Thứ bảy 20/04/2024 11:02
Phim cấm phổ biến tại Việt Nam vẫn tham dự Liên hoan phim quốc tế:

Tỏa sáng quốc tế không thể “vỗ ngực” khi vi phạm Luật Điện ảnh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện nay, vấn đề kiểm duyệt phim là chủ đề “nóng” trên diễn đàn nghệ thuật thứ bảy, nhất là khi thông tin phim “Vị” nhận quyết định về việc cấm phát hành tại Việt Nam.

Giữa thời điểm Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang tiếp thu ý kiến để trình Quốc hội thì giới làm phim đã đồng loạt đề xuất cấp visa “luồng xanh” cho dòng phim độc lập thông qua 2 cuộc tọa đàm “Ai góp ý giơ tay lên” với sự tham gia tên tuổi đạo diễn trẻ thuộc dòng phim độc lập như Nguyễn Hoàng Điệp, Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hữu Tuấn, Trần Thanh Duy,…

Nếu “Ai góp ý giơ tay lên” phần 1 (diễn ra ngày 26-9) xoay quanh kiểm duyệt và nêu đầy đủ nhất, khái quát nhất kiến nghị chung mà các nhà làm phim muốn gửi tới ban soạn thảo Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) thì “Ai góp ý giơ tay lên” phần 2 (diễn ra ngày 2-10) lại chọn trục chính là những kiến nghị về phim dự thi Liên hoan phim quốc tế - Quỹ điện ảnh - Hợp tác quốc tế.

Hai cuộc tọa đàm được lên sóng trên một số nền tảng trực tuyến mạng xã hội đã thu hút số lượng người truy cập lớn. Trên cơ sở những ý kiến của người làm phim tham gia toạ đàm trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên”, đạo diễn Phan Đăng Di đã tổng hợp thành bản kiến nghị của giới làm phim, trong đó có nội dung cấp visa “luồng xanh” cho phim độc lập, dự kiến gửi đến Quốc hội, các cơ quan chức năng để góp ý vào Luật Điện ảnh sửa đổi.

Hiệu ứng từ buổi tọa đàm trực tuyến đã nảy sinh nhiều tranh luận trái chiều về những bất cập trong quy định kiểm duyệt có là rào cản cho phim độc lập.

Gây chú ý trong tọa đàm “Ai góp ý giơ tay lên” phần 1, nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo của phim “Vị” lên tiếng tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu, đồng thời tiết lộ đạo diễn Lê Bảo cũng từ chối quyền tác giả trên phim.

Lý do phim “Vị” bị cấm phổ biến vì vi phạm Luật Điện ảnh năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh năm 2009. Phim thời lượng 97 phút nhưng có trường đoạn khỏa thân kéo dài 30 phút trên phim, quay trực diện, không phù hợp với văn hóa người Việt Nam.

Theo nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo, đến nay bộ phim “Vị” đã gắn mác là phim của người đồng đạo diễn Singapore, bởi phim “Vị” là phim hợp tác của các nước Việt Nam, Singapore, Pháp, Đức. Bối cảnh quay chính tại TP.HCM (Việt Nam).

Trước vụ việc nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo và đạo diễn Lê Bảo từ bỏ quyền sở hữu tác phẩm, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh lên tiếng cho rằng, đây là một tiền lệ chưa từng có tại Việt Nam.

Sau khi nhận được thông tin, Cục Điện ảnh và Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã đề nghị Cty Lê Biên có báo cáo giải trình và các văn bản đã ký kết thỏa thuận, từ quá trình sản xuất phim đến việc xin rút quyền sở hữu đối với phim.

Nếu phim “Vị” là phim hợp tác sản xuất với nước ngoài thì bộ phim vi phạm Luật Điện ảnh năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh năm 2009 bởi ngay từ đầu không trình kịch bản để thẩm định.

Vào tháng 3-2021, phim “Vị” nhận giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Berlin (Đức) lần thứ 71 nhưng đến tháng 5-2021, Cục Điện ảnh đã ra quyết định xử phạt hành chính Cty Le Bien Pictures (Cty Lê Biên) 35 triệu đồng vì gửi bộ phim “Vị” dự thi quốc tế khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định, phim hợp tác nước ngoài phải qua khâu thẩm định kịch bản nhưng những người làm phim “Vị” không tuân thủ và cũng không có giấy phép phát hành trước khi gửi dự thi liên hoan phim quốc tế như quy định.

Tỏa sáng quốc tế không thể “vỗ ngực” khi vi phạm Luật Điện ảnh
Nhà sản xuất phim "Vị" từng nhận án phạt 35 triệu đồng vì gửi phim dự thi quốc tế khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và hiện tại phim bị cấm phổ biến tại Việt Nam.

Cty Lê Biên đã vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 điều 5 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 28/2017/NĐ-CP.

Cập nhật thông tin mới nhất, phim “Vị” vừa thắng Giải thưởng lớn ở hạng mục Cuộc thi tài năng mới quốc tế của LHP Đài Bắc 2021 vào ngày 28-9-2021 với giải thưởng 500 triệu đồng.

Đằng sau quyết định cấm phổ biến phim tại Việt Nam, bộ phim “Vị” hiện vẫn được lựa chọn trình chiếu trong hạng mục “Cửa sổ phim châu Á “(A window on Asia cinema) tại LHP quốc tế Busan lần thứ 26 năm 2021 diễn ra từ ngày (6 đến 15-10). Phần giới thiệu phim “Vị” đã không còn ghi tên Việt Nam trên dòng giới thiệu quốc gia sản xuất, mà chỉ có Singapore, Pháp, Đức.

Tại LHP phim quốc tế Busan lần thứ 26, tác phẩm Memoryland (Miền ký ức) của đạo diễn Bùi Kim Quy được tham dự tranh giải thưởng chính hạng mục New Currents (tạm dịch: Xu hướng mới).

Trước thông tin phim "Vị" hiện vẫn được lựa chọn trình chiếu tại LHP quốc tế Busan lần thứ 26 năm 2021, Cục Điện ảnh đã gửi công văn cho Cty Lê Biên yêu cầu "dừng ngay việc phổ biến bộ phim “Vị” tại LHP quốc tế Busan lần thứ 26”.

Theo đó, bà Đồng Thị Phương Thảo, đại diện Cty Lê Biên đã gửi email ngay cho đại diện Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 26 yêu cầu Liên hoan phim Busan ủng hộ bà và đạo diễn Lê Bảo bằng cách xem xét rút phim “Vị” khỏi danh sách chiếu vì phim bị cấm chiếu ở Việt Nam nhưng không được giám tuyển của LHP Busan lần thứ 26 chấp thuận.

Cũng theo thông tin từ Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Cao Thái, phim "Vị" do có nhiều tài liệu phát sinh bởi đây là bộ phim hợp tác nước ngoài nên Thanh tra Bộ đang tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng tiếp tục xem xét, xử lý.

Xung quanh ồn ào về quyết định cấm phổ biến “phim Vị” tại Việt Nam trong khi bộ phim gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành lên tiếng khẳng định rằng: “Khi thẩm định phim “Vị”, Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện chỉ có một thành viên duy nhất đề nghị xem xét phổ biến phim này ở phạm vi hẹp, phục vụ các nhà chuyên môn, còn lại đều nhất trí không phổ biến. Sau đó, Cục tổ chức chiếu phim, mời các chuyên gia tư vấn ngoài Hội đồng đến xem và cho ý kiến. 100% Hội đồng tư vấn nhất trí không phổ biến “Vị” ở Việt Nam. Khi đó, Cục Điện ảnh mới ra quyết định không cho phổ biến”.

Trước đó, Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia và nhà sản xuất đã có cuộc trao đổi về việc cắt bỏ những chi tiết “nhạy cảm” trên phim, tuy nhiên với thời lượng 97 phút trên phim thì trường đoạn nude kéo dài 30 phút, nhiều cảnh quay trực diện, nếu cắt hay lược bớt cảnh nude nội dung phim sẽ không còn ý nghĩa truyền tải”.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động