Thứ sáu 19/04/2024 17:39

Sau Tết có nên sửa xe ô tô?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tâm lý trước ngày 23 ÂL các gara sửa xe đông nghịt nên nhiều chủ xe đợi qua Tết tiếp tục đánh xe đến xưởng vừa sửa, vừa tân trang để có phương tiện du Xuân. Vậy đây có phải thời điểm thích hợp để chủ xe quan tâm đến “ngựa chiến” của mình?
Không ít gara sửa xe thời điểm vừa sau Tết lượng xe còn tồn khá nhiều do thiếu thợ và nguồn phụ tùng. Ảnh: G.B
Không ít gara sửa xe thời điểm vừa sau Tết lượng xe còn tồn khá nhiều do thiếu thợ và nguồn phụ tùng. Ảnh: G.B

Bức xúc vì xe vẫn bị phủ bụi

Xe bị lỗi nhẹ hệ thống rô tuyn bên phải và cần sơn toàn bộ cản trước, lắp ca pô cùng hai cánh cửa trước nên anh Nguyễn Viết Chiến, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, vừa nhận được lịch nghỉ Tết liền vội vàng cho xe đi sửa. Chủ của hai gara quen nhìn thấy anh đều lắc đầu thanh minh, thay rô tuyn còn được chứ sơn xe thời điểm cận Tết như này thì bó tay vì xe quá đông, thợ lại mỏng.

Ngày 8-2 (tức mùng 8 ÂL), anh cho xe đến gara gần nhà, chủ xưởng niềm nở đón tiếp, nói anh là khách đầu tiên xông đất nên sẽ có ưu đãi đặc biệt, nhận xe sớm. Hai ngày sau, tranh thủ nghỉ trưa, anh qua xưởng xem tiến độ đến đâu, trong đầu mường tượng cảnh xe được sơn bóng loáng. Thực tế lại khác xa, xe được đánh gọn vào một góc, bụi phủ kín, chưa hề được thợ sờ tới. Chủ gara nhăn nhó thanh minh, giục đến mấy cũng chỉ có hai thợ sơn có mặt vào sáng mùng 10 ÂL, chiều mới bắt tay vào việc, 6 người khác chắc phải qua Rằm tháng Giêng mới xuống đủ trong khi xe chờ được sơn lên tới 8 xe, toàn của khách quen.

Tại một gara sửa xe ô tô trên đường Phạm Văn Đồng, một chủ xe nói như mắng chủ xưởng và người trợ lý vì hứa một đằng, làm một nẻo. Xưởng nhận xe của anh từ trước Tết để thay két nước và một số ống cao su đã bị mục do thời hạn sử dụng đã trên 10 năm. Đến giờ đã hết Tết được gần một tuần, anh đợi mãi vẫn không thấy phía gara gọi tới nhận xe. Có mặt ở đây, chủ xe không khỏi thất vọng vì xe mới thay được két nước, còn hệ thống ống cao su theo như lời giải thích của người trợ lý thì chưa biết đến bao giờ mới có hàng. Chuyến du Xuân của anh và gia đình có nguy cơ bị gác lại.

Kinh nghiệm rút ra

Anh Phan Thành Lâm, chủ một gara chuyên sửa dòng xe của Đức đóng trên địa bàn quận Tây Hồ những ngày này mỏi mắt mong thợ. Cận Tết, xe còn đầy xưởng nhưng liên tiếp các ngày từ 20 đến 22-1 ( tức 18 đến 20 ÂL) thợ đòi về quê vì sợ bị địa phương bắt cách ly. Giờ xưởng đang tồn trên chục xe mà xe nào chủ xe cũng yêu cầu sửa nhanh để đi làm đầu năm hoặc du Xuân. Thiếu thợ nghiêm trọng, mặc anh giục cháy máy, gần chục thợ vẫn vin đủ lý do để được đi làm muộn như chúc thọ người cao tuổi trong gia đình, trong họ, thậm chí có người còn vin cả lý do mình tiếp xúc với F0 nên phải tự cách ly.

Sử dụng xe ô tô đến nay đã trên 10 năm, cũng thay tới ba đời xe nên anh Phạm Văn Hiếu, ở Đội Cấn, có khá nhiều kinh nghiệm trong việc sửa xe. Anh Hiếu khuyên không nên sửa xe những ngày cận hoặc vừa sau Tết, trừ trường hợp xe bị hỏng nặng buộc phải đưa vào xưởng. Lý do, thời điểm trước Tết, do tâm lý cần xe đi chơi và cũng là thời điểm nhiều chủ xe kết thúc công việc trong năm, được hưởng kỳ nghỉ nên lúc này mới có thời gian chăm sóc, sữa chữa xế yêu của mình. Vì vậy, lượng xe đổ về các xưởng sửa chữa rất lớn, trong khi đó số lượng thợ sửa xe không đổi.

Việc nhiều, tâm lý muốn về quê sớm dẫn đến thợ bị áp lực làm thêm giờ để giao xe cho khách nên chất lượng sửa chữa không chu đáo. Giá thay phụ tùng thời điểm này cũng tăng cao, không phân biệt được đâu là hàng tốt. Sơn xe ngày cận Tết là điều đại kị vì công đoạn bả matit, gò lại chỗ thủng, han gỉ… không kĩ càng khiến xe vận hành một thời gian ngắn bị nổ sơn, mất thẩm mỹ. Còn sau Tết, do phần lớn thợ sửa xe sinh sống tại các vùng quê, mải vui xuân nên quay trở lại gara muộn, nhiều trường hợp qua Rằm tháng Giêng mới lên đủ. Thiếu thợ, dù chủ xưởng có trực tiếp làm cũng không thấm tháp gì so với lượng xe chờ xử lý.

Anh Lê Mạnh Lân, chủ một gara sửa xe khu vực phường Nhân Chính, chia sẻ kinh nghiệm, xưởng của anh chỉ dám nhận đủ lượng xe theo năng lực của mình, tránh tình trạng ngâm xe để khách phải chờ đợi lâu, như vậy rất mất uy tín. Trước Tết, vẫn biết từ chối một lượng không nhỏ xe sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhưng xưởng không thể làm khác.

Kinh nghiệm giữ khách được anh Lân đúc kết, bộ phận theo dõi khách hàng của xưởng phải có danh sách chi tiết các khách hàng từ mới đến thân quen. Trước Tết hai tháng, bộ phận này có trách nhiệm liên hệ với các chủ xe tư vấn về lịch trình sửa, cũng như hỏi han xem có chi tiết nào của xe cần chăm sóc. Với những bệnh nhẹ, cần thay linh kiện tại chỗ, xưởng sẽ cho thợ tới tận nơi để xe của khách hàng. Cách quan tâm như trên giúp xưởng luôn chủ động được công việc, giữ chân khách hàng.

Nói tới việc sau Tết một lượng không nhỏ xe vẫn phải nằm xưởng, anh Hoàng Văn Thiết, chủ một gara sửa xe thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tâm sự. Ngoài lý do thợ lên muộn, việc cung cấp linh kiện cũng gặp khó khăn do chủ các mối này đang mải du Xuân, lễ chùa. Nhiều phụ kiện thay khan hiếm do tuổi đời xe cao hoặc gặp phải xe quá hiện đại, cần tham khảo nhiều nơi về linh kiện, phương án sửa chữa. Xưởng của anh Thiết từ trước Tết đến giờ vẫn còn một xe sang của Ý mắc lỗi phần mềm và điện đang phải nhờ các chuyên gia chính hãng góp ý về cách chạy phần mềm, xóa lỗi.

Lời khuyên của anh Thiết và một số chủ gara khác là chủ xe không nên sửa xe vào những ngày cận Tết hoặc ngay sau Tết. Các gara nên có phương án sửa chữa hợp lý, tránh việc ngâm xe của khách quá lâu, khiến đầu năm giữa bên sửa chữa và chủ xe có tâm lý và lời nói không vui. Thời điểm nhận xe của khách, nếu lường trước thời gian giao xe bị kéo dài nên trao đổi cụ thể để hai bên hiểu và thông cảm. Nên có kế hoạch liên hệ, tư vấn cho khách mang xe tới xưởng trước Tết một hoặc hai tháng để quy trình sửa xe được chu đáo, kĩ càng.

Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động