Thứ ba 19/03/2024 10:24
Giải đáp về hộ tịch

Quyền nhận con

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo quy định tại Điều 13 của Luật Trẻ em năm 2016: “Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi yêu anh H mà không hay biết anh ta đã có vợ. Chưa kịp kết hôn thì tôi có thai. Sau khi sinh con, tôi và anh H đến UBND phường để làm thủ tục nhận con và khai sinh cho cháu. Không ngờ, chị P, vợ anh H đã tìm đến UBND phường và cho hay, chị mới là vợ hợp pháp, có đăng ký kết hôn với anh H. Chị P cũng yêu cầu cán bộ tư pháp phường không cho anh H nhận con. Chị P cũng cảnh báo, sẽ đề nghị Tòa án xem xét giải quyết. Vậy, xin quý báo cho biết, yêu cầu của chị M có đúng pháp luật không?

(Phạm Anh Thư, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau, cháu bé do chị sinh ra là con ngoài giá thú, chưa xác định được người cha. Do đó, theo quy định tại Điều 13 của Luật Trẻ em năm 2016: “Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.”

Tại Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nêu, trong việc xác định quan hệ cha, mẹ, con, Toà án chỉ thụ lý giải quyết khi việc nhận cha, mẹ, con đó có tranh chấp giữa các bên trong quan hệ này. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 91 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định quyền nhận con: “2. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia”.

Trong trường hợp việc cha, mẹ nhận con hoặc con nhận cha, mẹ có sự tự nguyện giữa các bên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan đăng ký hộ tịch thông qua thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều 24, Điều 25 Luật Hộ tịch, cụ thể như sau:

“Điều 24. Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con “Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con”

Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con:

Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Như vậy, nếu tự nguyện, anh H có quyền nhận con dù chị P có đồng ý hay không và chị P không được ngăn cản chồng làm việc này.

Điều 2 Luật Hộ tịch quy định:

1. Hộ tịch là những sự kiện được quy định tại Điều 3 của Luật này, xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết.

2. Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.

B.A
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động