Thứ năm 25/04/2024 22:34

Sau kết luận, chưa “nhìn thấy” dấu hiệu “bất thường” trong việc tăng cước 3G

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Cục Quản lý cạnh tranh vừa đưa ra kết luận, khẳng định chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường của sự câu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp (DN) Viettel, Mobifone và Vinaphone để tăng cước 3G.


Trong khi đó, dư luận vẫn chưa hết băn khoăn xung quanh việc “đồng loạt” tăng giá cước 3G của các nhà mạng trên. Đồng thời đặt ra những “dấu hỏi” về vai trò của các DN Nhà nước trong vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô.

Chưa phát hiện dấu hiệu “bất thường” trong việc tăng cước 3G

Được biết, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), Bộ Công Thương đã công bố kết quả xác minh các dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh của 3 DN viễn thông trong đợt điều chỉnh tăng cước dịch vụ 3G giữa tháng 10 - 2013.

Theo đó, kết quả xác minh quá trình điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của 3 DN gồm: Cty Di động VNS (Mobifone), Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) và Cty dịch vụ viễn thông (Vinaphone) cho thấy:

Đợt điều chỉnh tăng cước 3G vừa qua của Viettel, Mobifone và Vinaphone đã thực hiện theo chủ trương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông theo Quyết định số 32/2012/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020. Quá trình thực hiện điều chỉnh giá, từng DN đã nộp hồ sơ đăng ký giá cước riêng. Thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm đề nghị áp dụng giá cước mới của từng DN trong hồ sơ đăng giá cước là có sự khác biệt.

Phương án điều chỉnh giá cước dữ liệu 3G của 3 DN cũng đã nhận được sự chấp thuận của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và truyền thông). Từng DN đã ban hành quyết định điều chỉnh giá cước ở các thời điểm khác nhau. Phương án điều chỉnh giá các gói cước (tăng, giảm hoặc giữ nguyên), phương án cung cấp các gói cước (ngừng cung cấp một số gói cước hoặc đưa ra các gói cước mới) của 3 DN nói trên cũng có những điểm khác biệt.

Về việc 3 DN điều chỉnh một số gói cước với cùng… mức tăng, được “lý giải” rằng: Các gói cước được điều chỉnh giống nhau đều là gói cước thông dụng và phương pháp điều chỉnh giá cước đã được Cục Viễn thông phê duyệt.

Từ những “căn cứ” trên, Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra kết luận: Chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường của sự bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 DN Viettel, Mobifone và Vinaphone khi tăng giá cước 3G.


TS. Nguyễn Minh Phong: “Việc tăng giá cước 3G của các DN Nhà nước này, đã không nghĩ đến hiệu ứng xã hội. Trong khi bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn đang đặt ra vấn đề cần có những giải pháp để bình ổn. Ở đây có dấu hiệu không bình thường, có dấu hiệu của sự liên kết làm giá. Nếu như cơ quan chức năng kết luận việc tăng cước 3G như vừa qua là điều bình thường, thì cần phải giải trình rõ ràng, cụ thể cho mọi người biết để người dân nghe, xem có chính xác hay không”.


Khách hàng “vàng mắt”…

Được biết thời điểm hiện tại, 3 DN viễn thông Viettel, Mobifone và Vinaphone, đang chiếm 95% thị phần viễn thông tại Việt Nam. Sau khi “đồng loạt” điều chỉnh tăng cước 3G dư luận đã cho rằng cả 3 DN đã bắt tay “ép” giá người tiêu dùng.

Nhiều người dùng “vàng mắt” khi gói cước 3G trả trước của cả 3 nhà mạng có mức tăng lên đến hơn 300%. Những ứng dụng do các nhà mạng tự ý cài đặt cũng thu về hàng trăm tỷ đồng từ túi người tiêu dùng.

Cụ thể, gói cước EZ0 của Vinaphone thay đổi từ mức 60 đồng/MB lên đến 200 đồng/MB, tăng 333,3% so với cước cũ; gói cước FC0 của Mobifone, Laptop Easy của Viettel cũng có mức tăng tương tự từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB.

Trước đây mỗi thuê bao chỉ phải tốn trung bình 60.000 đồng/tháng cho loại dịch vụ 3G này, sau khi điều chỉnh tăng mỗi thuê bao sẽ mất trung bình 200.000 đồng/tháng.

Với đại đa số thuê bao trong khoảng 3,4 triệu thuê bao 3G phát sinh lưu lượng, sử dụng dịch vụ 3G trên máy tính bảng, USB 3G đều không đăng ký dịch vụ trọn gói. Thế nên, sau khi phát hiện mức cước tăng nhảy vọt, nhiều thuê bao “choáng váng”, ùn ùn ra các điểm đăng ký dịch vụ 3G của các nhà mạng để chuyển sang gói cước “trọn gói” theo tháng – không giới hạn dung lượng. Tất nhiên những gói cước “trọn gói” này, cũng đã “kịp thời” được điều chỉnh tăng so với mức giá cũ.

Theo một số liệu được công bố trên các phương tiện truyền thông: Tại Vinaphone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6 - 2012 đến tháng 6 - 2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng từ ứng dụng IOD; tại Mobifone đạt hơn 150 tỷ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo. Nhà mạng Viettel cũng cài sẵn phần mềm Viettel Plus - có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí, trong sim điện thoại, bán cho người sử dụng.

Điều đáng nói, các nhà mạng tích hợp ứng dụng trên sim cho phép tải thông tin và tính phí, nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa ra.

Nhiều khách hàng cũng rất bức xúc vì các nhà mạng đã thu tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ. Tin nhắn quảng cáo tràn lan thậm chí có cả nội dung “cò mồi” lừa đảo cũng khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Vai trò các nhà mạng trong ổn định kinh tế vĩ mô?

Nhiều ý kiến cũng đang đặt ra những “dấu hỏi” về vai trò của DN Nhà nước (Viettel, Mobifone và Vinaphone) trong vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, khi bối cảnh kinh tế xã hội vẫn còn nhiều những dấu hiệu không vui.

Thực tế cho thấy, việc tăng giá cước 3G, trong bối cảnh kinh tế hiện tại đã tạo ra sự “phản cảm”, thậm chí còn khiến dư luận bức xúc, bất bình. Đến mức, trên nhiều diễn đàn, những người sử dụng dịch vụ 3G đã ra lời kêu gọi “đoàn kết” để cùng “tẩy chay” dịch vụ này. Những lời kêu gọi ấy, dù đã nhận được nhiều sự đồng tình hưởng ứng, thế nhưng cái khó là phần lớn khách hàng lại rơi vào tình cảnh “lệ thuộc” khi sử dụng dịch vụ 3G – thời điểm hiện tại việc từ chối sử dụng dịch vụ 3G đối với nhiều người là điều không thể.

Cũng có những quan điểm cho rằng việc tăng cước 3G là đúng, là cần thiết. Việc tăng như vậy, được cho rằng không vi phạm Luật Cạnh tranh, đồng thời cũng đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Thế nên, có thể hiểu, việc tăng giá cước 3G của 3 nhà mạng trên gần như cùng một thời điểm, cũng chỉ là sự… ngẫu nhiên. Nhiều “lý lẽ” đã được đưa ra để “lý giải” cho việc tăng giá cước 3G là đương nhiên: Thứ nhất, giá cước viễn thông của chúng ta thời gian qua thấp hơn giá thế giới từ 34% -57% và chưa đến 50% giá thành, do vậy việc tăng giá cũng là hợp lý. Thứ hai, tăng giá cước 3G, một phần cũng nhằm mục tiêu lấy kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của các DN viễn thông. Thứ ba, việc tăng giá cước 3G cũng chỉ ảnh hưởng đến nhóm người có thu nhập cao.

Những “lý do” tưởng như đã rất thuyết phục như trên, thực tế vẫn khiến dư luận chưa đồng tình. Ngay cả khi cơ quan chức năng sau quá trình điều tra xác minh, đã đưa ra “kết luận” khẳng định: Chưa “nhìn thấy” những dấu hiệu “bất thường” trong việc tăng cước 3G ở các nhà mạng. Thì nhiều ý kiến từ dư luận cũng đưa ra không ít những lý lẽ cho rằng, việc tăng cước 3G vừa qua, là chưa thấu tình đạt lý.

Có thể thấy, cứ cho rằng 3 “đại gia” viễn thông chỉ là tình cờ, trong việc đồng loạt tăng giá cước 3G. Thì việc “tình cờ” đồng loạt trong thời điểm cách nhau chỉ vài ngày, “đồng loạt” tăng giá cước ở mức “giống nhau”, chất lượng dịch vụ “tương tự nhau” – khách hàng không có sự so sánh. Trong khi người tiêu dùng hoàn toàn bất ngờ, và khó có lựa chọn khác, thì dù có được giải thích như thế nào đi nữa, cũng khiến người sử dụng không khỏi nghi ngờ. Từ sự nghi ngờ đó, họ đặt ra những “dấu hỏi” về khả năng liệu 3 nhà mạng có sự liên kết để “bắt chẹt” người tiêu dùng hay không, cũng là điều dễ hiểu.

Việc so sánh giá cước 3G ở Việt Nam, thấp hơn thế giới cũng được cho là một so sánh khiên cưỡng và cọc cạch. Bởi lẽ, thu nhập của đại bộ phận người dân Việt Nam, thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Và chất lượng dịch vụ 3G, cần phải phù hợp với điều kiện và khả năng chi trả của người Việt Nam.

Về lý do cho rằng tăng giá 3G nhằm vào đối tượng thu nhập cao, cũng cần phải xem xét lại. Bởi lẽ, chưa có thống kê cụ thể về việc đối tượng thu nhập thấp hay đối tượng thu nhập cao sử dụng 3G nhiều hơn? Do đó không có cơ sở để xác định, nên nhiều khả năng lại “đánh”… nhầm đối tượng. Thực tế, nhiều viên chức có thu nhập thấp, do yêu cầu công việc vẫn phải sử dụng 3G. Đặc biệt, ở nhiều vùng sâu vùng xa, tin học vẫn còn xa lạ, thì có nhiều người dẫu là thu nhập thấp, thì cũng vẫn phải xem 3G là một lựa chọn không thể khác để đáp ứng yêu cầu công việc.

Đối với quan điểm cho rằng tăng giá cước 3G để tạo điều kiện cho nhà mạng “lấy vốn” đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ, cũng bị cho là không hợp lý. Bởi lẽ, bất kỳ doanh nghiệp nào triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng đều cần vốn. Thế nhưng, vốn đó phải do quá trình tích lũy mà có, huy động xã hội hóa, hoặc huy động đóng góp từ các cổ đông, thậm chí đi vay để đầu tư sản xuất. Chứ không thể làm theo kiểu “mỡ nó rán nó”, ngồi “chờ” thu được tiền của khách mới triển khai hoạt động đầu tư. Khách hàng là người sử dụng dịch vụ DN cung cấp, chứ không phải là cổ đông của DN mà lại có thể “huy động” vốn kiểu như vậy.

Thực tế cũng cho thấy, các DN cung cấp dịch 3G đã có thành tích đóng góp cho ngân sách số tiền rất lớn. Năm 2012, VNPT nộp 7.300 tỷ đồng; Viettel nộp 11.300 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng nghìn DN khác hoạt động cầm chừng, hoặc dừng hoạt động, thậm chí đóng cửa phá sản… người lao động thu nhập thấp hoặc thất nghiệp. Riêng nguồn thu từ thuế của Hà Nội cũng đã đối mặt với khả năng thu không đạt kế hoạch.

Thế nhưng, các nhà mạng viễn thông nhờ chiến lược phát triển bền vững, thu lãi lớn, kinh doanh đa ngành nghề, thậm chí còn có vốn để đầu tư ra nước ngoài. Bởi vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các DN Nhà nước - Viettel, Mobifone và Vinaphone nên chia sẻ với DN ngoài quốc doanh, cũng như người dân để cùng vượt qua thách thức của thời kỳ suy thoái kinh tế. Chứ không nên, “tình cờ” đồng loạt “ép” người dân như vậy.

TS. Nguyễn Minh Phong

“Việc tăng cước 3G có những điểm vô lý”

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề tăng cước 3G của các DN Viettel, MobiFone và Vinaphone, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận định: Việc tăng cước 3G của các nhà mạng viễn thông trong thời gian qua có những dấu hiệu không bình thường.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Minh Phong, cứ cho rằng kết luận khẳng định, không nhìn thấy dấu hiệu bất thường trong việc tăng cước 3G mà cơ quan chức năng vừa đưa ra là khách quan, chính xác. Thì vấn đề tăng cước 3G vẫn còn có những điểm vô lý, chưa được giải thích thấu đáo.
“Điểm vô lý thứ nhất, tại sao 3 nhà mạng này cùng tăng gần như cùng một thời điểm, mà lại tăng cùng một hướng. Tưởng như phải có người tăng người giảm chứ không lẽ ba nhà mạng này chi phí đầu tư sản xuất giống hệt nhau hay sao? Trong này phải chăng có dấu hiệu của sự liên kết làm giá, đáng tiếc là cơ quan chức năng chưa nhìn thấy. Thứ hai, việc tăng giá của các DN Nhà nước này, đã không nghĩ đến hiệu ứng xã hội, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn đang đặt ra vấn đề cần phải có những giải pháp để bình ổn. Mà ngay cả Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã phải “kêu cứu” về giá cước 3G tăng đột ngột khiến cho các DN vận tải bị tăng chi phí; thiết bị giám sát hành trình hết tiền… mất tín hiệu, dừng hoạt động, khiến cơ quan chức năng từng đối mặt với nguy cơ lãng phí, không quản lý được phương tiện vận tải. Thứ ba, việc cho rằng tăng cước 3G để lấy tiền đầu tư nâng cấp viễn thông cũng là chưa hợp lý. Bởi lẽ, muốn làm việc này các DN viễn thông phải có vốn riêng, hoặc huy động từ cổ đông, hay kêu gọi đầu tư từ xã hội hóa…” – TS. Nguyễn Minh Phong nhận định
Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, nếu như cơ quan chức năng kết luận việc tăng cước 3G như vừa qua là điều bình thường, thì cần phải giải trình rõ ràng cụ thể cho mọi người biết để người dân nghe, xem có chính xác hay không.
Lương Giang(lược trích)



Sỹ Hào

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động