e magazine
23:47 | 29/10/2020
Thành tựu đầu từ nông nghiệp nông thôn mới

23:47 | 29/10/2020

Với nhiều cách làm và mô hình hay, Lai Châu đang có những tín hiệu vui từ nông nghiệp nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi

Với nhiều cách làm và mô hình hay, Lai Châu đang có những tín hiệu vui từ nông nghiệp nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Những cây trồng mới như Mắc ca, địa lan, phong lan, chè... dần dần trở thành cây xoá nghèo cho người dân, góp phần đáng kể trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn mới tại Lai Châu.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo được chuyển biến về diện mạo cho nhiều địa phương tại tỉnh Lai Châu. Dễ thấy nhất khi đến với Lai Châu là sự đa dạng, phong phú về cơ cấu vật nuôi cây trồng tạo nên những sinh kế khác nhau cho bà con. Bên cạnh với những cây truyền thống như lúa, ngô, khoai, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân đang dần thay đổi nhận thức về nông nghiệp.

Những cây trồng mới xuất hiện nhanh chóng được chấp nhận và nhân rộng ra trên địa bàn rộng lớn, tạo nên nguồn thu nhập mới, ổn định, bền vững cho người dân nơi đây. Tại Lai Châu, từng vùng nông nghiệp đang được đầu tư và quy hoạch một cách có bài bản dựa trên những đặc điểm về thổ nhưỡng, nguồn nước và cả thế mạnh tự nhiên tại chỗ như: Địa Lan, Phong Lan tại Sin Suối Hồ, Cây Mắc Ca tại Phong Thổ và chè ở Tam Đường... Bộ mặt nông thôn mới tại Lai Châu đang từng bước được đổi thay rõ nét.

thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi
(Anh Chang A Chinh, 33 tuổi, bản Sin Suối Hồ, Lai Châu, thăm vườn địa lan hàng trăm gốc của mình)
thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi
thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi

Nếu có hỏi bất kì một ai rằng "điều gì ấn tượng đầu tiên khi đến với Sin Suối Hồ?" thì có lẽ sẽ rất nhiều người trả lời ngay rằng đó là những chậu địa lan được trang trí ngay từ đầu bản. Địa lan được xếp dọc hai bên lối đi vào nhà như một loại cây trang trí, được trồng thành vườn, được để trong nhà… Không chỉ để làm đẹp cảnh quan, địa lan và phong lan còn là loại cây cảnh có "tên tuổi" của bản người Mông này, tạo ra thu nhập rất lớn cho người dân, nhiều người đã xoá nghèo thậm chí làm giàu từ loài hoa này.

Theo trưởng bản Vàng A Chỉnh, đến nay 100% số hộ trong bản đã trồng địa lan, nhà ít thì vài chục chậu, nhà nhiều nhất sở hữu cả vườn địa lan tới 800 chậu. Địa lan vừa để trang trí làm đẹp nhà, đẹp bản, vừa để làm kinh tế vì theo giá thị trường hoa tết, một chậu địa lan cho giá thấp nhất cũng 2 triệu đồng, chậu to, hoa đẹp có thể lên tới cả chục triệu đồng vào dịp tết.

Anh Chang A Xà (25 tuổi, bản Sin Suối Hồ) bắt đầu tập trồng địa lan khoảng 2 năm nay, hiện gia đình anh mới chỉ có vài chục gốc nhưng đã bắt đầu mang lại giá trị kinh tế tốt. "Trước đây, gia đình tôi chỉ làm nương rẫy, mỗi năm thu nhập chỉ khoảng 20 triệu đồng, lo chạy ăn từng bữa. Đến nay, từ việc trồng địa lan, gia đình bắt đầu có thêm nguồn thu nhập mới khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Cuộc sống bắt đầu no đủ hơn, con cái được đi học đầy đủ" - Chang A Xà cho biết thêm.

Hiện nay, hoa địa lan ở Sin Suối Hồ có 4 màu: vàng, xanh, đỏ, tím, trong đó du khách chuộng nhất là màu đỏ và màu tím. Một cành hoa địa lan to đẹp giá bán tại bản đã là 200.000 đồng. Một chậu địa lan giá trị là có nhiều cành hoa to, dài, nụ to, màu đậm, được uốn thành cách hình khác nhau tùy theo sở thích của mỗi khách hay thẩm mỹ chủ vườn. Thời điểm này, hầu hết các chậu hoa đã có khách đặt, chỉ chờ đến tết là đánh xe oto tới lấy. Khí hậu mát mẻ quanh năm ở Sin Suối Hồ là điều kiện tốt nhất để địa lan sinh sôi, phát triển. Người trồng địa lan khoảng 3 năm sẽ cho thu hoạch, người dân tại đây đã trồng gối vụ hàng năm để năm nào cũng có hoa xuất đi. Do chất lượng hoa đẹp, sức sống khoẻ nên địa Lan tại Sin Suối Hồ rất được ưa chuộng, hoa tại đây chủ yếu xuất về các vùng như Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh phía Bắc.

Mặc dù không qua đào tạo trường lớp hay nghề nông, anh Chang A Chinh (33 tuổi, bản Sin Suối Hồ) vẫn sở hữu cho mình một vườn địa lan hơn 300 gốc. Theo lời anh Chinh kể, ban đầu gia đình cũng chỉ tập trồng thử, bắt đầu với vài chục gốc để gây dựng nên một vườn lan rộng lớn như ngày hôm nay. "Trước đây, mình thấy người ta đi chơi mua nó vì đẹp, mình thấy nó ở trên rừng nên cũng lấy về trồng thử. Năm đầu tiên, nhà mình có vài chục chậu nhưng cho thu nhập ở mùa đầu tiên khoảng 60 triệu đồng. Thu nhập cứ thế tăng theo hàng năm và giờ đây mình có thu nhập 200-300 triệu đồng/ năm từ việc trồng địa lan" - anh Chang A Chinh kể.

Chăm sóc địa Lan cũng không cần quá nhiều thời gian và công sức, mỗi năm chỉ cần 1-2 lần phân bón, nhặt lá bẩn và bảo vệ, che chắn khi mưa lớn. Thậm chí, nhiều nhà vừa trồng Lan vừa làm nương rẫy song song, cứ 2 tuần mới lại lên vườn Địa Lan để làm cỏ và làm vệ sinh. Vốn là loài cây mọc trên rừng, lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Sin Suối Hồ, địa Lan tại đây phát triển mạnh và dần trở thành loài cây chủ lực giúp bà con xoá nghèo bên cạnh cây thảo quả.

thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi
(Trưởng bản Vàng A Chỉnh - người khai phá trồng lan tại bản Sinh Suối Hồ)
thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi
Cây địa lan được mang về trồng tại Sin Suối Hồ từ năm 2011 một cách tình cờ. Ngoài địa lan, phong lan cũng là loài cây hoa cảnh cho giá trị kinh tế cao, được người dân Sin Suối Hồ trồng quanh nhà.

Người đầu tiên "khai phá" và đưa địa lan trở thành cây "xoá nghèo" cho người dân trong bản Sin Suối Hồ là trưởng bản Vàng A Chỉnh. Cơ duyên đưa anh đến với cây địa lan cũng rất tình cờ. “Thật ra, trước đây nhà nào trong bản mà giàu có hơn thì là dựa vào cây thảo quả, còn cây địa lan chỉ mới xuất hiện tại đây và trở thành cây kinh tế khoảng gần 10 năm trở lại đây. Năm 2009, khi ấy mình còn hay đi làm rừng, đi nương rẫy, thấy một loại cây cho hoa rất đẹp. Mình liền lấy về nhà trồng thử ở trước cửa 2 chậu, thấy cây cũng dễ sống. Giáp tết 2011, cả 2 chậu hoa của mình đều có nhiều nụ rất đẹp, có mấy người dưới thị xã Lai Châu lên chơi, họ nhìn chậu hoa của mình thích quá rồi trả giá luôn 3 triệu đồng/chậu. Phấn khởi quá nên mình bán luôn" - anh Vàng A Chỉnh chia sẻ.

Sau khi bán đi 2 chậu hoa địa lan với giá khá cao, người Trưởng bản cứ canh cánh trong lòng, chỉ là một loại hoa rừng mà nó mang lại giá trị cao như thế thì sao không vận động bà con cùng phát triển. Nói là làm, anh Chỉnh đã kể lại chuyện 2 chậu địa lan của mình mang lại giá trị như thế nào, rồi hướng dẫn bà con tìm địa lan mang về nhà trồng. Năm 2011 có 20 hộ đã tham gia cùng anh Chỉnh lên rừng lấy địa lan về trồng tại nhà. Sau 2 năm thì lứa lan bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi hộ thu gần 100 triệu đồng. Thấy lợi nhuận từ địa lan rất cao nên các hộ trong bản đã cùng nhau làm và ngày càng mở rộng. "Hiện nay, 100% hộ dân trong bản đều đã trồng địa lan, người ít thì vài chục chậu, người nhiều thì hàng trăm chậu. Năm 2019, thu nhập từ địa lan cả bản là 1 tỷ đồng" - trưởng bản Sin Suối Hồ kể.

Theo anh Vàng A Chỉnh, địa lan Sin Suối Hồ được khách từ Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Giang, Điện Biên ưa chuộng vì màu sắc đẹp và độ bền lâu. Hiện nay giống hoa tím thuộc hàng hiếm nên người dân trong bản bảo nhau cùng bảo tồn, giữ giống. Những hộ có loại hoa tím sẽ chia sẻ giống cho những hộ khác để phát triển dần loại địa lan tím này. Hiện nay, cơ bản mỗi hộ đã có khoảng hơn chục chậu và đang tiếp tục nhân giống nhiều hơn.

"Hoa địa lan 1 cành có giá trung bình khoảng 200.000 đồng. Chậu nào nhỏ thì 2 triệu, chậu to đẹp thì chục triệu đồng cũng có. Từ cây địa lan, người Sin Suối Hồ đã từng bước cải thiện cuộc sống và thoát nghèo được cũng vì nhờ có địa lan. Không chỉ xoá nghèo, nhiều người còn làm giàu được từ địa lan. Ở bản có anh Vàng A Dơ đang là người trồng địa lan nhiều nhất với gần 900 chậu, vừa rồi anh Dơ đã mua được oto" - Trưởng bản Vàng A Chỉnh chia sẻ thêm.

Từ một loài cây rừng, dưới bàn tay và trí óc của những người bản địa, cây địa lan đã được nhân giống mạnh mẽ, trở thành một loài cây hoa cảnh làm đẹp cho cảnh quan của bản Sin Suối Hồ, vừa là một loài cây "kinh tế" giúp người dân thực hiện giảm nghèo bền vững. Không chỉ vậy, sự phát triển của loài cây hoa mới này cũng góp phần thúc đẩy du lịch tại Sin Suối Hồ hơn. Nhiều du khách tới bản đều có ấn tượng tốt khi đường làng ngõ xóm sạch đẹp, cảnh quan được trang trí bằng những chậu hoa địa lan đầy màu sắc mỗi dịp giáp tết. Câu chuyện về cây hoa địa lan tại bản Sin Suối Hồ là điểm sáng đáng chú ý nhất trong công cuộc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại Lai Châu.

thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi
thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi
thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã hình thành được các vùng sản xuất chè thâm canh, phù hợp, đảm bảo chất lượng. Toàn tỉnh Lai Châu hiện có diện tích chè trên 7.000ha, trong đó có trên 3.500ha chè kinh doanh; trên 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến chè đang hoạt động.

Trong đó, diện tích chè sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn tỉnh có 278,73ha sản xuất theo hướng chè sạch, hữu cơ. Để đảm bảo chất lượng và định vị thương hiệu chè Lai Châu, tỉnh Lai Châu thực hiện chủ trương đưa loại hình sản xuất liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, nhờ đó tạo thành một chuỗi giá trị kinh tế khép kín từ đầu vào cho tới đầu ra.

Cụ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể thực hiện cho người dân ứng trước vật tư phân bón, thu hồi vốn thông qua việc thu mua lại chè búp tươi cho người dân, vận động bà con không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc hoá học bảo vệ thực vật, chuyển sang sử dụng phân bón và phân ủ xanh hữu cơ thân thiện với môi trường và đảm bảo chất lượng cho cây chè. Với bàn tay và công sức của bà con, cây chè tại Lai Châu ngày càng vươn mình mạnh mẽ và khẳng định thương hiệu của mình khắp trong và ngoài nước.

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chè của huyện Tân Uyên, Tam Đường. Thương hiệu chè Lai Châu, đặc biệt là chè Tam Đường đã và đang khẳng định vị thế trên thị trường trong, ngoài nước với các sản phẩm đa dạng, chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn Quốc tế. Đặc biệt, chè Lai Châu đang được xuất sang thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Châu Âu, Trung Đông…

Ông Nguyễn Văn Tưởng (Chủ tịch UBND xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho biết: "Một năm diện tích chè có thể cho thu hoạch khoảng 5 vụ, với sản lượng khoảng 5-6 tấn chè tươi/ha. Cây chè đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân Tam Đường nói chung và người dân xã bản Hon nói riêng. Ngoài chè búp, tỉnh Lai Châu nói chung và huyện Tam Đường nói riêng còn có loại chè mang bản sắc đó là chè cổ thụ với sản lượng hàng năm rất ít, giá bán rất cao nhưng luôn trong tình trạng không có chè để bán".

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 46,94ha chè cổ thụ với số lượng 3.745 cây. Đặc trưng của chè cổ thụ chủ yếu nằm trong khu vực rừng phòng hộ, núi cao, xa đường giao thông và khu dân cư, bản thân cây chè cũng rất cao, vì thế công tác khai thác vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Theo tìm hiểu, chè cổ thụ gồm chè đen và chè trắng có giá trị cao có thể lên tới 5 triệu đồng/ kg nhưng sản lượng đặc biệt ít.

Đến nay, tỉnh Lai Châu đã có một số mô hình liên kết cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình liên kết sản xuất chè Matcha và các sản phẩm chè xuất khẩu sang thị trường khó tính của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường, hay mô hình trồng xen canh chè với cây Mắc ca cũng đang tạo nên những hiệu quả kinh tế lớn, được bà con ủng hộ.

Tính chung, mỗi năm thu nhập từ trồng chè ước tính khoảng trên 30 triệu đồng/ hộ, tạo nên nguồn sinh kế mới cho bà con. Với hướng đi đúng đắn cùng với nỗ lực của chính quyền đia phương trong việc phát triển vùng chè chất lượng cao, thương hiệu chè Lai Châu đã dần có vị thế riêng, cây chè cũng từ đó trở thành sản phẩm chủ lực trong công tác giảm nghèo bền vững cho bà con vùng cao. Qua đó, từ việc phát triển nông nghiệp kết hợp để phát triển trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc từ các vùng chè chất lượng cao, tỉnh Lai Châu hoàn toàn có thể hi vọng đây sẽ trở thành một sản phẩm du lịch mới như du lịch khám phá, trải nghiệm vùng chè chuyên canh, hay đặc biệt hơn là những tour du lịch khám phá vùng chè cổ thụ.

thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi

Cây mắc ca bắt đầu được trồng tại tỉnh Lai Châu từ năm 2011, trong vườn của một số hộ trên địa bàn thành phố với quy mô 0,99 ha. Bước sang năm 2012, 2013 tỉnh Lai Châu tiếp tục trồng mới trên 190 ha cây mắc ca theo các chương trình nghiên cứu và trồng thử nghiệm, chủ yếu tập trung tại huyện Tam Đường với trên 169 ha (trồng thuần 133 ha, trồng xen trên nương chè 36 ha).

Từ năm 2014 -2016, trên 150 ha mắc ca đã được trồng mới tại các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ và Nậm Nhùn... Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.790ha Mắc ca, trong đó hơn 200ha đang cho thu hoạch quả. Trước tiềm năng, lợi thế và giá trị của cây mắc ca, UBND tỉnh Lai Châu xác định cây mắc ca sẽ trở thành cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Ông Trần Bảo Trung (Phó chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Lai Châu) cho biết: "Một trong những khó khăn ban đầu trong phát triển cây Mắc ca đó là thuyết phục và làm thay đổi nhận thức cho bà con. Phải làm thế nào để thuyết phục bà con dần chuyển đổi trồng lúa ngô khoai sang các cây trồng khác mang giá trị cao hơn. Thời gian tới, huyện Phong Thổ có chủ trương đưa loại hình sản xuất đưa loại hình sản xuất liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, trong đó trộng điểm là mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn với nông thôn mới, phát triển nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng. Cây mắc ca cũng là một sản phẩm mới và sẽ được kì vọng trở thành loài cây xoá nghèo cho bà con. Lai Châu cũng kì vọng xây dựng tỉnh trở thành thủ phủ của cây mắc ca tại miền Bắc".

thanh tuu dau tu nong nghiep nong thon moi
(Cây mắc ca Lai Châu. Ảnh: Cổng thông tin Đối ngoại Lai Châu)

Được sự hỗ trợ mạnh mẽ, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển một phần diện tích trồng lúa ngô trước đây sang trồng mắc ca. Trong suốt quá trình đó, người dân luôn có sự đồng hành của các cấp chính quyền như hỗ trợ nguồn vốn ban đầu, hỗ trợ vật tư chăm sóc và hướng dẫn các quy trình nuôi trồng.

Từ những gốc mắc ca đầu tiên đã cho thu nhập và bắt đầu có được những tín hiệu vui. Khi nhắc tới Mắc ca, những tấm gương tiêu biểu như ông Trần Đức Văn ở tổ 15, phường Tân Phong (thành phố Lai Châu), ông Nguyễn Văn Cát (thị trấn Tân Uyên) hay ông Thùng Văn Có (huyện Tam Đường)... là những người đầu tiên thử nghiệm trồng cây mắc ca và dần có được kết quả khả quan.

Hạt mắc ca có chứa nhiều chất dinh dưỡng quý, tốt cho sức khỏe của con người. Trong dầu mắc ca có trên 87% là axit béo không no, hàm lượng protein trong nhân lên tới 9,2%, cùng 20 loại axít amin rất cần thiết cho cơ thể...

Mắc ca có thể chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như: thực phẩm, dầu ăn, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Bên cạnh đó, hạt mắc-ca dễ sơ chế và bảo quản hơn các loại cây ăn quả khác, có thể sấy khô, lưu kho lâu ngày nên giảm thiểu nguy cơ rớt giá.

Chính vì vậy, quả mắc-ca được mệnh danh là "nữ hoàng" quả khô", rất được ưa chuộng trên thế giới và được người dân Việt Nam yêu thích trong nhiều năm gần đây. Giá bán mắc ca cao hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác, quả mắc ca tươi sau thu hái bán được với giá khoảng 100.000 đồng/kg, sau khi chế biến sẽ có giá khoảng 300.000 đồng/ kg quả khô. Ngày nay, tỉnh Lai Châu đang tiến hành mô hình sản xuất liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, vì thế sản phẩm cây Mắc ca của bà cong sẽ được bao tiêu sản phẩm.

Cùng với những sản phẩm chủ lực như cây địa lan, cây chè, cây Mắc ca cũng từng bước đã trở thành cây xoá đói giảm nghèo bền vững và được kì vọng sẽ trở thành một sản phẩm du lịch mới của Lai Châu theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch của tỉnh.

Bài: Khánh Huy
Ảnh: Khánh Huy, Chí Thành, Trần Huỳnh, Phương Thanh, A Việt