Thứ năm 28/03/2024 23:24

Vắc xin ngừa Covid-19: “Chìa khóa” để đẩy lùi dịch bệnh ở Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo chuyên gia Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), vắc xin Covid-19 chính là “chìa khóa” để đẩy lùi dịch bệnh ở Hà Nội hiện nay. Người tiêm vắc xin giúp hệ miễn dịch nhận biết và sẵn sàng chống lại vi rút nếu chúng xâm nhập vào cơ thể.

Hà Nội tranh thủ từng giờ, từng phút xét nghiệm và tiêm vắc xin

Trong ngày 9-9, Hà Nội công bố 36 ca Covid-19, giảm 5 bệnh nhân so với ngày 8-9. Những người này đều đã cách ly tại nhà, cách ly tập trung hoặc thuộc khu vực phong tỏa. Hiện Hà Nội có tổng cộng 3.696 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trong đợt dịch thứ tư, gồm 1.578 ca ghi nhận ngoài cộng đồng và 2.118 người tại khu cách ly tập trung hoặc khu vực phong tỏa.

Để sớm trở về cuộc sống bình thường, thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, TP đang dồn mọi nguồn lực để tận dụng tối đa thời gian “vàng” giãn cách xã hội, trong đó tập trung vào 2 “mũi nhọn” là xét nghiệm và tiêm chủng. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 8-9, TP đã triển khai tiêm 215.031 mũi vắc xin phòng Covid-19. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, Hà Nội ghi nhận mức tiêm kỷ lục trong một ngày. Trước đó, ngày 7-9, TP đã tiêm 268.027 mũi vắc xin phòng Covid-19; Ngày 6-9, TP đã triển khai tiêm 103.198 mũi vắc xin Covid-19.

Người dân được tiên vắc xin tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm trong đêm 9-9	Ảnh: Khánh Huy
Người dân được tiên vắc xin tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm trong đêm 9-9. Ảnh: Khánh Huy

Đây là nỗ lực của ngành y tế với sự hỗ trợ của các lực lượng nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Công điện số Công điện số 20/CĐ-UBND ngày 6-9-2021 về tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Công điện số 20 có nêu nhiệm vụ: Tổ chức tiêm chủng an toàn, hiệu quả theo quy định cho tất cả các trường hợp trong diện được tiêm vắc xin phòng Covid-19 hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn theo Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “vắc-xin tốt nhất là loại vắc-xin được tiêm sớm nhất”.

Hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-9-2021 trên cơ sở số vắc-xin được phân giao của Bộ Y tế; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định; đặc biệt ưu tiên và lưu ý cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.

Tổ chức nhiều điểm tiêm; đưa các điểm tiêm đến gần người dân nhất có thể, như tại phường, xã, tổ dân phố, thôn, khu phố. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, phát huy năng lực tối đa của các điểm tiêm chủng. Ưu tiên tiêm tại chỗ, tiêm cuốn chiếu, tiêm dứt điểm cho từng khu vực theo đơn vị hành chính. Đến nay, tổng cộng TP đã triển khai tiêm được 2.673.612 mũi (gồm 2.376.659 mũi 1; 269.953 mũi 2), tương đương với gần 39% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng. Hà Nội sẽ rà soát các đối tượng ưu tiên, cân đối các loại vắc-xin, tránh tình trạng tiêm mũi 1 xong lại không còn vắc-xin để tiêm mũi 2 cho người dân. Đơn cử, với vắc-xin Pfizer hay Moderna, khi được Bộ Y tế phân bổ, Sở Y tế giữ lại số lượng vắc-xin tương ứng để tiêm mũi 2 cho người dân.

Để tăng tốc tiêm chủng, TP đã huy động toàn bộ lực lượng y tế công lập, tư nhân, các bộ, ngành trung ương, huy động cả hệ thống chính trị xã hội và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, TP lân cận với khoảng hơn 3.000 nhân lực. Đồng thời, Hà Nội mở thêm nhiều điểm tiêm chủng trên toàn TP với 300 dây chuyền tiêm chủng, xét nghiệm được thiết lập mới, nâng tổng số dây chuyền tiêm chủng của Hà Nội lên 1.500. TP tiếp tục triển khai tiêm vắc xin theo phân bổ của Bộ Y tế một cách nhanh nhất, sớm nhất và an toàn nhất cho người dân ở tất cả các địa phương theo hình thức cố định và lưu động.

Người dân không nên lựa chọn vắc xin

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), vắc xin Covid-19 chính là “chìa khóa” để đẩy lùi dịch bệnh ở Hà Nội hiện nay. Người tiêm vắc xin giúp hệ miễn dịch nhận biết và sẵn sàng chống lại vi rút nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Vắc xin phòng, chống dịch được nghiên cứu trong điều kiện khẩn cấp. Ông Trần Đắc Phu cho biết: Hiện nay, có những vắc xin hiệu quả được 90%, có được 60-70%; vắc xin Covid-19 không bảo đảm an toàn 100%, người tiêm rồi cũng có thể bị mắc bệnh nhưng sẽ làm giảm triệu chứng, giảm nguy cơ tử vong.

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, hiện nay, một số người dân còn có tâm lý lựa chọn vắc xin. Trong dư luận và tâm lý của người dân nói chung, vẫn còn hoang mang, nghi ngại thậm chí từ chối một số loại vắc xin, ví dụ như Vero Cell Sinopharm do Trung Quốc sản xuất. Ông Phu cho rằng điều đó là không nên bởi vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Đặc biệt, hiện nay, tất cả các vắc xin Covid-19 nhập về Việt Nam đều được nghiên cứu kỹ và thẩm định tính an toàn cho con người. “Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ. Kể cả sau khi đã được phê duyệt, các loại vắc xin trên đều phải liên tục bổ sung, cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của vắc xin trong quá trình sử dụng”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, trước kia người ta có tâm lý e ngại vắc xin AstraZeneca hay Sinopharm của Trung Quốc. Tuy nhiên, bây giờ người dân thấy 2 loại vắc xin này cũng tốt. Hiện nay loại vắc xin này được cấp phép và tiêm rất nhiều nước trên thế giới. Ví dụ, Trung Quốc cũng dùng vắc xin Sinopharm để tiêm cho người dân hay Campuchia cũng tiêm loại vắc xin này và đã khống chế được dịch. Tại Việt Nam, vắc xin Vero Cell của Sinopharm được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định theo đúng quy trình nghiêm ngặt và được cấp giấy chứng nhận trước khi đưa ra sử dụng tiêm cho người dân. Vắc xin Sinopharm đã được cấp số đăng ký lưu hành trong trường hợp khẩn cấp và có điều kiện do Bộ Y tế ban hành tại quyết định số 7929/QĐ-BYT ngày 8-7.

Vắc xin Vero Cell cũng đã được WHO phê duyệt nằm trong danh sách vắc xin sử dụng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cũng đã được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng trong tiêm chủng. PGS. TS Trần Đắc Phu đưa ra lời khuyên: Để góp phần nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, có sức đề kháng chống lại dịch bệnh, khi mà các nguồn cung vắc xin khác về Việt Nam chậm hơn dự kiến, thì việc tiêm vắc xin Sinopharm trong thời điểm này là kịp thời, và cần thiết. Dịch bệnh ngày càng đáng sợ. Vắc xin chính là giải pháp tối ưu để chống dịch. Nếu để chậm trễ, không tranh thủ lúc giãn cách này để tiêm vắc xin thì “thời gian vàng” sẽ qua nhanh. Vì vậy, Nhân dân Thủ đô có cơ hội hãy đi tiêm đừng chờ đợi.

Từ nay đến ngày 15-9, Hà Nội tập trung mọi nguồn lực của cả ngành y tế, huy động sự tham gia của cả hệ thống y tế trung ương, tư nhân, tận dụng thời gian "vàng" giãn cách để thần tốc xét nghiệm Covid-19 toàn TP một cách an toàn, hiệu quả và tổ chức tiêm vắc-xin mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trên cơ sở số vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ.
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động