Thứ năm 25/04/2024 07:48

Sân khấu Tuồng “trải thảm đỏ” để “cứu nguy”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với nỗ lực giữ lửa sân khấu Tuồng truyền thống, nhiều năm nay Nhà hát Tuồng Việt Nam đã chủ động trong việc tiếp cận khán giả trẻ bằng nhiều mô hình, cách làm hay.

Lớp học chuyên biệt về Tuồng

Đầu tiên phải kể tới thành công từ kế hoạch đào tạo lớp học chuyên biệt về Tuồng đến nay Nhà hát Tuồng Việt Nam đã giữ lửa được một đội ngũ trẻ kế cận yêu nghệ thuật truyền thống. Gần 30 diễn viên, nhạc công được phát triển và xây dựng Đoàn kịch Thể nghiệm do NSƯT Lộc Huyền giữ vai trò trưởng đoàn.

Dù tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, sân khấu đóng cửa, các buổi biểu diễn “đóng băng”, thế nhưng thế hệ diễn viên trẻ của Đoàn kịch Thể nghiệm vẫn một lòng kiên định giữ lửa nghề. Kể tới những tài năng trẻ như Tuấn Hiệp, Quỳnh Liên, Thanh Phương, Kim Ngân, Đình Tiến…

Thời gian này, mặc dù họ phải xoay sở với những công việc tay trái nhằm tăng thu nhập cá nhân nhưng khi Nhà hát gọi tập vở là họ sẵn sàng trở về, say sưa tập luyện để mang tới vai diễn ấn tượng trên sân khấu.

Theo NSND Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam việc sở hữu lực lượng trẻ hùng hậu hiện nay đó chính là thành công từ kế sách “trải thảm đỏ” từ việc xây dựng lớp học chuyên biệt về Tuồng. Từ việc đào tạo đồng bộ diễn viên và kịch công đã tạo ra những thế hệ làm nghề tương thích về tâm sinh lý và đội ngũ làm nghề, đồng thời tiết kiệm quá trình đào tạo.

Mặt khác, Nhà hát Tuồng chủ động, sáng tạo thu hút du khách từ các đơn vị du lịch, lữ hành. Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19, Nhà hát Tuồng là đơn vị có nhiều suất diễn dành cho khách du lịch từ sự phối hợp với Tổng Cục du lịch để tạo nguồn khách. tại Rạp Hồng Hà (51 Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Sân khấu Tuồng “trải thảm đỏ” để “cứu nguy”
Vở trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo biểu diễn cho khách du lịch tại rạp Hồng Hà.

Đồng thời, Nhà hát cũng xây dựng nhiều chương trình tạp kỹ bao gồm cả những trích đoạn hay nhất, ít lời thoại nhất, dễ hiểu, dễ cảm nhận, các tiết mục ca múa, ảo thuật biểu diễn phục vụ khách du lịch ngay tại Nhà hát. Không dừng lại ở đó, Nhà hát còn chủ động liên kết với các nhà hàng, khách sạn đến biểu diễn phục vụ du lịch tại chỗ…

Nhằm tiếp cận với khán giả, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng chương trình sân khấu Tuồng trên phố đi bộ Hà Nội tại địa chỉ 64 Mã Mây. Định kỳ tối thứ 6, chủ nhật hàng tuần, các trích đoạn Tuồng được biểu diễn phục vụ khán giả, giới thiệu nghệ thuật Tuồng truyền thống tăng khả năng tương tác với nghệ sĩ và khán giả.

Giữ chân khán giả bằng vở diễn chất lượng

Một bước chuyển mình đáng khích lệ khác, ngoài biểu diễn trích đoạn Tuồng truyền thống, Nhà hát còn tổ chức biểu diễn du lịch tương tác để giới thiệu về nghệ thuật Tuồng đến với các học sinh quốc tế. Bên cạnh đó, dự án Tuồng với sân học đường tại Hà Nội được tổ chức xuyên suốt 15 năm nay là những viên gạch đầu tiên trong công cuộc kiếm tìm khán giả tương lai cho Tuồng.

Chiến lược thời gian tới từ giai đoạn 2022 – 2026, Nhà hát Tuồng Việt Nam chủ trương liên kết đào tạo với trường.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết: “Thời gian qua, Chính phủ cho phép các đơn vị Nhà hát tổ chức liên kết đào tạo với các trường ĐH để bổ sung cho lực lượng kế cận. Dự định, Nhà hát Tuồng Việt Nam xây dựng đề án liên kết đào tạo các diễn viên Tuồng, nhạc công Tuồng, niên khoá 2022- 2026 với trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh để có lực lượng bổ sung trong thời gian tới”.

Sân khấu Tuồng “trải thảm đỏ” để “cứu nguy”
NSND Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Với mục tiêu tiếp cận khán giả trẻ bằng các chương trình, vở diễn chất lượng cao, đầu năm 2021 Nhà hát Tuồng ra mắt vở “Làm vua” được công chúng và khán giả trẻ khen ngợi, đón nhận về vở diễn lịch sử, hấp dẫn.

Đây là một trong những cái thay đổi rất lớn đã kéo lùi khoảng cách giữa khán giả trẻ với nghệ thuật Tuồng thông qua nghệ thuật biểu diễn với các nghệ sĩ.

Các nghệ sĩ danh hiệu tại Nhà hát ý thức được điều đó nên dành thời gian tập luyện nâng cao trình độ diễn xuất. Thông qua các buổi biểu diễn tương tác, nghệ sĩ lắng nghe nhu cầu thưởng thức của khán giả, tìm cách đổi mới, sáng tạo vai diễn để tiếp cận khán giả một cách khoa học, để khán giả họ hiểu được giá trị nghệ thuật truyền thống.

“Đó chính là đổi mới phương pháp tiếp cận nghệ thuật cho khán giả trẻ để họ làm sao nghệ thuật chinh phục được khán giả trẻ, chứ không thuần tuý chỉ biểu diễn, nó sẽ khó tiếp cận, đẩy lùi khoảng cách giữa người nghệ sĩ đến với khán giả trẻ”, NSND Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.

Mặc dù nỗ lực để đưa Tuồng đến gần hơn với khán giả, nhưng trước sự “vây hãm” của hàng loạt nghệ thuật giải trí hiện đại, nghệ thuật Tuồng cũng chịu “số phận chung” như nhiều bộ môn truyền thống Việt Nam.

Đó là cảnh vắng vẻ, đìu hiu dù nằm trên “địa chỉ vàng” thu hút khách du lịch khi đến Hà Nội. Thế nhưng, việc chủ động, sáng tạo mô hình “lấy ngắn nuôi dài” trên, Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả và thương hiệu về ngành nghệ thuật truyền thống với bạn bè quốc tế.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động