e magazine
05:00 | 10/11/2023
Sửa đổi Luật Thủ đô: Kỳ vọng tạo đột phá để Hà Nội phát triển

05:00 | 10/11/2023

Theo chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sau khi trình Quốc hội, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được thảo luận tại tổ vào chiều 10/11, thảo luận tại hội trường vào sáng 27/11.
Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại

Theo chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sau khi trình Quốc hội, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được thảo luận tại tổ vào chiều 10/11, thảo luận tại hội trường vào sáng 27/11.

Ema
Hà Nội với nhiều hoạt động hấp dẫn, chiều lòng du khách

Để Hà Nội phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển


Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thi hành Luật.

Tuy nhiên, qua nhiều năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.


Sửa Luật Thủ đô

là cơ hội Lớn

để Hà Nội vươn lên tầm mới


Ngày 25/7/2023, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn để tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển, vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới.

Ema
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội trong đó có nội dung xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: P.T.

“Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật. Việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô là rất cần thiết và có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, một lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với quy định của Hiến pháp và chủ trương của Đảng; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành sẽ được Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Lưu ý Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những đô thị đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, đồng thời thể chế hoá được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô.

Dự thảo Luật phải giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay; trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng...

Dự thảo Luật phải cụ thể hóa được 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hộiquyết định khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

“Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền. Vì vậy, các quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu một số vấn đề cần đặt ra trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để giải quyết những hạn chế, bất cập hiện tại, như vấn đề giao quyền cho Thủ đô quyết định các dự án đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo hình thức PPP, ví dụ hệ thống cầu qua sông trong nội bộ Thành phố; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô; cải tạo chung cư cũ gắn với chỉnh trang đô thị…

Ema

Xây dựng cơ chế

đặc thù, vượt trội


Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thẩm tra Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) Trình bày Tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc xây dựng Dự án Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).

Ema
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: B.Y.

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô, đồng thời nhấn mạnh, Dự thảo Luật cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ. Các cơ chế, chính sách phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi.

Dự thảo Luật quy định, tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách có thể tăng từ 20 - 25%. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể nghiên cứu tăng tỷ lệ này lên 35 - 40%; xem xét tăng cường về tổ chức, cơ cấu đại biểu cho HĐND ở quận, thị xã, thành phố thuộc TP Hà Nội để tương xứng với nhiệm vụ, thẩm quyền được tăng thêm.

Một số đại biểu đề nghị trong Dự thảo Luật cần xác định một số nguyên tắc về điều kiện, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù trên địa bàn thành phố làm cơ sở để HĐND thành phố quy định cụ thể và quyết định việc thành lập các cơ quan mới hoặc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hiện có, tạo sự chủ động, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, tránh được việc lạm dụng để thành lập mới nhiều cơ quan, tổ chức khi chưa thực sự cần thiết.

Các đại biểu cũng đánh giá cao quá trình chuẩn bị các Báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, các Báo cáo đã làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc sau 3 năm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cũng như các kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương này trong thời gian tới.


Riêng của Hà Nội

là phải khác

vì là Thủ đô


Ema
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: Quochoi.vn

Đóng góp ý kiến góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, bày tỏ:

Một là, phân cấp mạnh cho Hà Nội nhưng phải kiểm soát quyền lực. Nếu như thế thì hạn định nào đó đừng có để cơ chế xin ý kiến nhiều quá. Thành phố mà cái gì cũng xin ý kiến các Bộ, ngành, luật của chúng ta quy định như thế, mất thời gian và mất thời cơ.

Thời gian là lực lượng, cuối cùng mất một lực lượng rất cao. Đây là vấn đề ông Trần Quang Phương trăn trở khi nghiên cứu Luật Thủ đô, cái nào đã giao quyền thì thôi, giao quyền còn phải bắt báo cáo xin ý kiến, đương nhiên là có báo cáo nhưng báo cáo để giám sát, theo dõi, giúp được, chứ lại phải xin ý kiến đồng ý, không đồng ý là dừng lại thì không nên.

Thứ hai, mối quan hệ giữa thể chế chung và thể chế riêng, mặt bằng chung của cả nước như thế, nhưng riêng của Hà Nội là phải khác vì là Thủ đô thì phải rõ.

Thứ ba, tính cũng gần như chung, riêng nhưng có tính phổ quát và tính đặc thù vượt trội của Hà Nội là gì, phải rõ.

Thứ tư, đầu tàu và cả tàu, đừng để như hôm qua các diễn giả nói là đầu tàu chạy chậm hơn toa tàu và thực chất thì nó tập trung mấy vấn đề.

Một là, ta tập trung 3 đột phá của đất nước mình, thể chế thì chúng ta đang làm. Đột phá tôi đề nghị phải rõ đột phá cái gì, mình phải có danh sách đưa ra thẳng để cho đại biểu Quốc hội thấy đột phá của Hà Nội là như thế này.

Thứ hai, đột phá về hạ tầng.

Thứ ba, đột phá về nguồn nhân lực. Tôi thấy chỗ nguồn nhân lực chúng ta thiết kế trong luật cần phải cụ thể hơn nữa. Bởi vì, muốn phát triển Thủ đô như thế thì nguồn nhân lực phải khác nơi khác. Đây không những là điều kiện cần mà đây cũng là nhu cầu, là thế mạnh của Hà Nội, của Thủ đô, vì về công tác ở Thủ đô sướng lắm, tâm lý ai cũng thế thôi.

Về kinh tế tôi cũng thấy đã có hướng 3 trụ cột của kinh tế, đó là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu phải thật sự đột phá mấy vấn đề này. Vì vậy, ông đồng tình với phạm vi điều chỉnh mở rộng hơn.

Ema
Hà Nội - Thành phố Vì hoà bình, điểm đến lí tưởng với nhiều du khách

Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các bộ, cơ quan có liên quan, khẩn trương, trách nhiệm trong việc lập Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô. Việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 là rất cần thiết, nhằm xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển, tạo động lực phát triển, tập trung các nguồn lực đầu tư mạnh cho Thủ đô.

Khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu. Trong đó, tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, văn bản của các cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương này, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ema
Hà Nội ngày càng văn minh với những cây cầu mới (Cầu Vĩnh Tuy 2 trước ngày thông xe)

Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã đăng tải hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, Nhân dân.

Ngày 4/7/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 180/KH-UBND tổ chức lấy ý kiến góp ý Hồ sơ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ngày 13/7/2023, Bộ Tư pháp có Công văn gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô.

Ngày 7/9/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 4430/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác xây dựng, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, cử tri vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Hoa Đỗ

Ảnh: Khánh Huy

Trình bày: Duy Anh