Thứ sáu 26/04/2024 03:16

Tính rủi ro và sức chịu đựng của thị trường chứng khoán ở mức trung bình khá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhằm làm rõ tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ đối với quốc gia và DN, tiếp tục đề xuất để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính - kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các tổ chức tài chính, DN, vừa qua, báo An ninh thủ đô phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ” tại Hà Nội.

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an ninh tài chính, hệ thống tài chính xuất hiện nhiều rủi ro lớn; một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô phục hồi, tuy nhiên rủi ro tiềm ẩn đến an ninh tài chính vẫn còn, đặc biệt là nợ công, nợ nước ngoài. Theo dự báo tháng 10 và 12-2020 của IMF và WB, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức âm (-4 đến -4,4%), tuy mức giảm ít hơn dự báo tháng 6-2020 (-5,2%), song vẫn là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1930.

Một cách tổng quát nhất, khủng hoảng tài chính được hiểu là “trạng thái sụt giảm mạnh trong ngắn hạn về giá trị các tài sản tài chính, sự mất khả năng thanh toán, luân chuyển vốn của các tổ chức tài chính và sự đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống tài chính”.

tinh rui ro va suc chiu dung cua thi truong chung khoan o muc trung binh kha
Tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực đánh giá thị trường tài chính Việt Nam ở mức độ rủi ro và sức chịu đựng trung bình khá. Ảnh: X.Thanh

Đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ được hiểu là việc duy trì sự ổn định và lành mạnh tài chính trong quá trình vận hành của thị trường và hoạt động của các định chế tài chính, trên cơ sở đó, giảm thiểu và hạn chế được rủi ro trên thị trường và hệ thống tài chính.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, theo đánh giá của WB, IMF, nếu như khủng hoảng y tế và kinh tế năm 2020 được đánh giá “cú sốc bất lợi nhất trong hơn 1 thế kỷ” thì nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu cũng được đánh giá là “khác biệt nhất so với các cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử, mức độ không chắc chắn cao nhất, phạm vi rộng và khả năng kéo dài”.

Đánh giá khả năng chống chịu của Việt Nam, TS Cấn Văn Lực phân tích, khác với giai đoạn 2008-2009 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm trầm trọng hơn các bất ổn kinh tế-tài chính nội tại của Việt Nam, giai đoạn hiện nay, với quy mô thị trường tài chính Việt Nam (gồm cả 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) tương đương 366,3% GDP (tính đến 30-11-2020 trên nền GDP 9 tháng năm 2020), tác động của các nguy cơ, rủi ro tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là không nhỏ trong khi các rủi ro không loại trừ lẫn nhau mà có thể cùng tác động vào nhiều lĩnh vực và có tính lan truyền.

Tuy nhiên, khả năng ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực từ nguy cơ bất ổn tài chính được khẳng định bởi nền tảng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính khá vững chắc và ổn định trong 5 năm qua. Cùng với đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế, tăng niềm tin của người dân, DN và cộng đồng quốc tế với khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế dương và ở mức cao nhất thế giới và khu vực năm 2020, sức mạnh tài chính khá tốt và vị thế quốc tế không ngừng được tăng lên; là một trong số ít quốc gia giữ vững xếp hạng tín nhiệm ở mức ổn định. “Dựa theo tiêu chí nêu trên, chúng tôi đánh giá thị trường tài chính Việt Nam ở mức độ rủi ro và sức chịu đựng trung bình khá”- TS Cấn Văn Lực cho biết.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Đại Lai, nguy cơ khủng hoảng tài chính không loại trừ bất cứ quốc gia, tổ chức nào. Rủi ro khủng hoảng tài chính thường bắt nguồn và có liên quan trực tiếp đến rủi ro tín dụng, đặc biệt là rủi ro từ các hoạt động tín dụng bất động sản và chứng khoán hóa tài sản có của các Ngân hàng thương mại. Vì vậy, các Ngân hàng thương mại Việt Nam cần tuân thủ đúng và đầy đủ các bước trong quy trình cho vay, không ngừng đào tạo và nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực cũng như khả năng thẩm định, đánh giá của các nhân viên tín dụng. Bảo đảm sự chặt chẽ và chính xác ngay từ khâu đầu tiên của quá trình cho vay và suốt quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng là phương pháp phòng chống rủi ro hiệu quả nhất.

Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động