Thứ sáu 29/03/2024 14:54

Triều Tiên trong tình thế "trên đe dưới búa"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nền kinh tế Triều Tiên vốn đang hết sức khó khăn do những biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào nước này vì chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, năm 2020 lại càng thêm khốn khó do đại dịch Covid-19. Theo giới phân tích, những khó khăn này sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong những tháng tới, khi mà Bình Nhưỡng đang ở vào tình thế “trên đe dưới búa”.

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã lập ra một trang web chuyên theo dõi tình hình thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Triều Tiên. Trang web đóng vai trò là trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin được gửi đến Chính phủ Mỹ về nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt liên quan đến Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Mỹ treo thưởng lên đến 5 triệu USD cho những thông tin giá trị. Động thái mới này của Mỹ là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy cái gọi là “tình bạn” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trở lại trạng thái thù địch từng chi phối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng kể từ khi Triều Tiên được thành lập vào cuối thập niên 1940.

Đối với ông Kim Jong-un, đây là thời gian hết sức khó khăn. Nỗi lo sợ về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 đã buộc Bình Nhưỡng phải áp dụng các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất thế giới. Triều Tiên đóng cửa biên giới, không cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Thương mại với Trung Quốc, huyết mạch kinh tế quan trọng của Triều Tiên, chỉ lưu thông một cách “nhỏ giọt”.

Theo Hải quan Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ xuất khẩu số lượng hàng hóa trị giá 253.000 USD sang Triều Tiên trong tháng 10-2020, giảm 99% so với một tháng trước đó. Bất cứ người dân nào ở khu vực biên giới không tuân thủ các biện pháp hạn chế nhập khẩu đều có thể bị trừng phạt nghiêm khắc, thậm chí là bị hành quyết.

trieu tien trong tinh the tren de duoi bua
Công tác kiểm soát phòng dịch Covid-19 ở Triều Tiên được tiến hành rất nghiêm ngặt. Ảnh tư liệu

Hệ thống y tế của Triều Tiên hoàn toàn không được chuẩn bị và thiếu các trang thiết bị cần thiết để đối phó với một đại dịch toàn quốc như Covid-19. Điều này giải thích tại sao chính quyền Kim Jong-un sẵn sàng hy sinh thương mại chính thức với đối tác lớn nhất của mình.

Nếu chỉ đơn thuần là cách ly đất nước trước dịch bệnh, thì hoạt động kinh doanh trở lại bình thường chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, không thể bỏ qua sự thật là các lệnh trừng phạt của Mỹ và HĐBA LHQ chính là một phần nguyên nhân giải thích tại sao hệ thống y tế Triều Tiên lại yếu kém đến vậy.

Với việc mọi mặt hàng nhân đạo đều được giám sát chặt chẽ như “soi dưới kính hiển vi”, không có gì lạ khi người Triều Tiên đang ở tình trạng “nước ngập đến cổ” mà chưa được cứu.

Trong báo cáo tháng 10-2020 gửi HĐBA, báo cáo viên của LHQ phụ trách vấn đề nhân quyền Triều Tiên đã bày tỏ những lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt. Nội dung chính của báo cáo cho rằng, các biện pháp trừng phạt đang trở thành rào cản, gây khó khăn cho nỗ lực vận chuyển thuốc men và các thiết bị y tế tới Bình Nhưỡng, đặc biệt để đối phó với đại dịch Covid-19 (chưa kể đến những vấn nạn đang phổ biến ở đất nước này như bệnh lao, suy dinh dưỡng và nạn đói).

Báo cáo có đoạn: “Việc tăng cường thực thi các biện pháp trừng phạt đã bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên, tác động tiêu cực đến quá trình thực thi các quyền và lợi ích kinh tế-xã hội của người dân”. Cũng theo báo cáo, giải pháp khả thi nhất để giải quyết những quan ngại trên là đánh giá lại các chế tài trừng phạt đang áp dụng đối với Triều Tiên, công nhận và xử lý nhanh chóng các trường hợp ngoại lệ vì lý do nhân đạo.

Ủy ban LHQ về trừng phạt Triều Tiên đã lưu tâm đến yêu cầu trên. Trên thực tế, ủy ban này không chỉ lắng nghe mà thực sự đã thực hiện những gì văn phòng báo cáo viên khuyến nghị. Phái đoàn của Mỹ tại LHQ đã đề xuất những thay đổi về mặt quy tắc đối với các thủ tục hiện hành nhằm đẩy nhanh quá trình xem xét hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt để xử lý các vấn đề liên quan đến đại dịch và thiên tai.

Điều gần như chưa từng xảy ra đối với bộ máy hành chính của LHQ là Ủy ban trừng phạt đã nhanh chóng hành động theo yêu cầu này. Theo quy trình mới nhất, Ủy ban trừng phạt Triều Tiên sẽ xử lý các yêu cầu nhân đạo liên quan đến đại dịch "khẩn trương nhất có thể”. Các tổ chức được ủy ban này ủy quyền từ nay sẽ có 9 tháng để hoạt động trong lãnh thổ Triều Tiên thay vì chỉ 6 tháng như trước đây.

Với nỗ lực tìm kiếm mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để nối lại liên lạc với Triều Tiên, Hàn Quốc mong muốn các quy tắc sẽ được điều chỉnh mạnh mẽ hơn nữa. Bộ Thống nhất Hàn Quốc đang đề xuất loại bỏ xem xét từng trường hợp yêu cầu nhân đạo cụ thể và thay thế bằng một hệ thống hạn ngạch, theo đó các mặt hàng viện trợ đã được phê duyệt có thể được chuyển đến Triều Tiên theo một số lượng hạn chế nhất định.

Tuy nhiên, ý tưởng của Seoul có được Ủy ban trừng phạt chấp nhận hay không lại phụ thuộc vào quyết định của Washington.

Thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng có quy mô lớn nhất trong một thế kỷ qua và Triều Tiên cũng không phải ngoại lệ. Trên toàn cầu, đã có hơn 72 triệu ca nhiễm và hơn 1,61 triệu người tử vong do dịch bệnh này.

Các nước nghèo với hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao hơn. Bất kể quốc gia hay chính phủ nào, dù có “kỳ lạ” và yếu kém đến đâu cũng đều cần có các phương tiện y tế cần thiết để bảo vệ người dân trước các mối đe dọa y tế toàn cầu.

Hồng Phúc
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động