Thứ tư 24/04/2024 13:10

Sống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với họ, mỗi người chỉ có một lần được sinh ra nên họ luôn trân trọng cuộc sống của mình, để khi những khó khăn qua đi, họ sẽ nở nụ cười mãn nguyện vì đã và đang sống một cuộc đời thật đẹp và ý nghĩa…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày xưa, tôi có một người bạn hàng xóm bị khuyết tật từ nhỏ. Sinh ra, bàn tay của cậu bị thiếu ngón, hai chân co quắp, đi lại rất khó khăn. Để bạn tôi tự tin và có kiến thức, mẹ cậu đã đăng ký cho cậu đi học. Ban đầu, các bạn trong lớp còn trêu trọc cậu nhưng sau thấy bạn năng nổ, học giỏi, đặc biệt là tính cách nhiệt tình, vui vẻ nên ai cũng yêu mến bạn. Bất cứ hoạt động nào của lớp, chúng tôi cũng rủ cậu tham gia và cậu đều hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình. Cậu bảo, bản thân luôn lạc quan vì điều đó làm cho cuộc sống của bạn thêm tươi sáng, hơn nữa, cậu luôn nghĩ đến mẹ để phấn đấu.

Ngày nhỏ, mẹ cậu luôn dằn vặt mình vì cho rằng lỗi tại bà không cẩn thận khi mang thai nên mới khiến cho bạn tôi sinh ra không được lành lặn như bao người khác. Để mẹ thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực ấy, cậu lúc nào cũng nở nụ cười, luôn cố gắng trong cuộc sống và chan hòa với mọi người. Dù cuộc sống hồi nhỏ của gia đình cậu khó khăn nhưng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc đong đầy của mẹ con cậu. Với nghị lực vươn lên của mình, hiện tại bạn tôi đã trở thành một kỹ sư tin học, có việc làm ổn định và chăm lo được cho mẹ cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chú chủ nhà nơi tôi sống cũng là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên. Ngày nhỏ, chú cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa khác, mạnh khỏe và cao ráo. Năm chú 10 tuổi, do một lần bị cảm, gia đình không đưa đi cấp cứu kịp nên hai chân chú cứ thế teo dần và không đi lại được. Cho dù được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng chân chú không có tiến triển. Chú phải dùng tay, chống hai chiếc ghế gỗ để di chuyển.

Dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng chú không ngừng cố gắng vươn lên. Để không bị phụ thuộc vào gia đình, khi trưởng thành có nghề nghiệp ổn định, chú đã theo học tại một trường nghề, về sửa chữa điện. Tính chú cẩn thận, nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác nên chú rất đông khách, người dân quanh vùng đều yêu quý chú. Thương các cụ già đạp xe hay đi bộ xách đồ đến sửa, chú không lấy tiền. Họ nhất định gửi tiền nhưng chú bảo: “Cháu giúp ông bà, cháu nhận rồi nhưng biếu lại ông bà. Ông bà mà trả là lần sau cháu không sửa cho đâu!”.

Nhà nào đồ đạc cồng kềnh chưa kịp mang đến sửa là chú nhiệt tình đến tận nhà, mà giá lại rất rẻ. Chú bảo cứ làm cho khách hết mình là khách sẽ hiểu và gắn bó với mình lâu dài. Khách nào đến sửa đồ, khi ra về chú cũng dặn dò họ cách giữ gìn để tránh hỏng hóc. Phương châm của chú là phải làm thật chỉn chu cho khách. Không chỉ uy tín trong công việc, trong cuộc sống thường ngày chú cũng luôn vui vẻ và hay giúp đỡ người khác, không nề hà bất cứ việc gì.

Với nhiều người, khi gặp những khó khăn trong cuộc sống sẽ có những lúc cảm thấy chán nản, mệt mỏi thậm chí là bế tắc nhưng hãy nghĩ đến những người không có may mắn xung quanh. Họ bị khuyết tật,… nhưng vẫn nỗ lực, quyết tâm vươn lên với niềm tin và sự lạc quan mãnh liệt.

Với họ, mỗi người chỉ có một lần được sinh ra nên họ luôn trân trọng cuộc sống của mình, để khi những khó khăn qua đi, họ sẽ nở nụ cười mãn nguyện vì đã và đang sống một cuộc đời thật đẹp và ý nghĩa…

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động