thuở của người tìm và người đi làm giúp việc.

Chị Trần Thu Hà (Long Biên, Hà Nội) kể, gia đình chị trước kia do các con còn nhỏ nên cũng có thời gian thuê giúp việc. "Công việc trong gia đình không nhiều, cộng với vợ chồng tôi ở chung cư nên mọi cái đều gọn ghẽ, bọn trẻ cũng ngoan ngoãn và tự giác. Tuy nhiên, ban đầu cô giúp việc đến nhà thoả thuận với mức lương 5 triệu. Sau một tháng cơm lành canh ngọt, cô thỏ thẻ xin tăng lên 5,5 triệu cho "xứng" với công sức mình bỏ ra. Và sau 1,5 tháng nữa, cô lại thẽ thọt yêu cầu tăng lên 6 triệu cho bằng... giá sàn." - chị Hà kể.

Theo chị Hà, việc 5 hay 6 triệu cũng không có gì là quá nếu như giúp việc nhà chị toàn tâm, toàn ý với công việc. "Ngày giúp việc đi chơi bóng chuyền 2 lần sáng - chiều để mặc tôi cơm nước, nhà cửa. Việc chính của cô ấy là trông bọn trẻ, việc nhà chỉ phụ giúp. Tôi cũng không khó khăn gì nếu thực sự cô ấy đảm bảo lũ trẻ được chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên sau một thời gian để ý, tôi thấy thay vì chăm sóc bọn trẻ, thời gian ở nhà cô ấy thường hay dành cho việc vào các diễn đàn, nhóm ca hát trên facebook, còn hai đứa trẻ tự chơi với nhau." - chị Hà nói.

Như vậy, 6 triệu tiền lương cùng với chi phí ăn, ở, điện nước tổng số tiền chi trả cho giúp việc đã lên tới 8 - 9 triệu. "Số tiền ấy không nhỏ, và hoàn toàn không trả để một người đa số ngồi chơi."

Không ít người có suy nghĩ và đồng tình với chị Hà. Những câu chuyện về sự không chuyên nghiệp của người giúp việc không thiếu ở trong thực tế.

Thế nhưng ở vai trò của người giúp việc, chị Nguyễn Thị Tuyết (Long Biên, Hà Nội) lại cho rằng, lương 6 triệu mà chủ nhà đã trả cho chị thực sự như... bố thí. "Cách đây vài tháng tôi có làm giúp việc cho một gia đình ở Vinhome River. Cùng làm với tôi còn có một chị nữa. Công việc của chúng tôi được phân công rõ ràng, chị đó lo cơm nước, nhà cửa còn tôi phụ trông một em bé mới 3 tháng tuổi. Thời gian thoả thuận từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối từ thứ 2 đến thứ 7. Thế nhưng thực tế thì công việc lại không hề như thoả thuận. Tôi không chỉ phụ trông bé mà làm tất cả những việc mà họ yêu cầu, thời gian thoả thuận cũng không được thực hiện, mà tôi thường xuyên phải đến sớm và chỉ được về khi đã hết việc." - chị Tuyết cho biết.

Ngoài ra, các chị còn bị phân biệt đối xử. Theo chị Tuyết, đừng mong được ngồi ăn cơm cùng mâm. Bao giờ cũng vậy, nhà chủ ăn cơm xong hết mới đến lượt các chị. Đã vậy một bữa cơm phải đứng dậy ba bốn lượt, khi thì pha sữa, khi thì thay bỉm, hoặc đơn giản là bế con để chủ nhà... ngồi lướt facebook. "Còn có những người bạn của tôi đi làm phải tự nấu riêng, ăn riêng chứ đừng nói là ngồi cùng mâm. Có nhiều nhà quan điểm "mất tiền mua mâm rồi đâm cho thủng" nên kiếm được 5 - 6 triệu của họ chưa bao giờ là dễ dàng" - chị Tuyết nói.

Các câu chuyện trên không hiếm ở thị trường lao động nhóm này, để tránh những vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, nên có những hợp đồng rõ ràng giữa chủ nhà với người giúp việc.

Về vấn đề này, theo Điều 88 - Nghị định 145/2020/NĐ-CP (NĐ 145) - hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ, lao động là người giúp việc gia đình, là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Lao động có giao kết HĐLĐ bằng văn bản, để làm những công việc theo quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật Lao động.

Từ ngày 1-2-2021, chủ nhà khi thuê người giúp việc phải ký hợp đồng bằng văn bản. Cũng theo Điều 5, Nghị định 88/2015/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động không thực hiện việc ký kết HĐLĐ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, có nhiều gia đình khi nhận người giúp việc nhà thì đều không ký hợp đồng lao động. Mặc dù không hiếm câu chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" xảy ra giữa chủ nhà và người giúp việc, thế nhưng vẫn chẳng mấy ai mặn mà với những quy định, bộ luật này. Từ chủ nhà đến giúp việc đều có vô vàn những lý do để bao biện, giải thích cho việc thực hiện luật..

Không chỉ chủ nhà, đến cả người giúp việc cũng không mặn mà gì với quy định này mặc dù đó là cái để bảo vệ quyền lợi của họ. Theo lý giải của các chuyên gia, một phần do chủ nhà không muốn rắc rối về pháp lý, cũng bởi chính một phần do người giúp việc cũng không muốn ràng buộc. Vì rằng, có nhiều người tìm đến công việc giúp việc chỉ như một công việc thời vụ, họ không có ý định làm lâu dài, thế nên, việc ký kết lại là cái ràng buộc.

Chính vậy cho nên, cho dù Luật ra để bảo vệ cho quyền lợi của không chỉ người lao động nhưng vẫn khó thực hiện. Bởi rằng, thực tế ít người coi giúp việc là một nghề thực sự!

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động