Thứ sáu 29/03/2024 09:17

Tình huống pháp lý vụ tài xế mắc bệnh tâm thần gây tai nạn chết người

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong trường hợp người lái xe mắc bệnh tâm thần đến mức không còn khả năng nhận thức, không có khả năng điều khiển hành vi nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn giao thông hậu quả rất nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ ai giao phương tiện cho người này điều khiển.
Chiếc xe đầu kéo do tài xế Nguyễn Văn Thâu điều khiển gây ra vụ tai nạn liên hoàn
Chiếc xe đầu kéo do tài xế Nguyễn Văn Thâu điều khiển gây ra vụ tai nạn liên hoàn

Những vấn đề pháp lý

Mới đây, tại Bình Định đã xảy ra vụ việc tài xế xe đầu kéo gây tại nạn liên hoàn làm 2 người chết và 17 người bị thương. Được biết, tài xế xe đầu kéo tên Nguyễn Văn Thâu, SN 1985, trú tại xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định có hồ sơ bệnh án tâm thần từ năm 2006 và nhận thuốc điều trị hàng tháng từ đó đến nay. Tuy nhiên, các cơ sở khám sức khỏe cho tài xế này thi nâng hạng và cấp đổi giấy phép lái xe lại hoàn toàn không hay biết.

Cụ thể, tiếp cận hồ sơ bệnh án của tài xế Nguyễn Văn Thâu được lập năm 2006 do Trạm Y tế xã Nhơn Phúc cung cấp cho thấy, Thâu bị mắc các triệu chứng, hội chứng tâm thần: rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy, rối loạn hành vi, rối loạn giấc ngủ; theo chẩn đoán xác định người tài xế này bị: Tâm thần phân liệt thể không biệt định, mã bệnh là: F20.3.

Tuy nhiên, qua hai lần đi khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe vào năm 2017 và đổi giấy phép lái xe vào năm 2021, các cơ sở khám bệnh cho Nguyễn Văn Thâu đều xác nhận: Thâu đảm bảo sức khỏe để lái xe ô tô hạng FC (điều khiển ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc) và E (điều khiển ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi).

Liên quan đến vụ việc trên, thông tin báo chí cho biết, một lãnh đạo BVĐK Hòa Bình (nơi cấp Giấy khám sức khỏe để đổi giấy phép lái xe cho tài xế Nguyễn Văn Thâu) đã khẳng định thời điểm kiểm tra sức khỏe để đổi giấy phép lái xe, Nguyễn Văn Thâu hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu gì về bệnh tâm thần.

Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong trường hợp lái xe mắc bệnh tâm thần thật mà bên cấp Giấy khám sức khỏe và đơn vị tổ chức sát hạch vẫn cấp Giấy phép lái xe cho tài xế này sẽ phải liên đới trách nhiệm vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã để sai sót không phát hiện ra tài xế này bị bệnh tâm thần phân liệt, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ và yêu cầu chuyên môn dẫn tới không phát hiện ra tình trạng bệnh tâm thần của tài xế Thâu.

Trường hợp tại thời điểm cấp giấy phép lái xe người này mắc bệnh tâm thần thì giấy phép lái xe này là cấp sai quy định, không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông, theo đó sẽ bị thu hồi, hủy bỏ giấy phép lái xe đồng thời xem xét trách nhiệm của đơn vị cấp giấy phép.

“Theo tôi hiện nay việc khám sức khỏe thời gian khám khá ngắn, nội dung khám không sâu (nhất là khám về thần kinh và tâm thần cần có thời gian dài để kết luận) thì khó có thể phát hiện ra được những dấu hiệu bệnh hoặc bệnh đòi hỏi phải thời gian để thăm khám, ngoài ra khi tổ chức sát hạch cần minh bạch để tránh tiêu cực trong việc tổ chức thi lý thuyết, thực hành (vì một người tâm thần phân liệt có vấn đề về nhận thức không lành lặn như người bình thường thì sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các phần thi này nếu ở giai đoạn kiểm tra sức khỏe chưa phát hiện ra)”, luật sư Nguyên nói.

Có hành vi thiếu trách nhiệm?

Ngoài ra, luật sư Nguyên cũng cho biết, nếu qua điều tra cho thấy trường hợp tài xế Thâu chỉ mua giấy khám sức khỏe mà không tiến hành khám bệnh thực tế, hoặc việc cấp giấy phép lái xe cho tài xế thâu có tiêu cực về mặt quy trình thì ngoài bị xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, những cán bộ này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 BLHS năm 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Đối với đơn vị khám sức khỏe và cấp giấy phép nếu như có hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự đối với tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 BLHS năm 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với trường hợp người tài xế lái xe mắc bệnh tâm thần và gây tai nạn chết người, luật sư Nguyên cho biết, CQĐT sẽ làm rõ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của tài xế này. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tài xế có biểu hiện tâm thần, không tỉnh táo minh mẫn sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để xác định khả năng nhận thức, điều khiển hành vi tại thời điểm gây tai nạn giao thông.

Trong trường hợp người lái xe này đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, với hậu quả làm chết 2 người và bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, tài xế có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 3 - 10 năm tù về tội “Vi pham quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015.

Trường hợp người này mắc bệnh tâm thần đến mức không còn khả năng nhận thức, không có khả năng điều khiển hành vi nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn giao thông hậu quả rất nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ ai giao phương tiện cho người này điều khiển. Việc khám chữa điều trị bệnh tâm thần của người này được thực hiện như thế nào để xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động