Thứ năm 28/03/2024 17:47
Nghệ An:

Thích ứng linh hoạt, đảm bảo an toàn học sinh trở lại trường học

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
So với các tỉnh, thành trong cả nước, tại thời điểm hiện nay tỉnh Nghệ An được xem là tỉnh có mức độ dịch Covid-19 khá phức tạp. Số liệu thống kê cho thấy mỗi ngày tỉnh này ghi nhận trên 2 nghìn ca nhiễm mới.
Nghệ An: Chủ động, linh hoạt và thích ứng an toàn việc học sinh tới trường
Học sinh tại một trường ở Nghệ An được tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để tầm soát sàng lọc khi có ca nhiễm trong lớp.

Thích ứng an toàn, linh hoạt!

Theo số liệu mới cập nhập tại Nghệ An, tính từ ngày 1-2 đến 20-2 toàn tỉnh ghi nhận 12.610 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc diện F0. Trong đó, Mầm non: 1.385, Tiểu học: 4.845, THCS: 3.141, THPT: 3.211 và GDTX: 28 ca nhiễm Covid-19.

Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18-2 đến 20-2 toàn tỉnh ghi nhận tới gần 4,5 nghìn ca nhiễm Covid-19, trong đó số giáo viên là hơn 600 người, còn số học sinh là hơn 3,8 nghìn em. Con số ca mắc mới chỉ trong 3 ngày như đã thống kê cho thấy mức độ, nguy cơ cao việc lây nhiễm Covid-19 tại các trường học. Đây là thời điểm sau Tết Nguyên đán, cũng là lúc lượng ca mắc mới tại tỉnh Nghệ An tăng đột biến, nhiều địa phương chuyển mức độ dịch cấp 4, điển hình như Quỳnh Lưu, Yên Thành, TP Vinh... trung bình mỗi ngày trên 2 nghìn ca nhiễm mới.

Điểu đáng mừng, trong ngày 21-2, nghĩa là sau hơn một tuần số ca mắc Covid -19 tại tỉnh này liên tục tăng, tăng số lượng cấp độ dịch mức cao nhất tại nhiều địa bàn thì một số địa phương từng rất nóng như TP Vinh đã bắt đầu chuyển từ cấp độ 4 sang cấp độ 3.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Nghệ An đã có rất nhiều điều chỉnh, chỉ đạo hết sức linh hoạt, đáp ứng nội dung thích ứng, an toàn trong vấn đề mở cửa trường học. Đáng lưu ý như việc tăng cường công tác tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi, theo số liệu, tới nay tỉnh này đã có tới 99,5% học sinh cấp THPT tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, có tới 99,2% học sinh THCS tiêm đủ 2 mũi và 98% giáo viên tiêm thêm cả mũi 3, mũi tiêm tăng cường ngừa Covid-19.

Đối với công tác tiêm chủng cho học sinh từ 5 đến 12 tuổi, hiện nay đã lên kế hoạch cụ thể, lập danh sách và chỉ chờ phân thuốc cũng như thực hiện kế hoạch tiêm cho các em học sinh sớm nhất có thể, kịp thời và hiệu quả. Do được tiêm chủng đầy đủ, các em học sinh đến trường học phần nào sẽ an toàn, phụ huynh an tâm, các em khi nhiễm Covid-19 mức độ ảnh hưởng ít hơn và nhanh khỏi bệnh.

Trước việc dịch diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo giao trách nhiệm với các địa phương, chủ động linh hoạt việc học trực tiếp và học trực tuyến. Trong điều kiện an toàn, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, lên các phương án chủ động ứng phó trường, lớp có học sinh nhiễm Covid-19, chủ động phân lớp, tăng cường các hoạt động phòng chống dịch tại trường học, tuân thủ 5k, hạn chế các hoạt động ngoài trời trong trường học... một số lớp có ca nhiễm thì vẫn xác định rõ các F và có kế hoạch cho nghỉ học tùy theo mức độ, chuyển sang dạy học trực tuyến, khi đủ ngày cách ly theo quy định tiếp tục cho học sinh tới trường học trực tiếp...

“Việc linh hoạt, thích ứng an toàn đã được sở, ngành có những đánh giá nhận định và định hướng sớm khi dịch bùng phát tại địa phương, luôn quan tâm sự an toàn, sức khỏe cho học sinh nhưng hết sức chủ động, linh hoạt trong việc dạy và học, đi sâu sát từng địa phương, kịp thời hỗ trợ các em bị nhiễm Covid-19, tăng cường động viên, khuyến khích học sinh việc tự tin, bình tĩnh ứng phó với dịch, nâng cao hiệu quả việc học cả trực tiếp lẫn trực tuyến.

Thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, khoa học hơn nữa việc phân luồng học sinh trước khi đến lớp và sau khi ra về, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc quản lý các em trong thời gian từ nhà đến trường và từ trường về nhà, không để các em tập trung tại các nơi công cộng, thực hiện nghiêm nguyên tắc “Một cung đường hai điểm đến. Cử cán bộ y tế hoặc giáo viên kiêm nhiệm làm đầu mối phối hợp chặt chẽ với chính quyền, y tế địa phương trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là việc xử lý những trường hợp nghi nhiễm xảy ra trong trường học. Tính đến ngày 16-2-2022, toàn tỉnh có số trường đi học trực tiếp là 1.302 trường, tỷ lệ 83,4%” – ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin.

Quyết tâm mở cửa trường học an toàn

Trước đó, sáng 17-2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình mở cửa trường học tại các địa phương. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Ủy ban Xã hội của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ. Tại điểm cầu 63 tỉnh/thành phố có sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố; lãnh đạo Sở GD&ĐT; Sở Y tế và các đơn vị liên quan của địa phương.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: Chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia… ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Tuy nhiên, việc triển khai đưa học sinh quay trở lại trường học tập trực tiếp đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn. Trong đó, ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong học sinh, giáo viên ở một số địa phương tổ chức dạy học trực tiếp tăng mạnh. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Một số phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt đối với cấp học mầm non và tiểu học (trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp).

Thích ứng linh hoạt, đảm bảo an toàn học sinh trở lại trường học

Việc quyết tâm mở cửa trường học, đưa học sinh tới trường học trực tuyến là đúng đắn, linh hoạt, thích ứng trước dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới. (Ảnh họp trực tuyến đầu cầu tại Nghệ An)

Quy trình xử lý tại các cơ sở giáo dục khi phát hiện các trường hợp học sinh F0; F1 tại gia đình hoặc trường học chưa thống nhất, còn lúng túng. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.

Khi tổ chức đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại, có địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệp Covid-19, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết. Nhiều địa phương chưa tổ chức dạy học bán trú cho học sinh nên gây bức xúc, khó khăn cho phụ huynh và xã hội trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con.

Bên cạnh đó, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo và vệ sinh khử khuẩn còn thiếu....

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh quan điểm: Việc đi học của trẻ là rất quan trọng, không phải chỉ khi có dịch mà cả khi không có dịch. Trẻ ở nhà trong thời gian dài có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường, không chỉ về văn hóa, kiến thức, mà tác động lâu dài đến sự phát triển của trẻ. Không những thế, việc này còn ảnh hưởng đến nhân lực lao động (ông bà, cha mẹ chăm nuôi), từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xác định phòng chống dịch bệnh Covid-19 là lâu dài, Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần phải khôi phục lại các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, với phương châm thích nghi an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc nhưng không phải cứng nhắc.

Với trường học cần rất chi tiết, phải liên tục cập nhật, tập huấn, hướng dẫn, truyền thông một cách xuyên suốt và phải làm rất nghiêm túc. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế cần sớm có văn bản về việc xét nghiệm trong trong trường học, việc này có bắt buộc không, xét nghiệm trong trường hợp nào, tần suất bao nhiêu. Với trẻ em bị bệnh nền, có vấn đề sức khỏe thì cụ thể thế nào - cần rất chi tiết, không chung chung. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải làm thật tốt công tác truyền thông để liên tục, tạo đồng thuận trong xã hội, trong Nhân dân.

Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động