e magazine
11:10 | 24/08/2021
Những “nốt trầm” từ tuyến đầu chống dịch

11:10 | 24/08/2021

Từ tâm dịch, những chiến sỹ áo trắng đã chia sẻ câu chuyện tham gia chống dịch với nhiều cung bậc, trạng thái cảm xúc khác nhau. Đó là những niềm vui khi bệnh nhân khỏi bệnh và cũng không tránh được những phút suy tư trước diễn biến bệnh nhân trở nặng...

Những “nốt trầm” từ tuyến đầu chống dịch

Áp lực lớn nhất là

chứng kiến người bệnh...

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 21-8 đã có 14.543 nhân lực y tế về chi viện các tỉnh miền Nam. Đã có gần 4.000 cán bộ, nhân viên quân y về chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong đó, Bộ Y tế đã điều động khoảng 12.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam, gồm có hàng nghìn bác sỹ, hơn 2.000 điều dưỡng và hơn 6.000 giảng viên, sinh viên từ các trường y; Các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử gần 2.000 nhân viên y tế, với 438 bác sỹ và gần 1.300 cán bộ y tế, tình nguyện viên.

Những “nốt trầm” từ tuyến đầu chống dịch

Là một thành viên trong đoàn thầy thuốc của tỉnh Quảng Ninh lên đường hỗ trợ chống dịch tại BV Dã chiến số 12 TP Hồ Chí Minh, điều dưỡng Phạm Văn Võ, khoa Hồi sức Cấp cứu, BV Sản Nhi Quảng Ninh chia sẻ: Đoàn của chúng tôi gồm có 74 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đang công tác tại các Bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Đa khoa Cẩm Phả, Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, cùng các trang thiết bị. Đây đều là những cán bộ, y bác sĩ có kinh nghiệm trong chống dịch, có năng lực chuyên môn tốt để “chia lửa” với TP Hồ Chí Minh khi dịch Covid-19 đang bùng phát.

“Tất cả thành viên trong đoàn tham gia với tâm thế tình nguyện, là “mệnh lệnh từ trái tim của những người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch”, điều dưỡng Võ nói.

Ngay khi đến TP Hồ Chí Minh ngày 14-7, đoàn Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6, cùng tham gia điều trị cho trên 1.000 bệnh nhân mắc Covid-19. Sau đó, đoàn tiếp tục được điều động nhận nhiệm vụ mới tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, với quy mô khoảng 4.000 giường bệnh tại khu tái định cư Thủ Thiêm, phường An Khánh, TP Thủ Đức.

Khi lên đường nhận nhiệm vụ hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh, dù xác định được trước những khó khăn, khốc liệt-nhưng có lẽ đối với mỗi cán bộ, nhân viên y tế cũng khó có thể tưởng tượng ra thực tế lại nghiệt ngã như vậy.

Trên trang cá nhân, anh Võ viết: “Cơn bão này quá lớn! Sức người có hạn, dù dân quân, tình nguyện viên, y bác sĩ… rất yêu thương, đùm bọc đồng bào nhưng không thể cáng đáng hết được. Sài Gòn cần mọi người ở nhà, không có việc gì quá quan trọng đừng ra ngoài bởi đau thương còn nhiều lắm… Có rất nhiều cuộc chia ly mà đến giờ mình vẫn ám ảnh. Phải đi qua nó mới thấy cuộc sống rất vô thường”.

Những “nốt trầm” từ tuyến đầu chống dịch

“Tất cả thành viên trong đoàn tham gia với tâm thế tình nguyện, là “mệnh lệnh từ trái tim của những người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch”, điều dưỡng Võ nói (ảnh T.T)

Khi chứng kiến lượng bệnh nhân nhập viện hàng đêm, chứng kiến những câu chuyện, hoàn cảnh éo le của người bệnh, dù là đàn ông nhưng điều dưỡng Võ vẫn không thể cầm lòng. Đó là chuyện của một bệnh nhân nam 60 tuổi cầm túi đồ xuống khu cấp cứu - nơi vợ ông đang nằm thoi thóp thở. Quá nhiều đau buồn, mệt mỏi, bệnh nhân này đã bật khóc khi kể về hoàn cảnh “Con ơi chú khổ quá, ba mẹ chú mất cách đây 2 ngày mà giờ không biết thế nào…”. Trong khoảnh khắc ấy, “anh em tôi cúi mặt mà không biết phải động viên chú thế nào”, anh Võ viết.

Hay đó là “trường hợp một nữ bệnh nhân nhập viện cùng con gái 3 tuổi, nhà chị chả thiếu gì, nhưng lại hoàn cảnh vô cùng éo le. Covid-19 đã lấy đi 4 người thân của chị mãi mãi…”; là trường hợp bệnh nhân nam T.K.K cùng 6 người trong gia đình đi cách ly nhưng mỗi người mỗi ngả. Anh K. đã lạc người thân do 4 thành viên còn lại trong gia đình không có điện thoại. Thứ duy nhất anh có là tên, địa chỉ của người thân mình…”, anh xót xa.

Những “nốt trầm” từ tuyến đầu chống dịch

Chứng kiến những hoàn cảnh éo le của người bệnh, mỗi cán bộ/nhân viên y tế đều không thể cầm lòng (ảnh T.T)

Đối với BS. Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai-người luôn có mặt tại các điểm nóng về dịch Covid-19 để kịp thời hỗ trợ cho tâm dịch trong điều trị, cấp cứu bệnh nhân nặng thì những ngày chống dịch tại TP Hồ Chí Minh hiện lên chân thực.

Trên trang cá nhân, BS. Hùng chia sẻ chuyện sau ca trực: Ngả đầu tựa vào cái ghế trên xe đón về nhà nghỉ cũng chẳng cảm xúc gì, trong đầu chỉ có hình ảnh người bệnh thở và tiếng máy theo dõi phát ra thứ âm thanh đều đều đến nhàm chán nhưng không buồn ngủ… Bỗng ai đó lách chách buông câu vu vơ như muốn hỏi hay tự hỏi chính mình “hôm nay thứ mấy rồi nhở”. Ờ nhỉ, hôm nay là ngày mấy thứ mấy rồi?!

“15 năm làm hồi sức cấp cứu, ngày ngày đối mặt với nhiều cái chết và đủ loại cái chết cũng không thể tưởng tượng được sự khắc nghiệt và chứng kiến nỗi đau chạm đến phần sâu nhất trong mỗi con người như thế”, BS. Hùng trầm tư.

Ngay ngày đầu tiên tất cả đều choáng váng vì không tưởng tượng nổi mức độ nặng và đông đến thế. Rồi chết. Đi buồng, béo phì và rối loạn chuyển hóa rất nhiều. Có cô bé không nhìn thấy cổ đâu, ngồi hì hục thở cả đêm không nằm nổi... Cuộc chiến tranh giành sự sống lúc ấy mới thực sự là điều khủng khiếp. Phải chứng kiến người bệnh chết dần luôn là áp lực lớn nhất cho mỗi người điều trị. Nhưng vẫn phải cố gắng giúp cho những người còn lại, dù hết sức mong manh - BS. Hùng viết.

“Ở đây không ai được hít khí trời”

Cùng đoàn công tác của BV K vào hỗ trợ cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã gần 1 tháng, BS. Nguyễn Bá Tĩnh, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện K cho biết: "Ở đây không ai được hít khí trời".

BS. Nguyễn Bá Tĩnh chia sẻ, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là tuyến cuối, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, phải thở máy nên "để bệnh nhân được hít khí trời" trở thành mục tiêu của các y bác sĩ. Nơi này cũng đang thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu. Lượng bệnh nhân quá đông, lại toàn ca nặng, khiến bác sĩ nhiều lúc "choáng" với khối lượng công việc.

Các y bác sĩ đã chia 3 ca, 4 kíp làm việc 8 tiếng ban ngày và 10 tiếng ban đêm trong đồ bảo hộ cấp 4. Họ luôn phải cẩn trọng từng khâu, từ hút dịch cho bệnh nhân đến tháo bỏ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, trao đổi với đồng nghiệp luôn phải đúng quy định. Khi về khách sạn nghỉ, họp đều trực tuyến, phòng nào ở phòng nấy. Mọi người vẫn đùa nhau rằng "toàn tự chơi một mình".

Khoảng thời gian nghỉ giữa giờ, anh em cũng chỉ ra sảnh hít khí trời một chút. Việc ăn uống lại càng qua loa, có khi thức ăn đã nguội ngắt mà không có lò vi sóng để hâm lại cho nóng. Và BS. Tĩnh cùng mọi người đã chứng kiến đồng nghiệp ngoài chữa cho Nhân dân, còn phải chữa cho cả bố mẹ, anh chị em đang trở nặng...

Đó thực sự là những ngày nhiều tâm tư, cũng không tránh được những sự trĩu nặng đối với các bác sỹ, điều dưỡng trong tâm dịch.

Việc được “hít khí trời” đối với bệnh nhân cũng như các cán bộ/nhân viên y tế trong tâm dịch là điều vô cùng “xa xỉ”. Trong không gian đặc quánh ấy, họ phải cố gắng để… thở. Tại khu cấp cứu, khi mà thở thôi đã là may mắn - điều dưỡng Võ thốt lên.

Những “nốt trầm” từ tuyến đầu chống dịch

Những bàn tay bị hút cạn khí ô xy do mặc đồ bảo hộ, đi găng quá lâu... (ảnh P.V)

Đã là lực lượng tuyến đầu thì dù ở miền Nam hay miền Bắc, việc “thèm” được hít thở khí trời ở nơi tâm dịch cũng đều cháy bỏng như nhau. Ngay tại khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), BS. Lê Văn Thiệu chia sẻ câu chuyện đầy xúc động của cặp vợ chồng già xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hai ông bà được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 hôm 26-7, sau 1 tuần cả 2 đều chuyển nặng. Qua những ngày hỗ trợ hô hấp không xâm nhập tình trạng của cả 2 ông bà đều xấu đi... và bà có chỉ định cần can thiệp đặt ống thở máy. “Sau khi giải thích bà cần can thiệp bà để đảm bảo mức oxy cho cơ thể. Bà nghĩ ngay đến việc sẽ nhường cho ông”.

Mặc dù được bác sỹ giải thích mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và oxy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng, đúng thời gian. Trường hợp của ông cần tiếp tục theo dõi chứ không cần can thiệp ngay nhưng cụ bà vẫn lo lắng không đủ máy. Chỉ đến khi bác sỹ trấn an: "Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả 2 ông bà” thì bà mới yên tâm để bác sỹ can thiệp cho mình.

BS. Thiệu cảm kích: “Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hi sinh cho gia đình, hi sinh cho chồng, cho con cho dù.... não bà có đang thiếu oxy, dù bà có đang thở không ra hơi thì bà vẫn thều thào nói với chúng tôi vậy”.

Và tin vui đến khi cả 2 ông bà đều được rút ống thở máy, chuyển sang thở oxy thường. Bà được can thiệp sau ông nửa ngày. Chồng của bà đã nhờ bác sỹ chuyển đến người vợ tảo tần, yêu thương của mình lá thư với dòng chữ dù còn nguệch ngoạc và có những chỗ người ngoài không thể đọc rõ-nhưng có lẽ bà là người đọc được và hiểu rõ nhất những điều ông nhắn nhủ. Bức thư của ông có nội dung kể về 71 năm họ chung sống, yêu thương. Suốt thời gian ấy ông vẫn có “71 thương em”. Và ông nhắn nhủ bà rằng “em ơi cố lên”. Chắc hẳn khi đọc những lời nhắn nhủ đầy yêu thương đó bà sẽ có thêm động lực, sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật và quay về đoàn tụ cùng ông.

Những “nốt trầm” từ tuyến đầu chống dịch

BS. Lê Văn Thiệu, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương xúc động chia sẻ câu chuyện một cụ bà ở Hà Nội đòi nhường ô-xy cho chồng. Còn cụ ông lại gửi "thư tình" cho vợ với lời nhắn nhủ đầy yêu thương (ảnh T.Đ)

Những “Nốt trầm xao xuyến/Tan biến trong hòa ca”

Mặc dù các bác sỹ, điều dưỡng trong tâm dịch phải trải qua những giây phút trầm lắng, ưu tư khi chứng kiến những mất mát, thương đau nhưng họ vẫn giữ được ý chí, tinh thần chiến đấu với đại dịch với quyết tâm và niềm tin chiến thắng.

“Chuyến xe nhẹ tênh chở đầy những tâm tư trĩu nặng, lần đầu tiên chứng kiến cảnh bà chị la sát chảy nước mắt. Ai buồn thì cứ khóc đi, rồi hôm sau vào ca lại khua khoắng nhau hùng hục làm, lại gào thét như không có chuyện gì xảy ra cả…”, BS. Ngô Đức Hùng chia sẻ.

Và trong những tháng ngày khốc liệt này, niềm tin, động lực đối với mỗi nhân viên y tế chính là sự ổn định, hồi phục của bệnh nhân. Đoàn cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh Quảng Ninh vô cùng vui sướng khi có tới hơn 200 bệnh nhân tại BV Dã chiến số 12 (nơi họ hỗ trợ điều trị) được ra viện và số bệnh nhân nhập viện đã giảm đi.

“Được chứng kiến niềm vui, những giọt nước mắt lăn trên khóe mắt cùng nụ cười hạnh phúc khi thấy ai đó được xuất viện ra về là giây phút hạnh phút nhất. Bởi mới ngày hôm trước thôi, tại khu cấp cứu này họ còn phải thở máy, phải chạy đua thời gian cùng "tử thần", giành giật sự sống, hi vọng giữ cho nhịp thở bình thường, nhịp tim ổn định... Cảm ơn vì không bỏ cuộc”, điều dưỡng Võ bày tỏ.

Bày tỏ cảm kích khi các thầy thuốc của tỉnh Quảng Ninh chăm sóc mẹ mình chu đáo, con gái của bệnh nhân H.B.P. 65 tuổi cho biết: Gia đình chị có 4 người thì không may đều nhiễm Covid-19. Mẹ chị bệnh tình trở nặng được chuyển xuống khu Cấp cứu để chăm sóc, điều trị hỗ trợ thở oxy. Biết được tình hình của mẹ qua điện thoại, con gái bà vô cùng cảm kích trước sự chăm sóc tận tình của các đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh dành cho mẹ.

Chị xúc động: “Trong hoàn cảnh dịch bệnh rất căng thẳng như hiện nay, đội ngũ y bác sĩ rất vất vả, nhưng họ đã không vơi niềm nhiệt huyết, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm, chăm sóc chu đáo cho từng bệnh nhân như mẹ tôi. Tôi chia sẻ để mọi người thấy rằng, tình hình có khó khăn nhưng hi vọng vẫn còn, tình người luôn hiện hữu. Có khó mới thấy được tình người… Hãy vừng tin vào tuyến đầu chống dịch, tin vào nhà nước... lạc quan đoàn kết vượt qua đại dịch”.

Những “nốt trầm” từ tuyến đầu chống dịch

Được chứng kiến niềm vui, những giọt nước mắt lăn trên khóe mắt cùng nụ cười hạnh phúc khi thấy ai đó được xuất viện ra về là giây phút hạnh phút nhất, điều dưỡng Võ chia sẻ (ảnh T.T)

Ngoài ra, để xua đi những u ám trong tâm dịch đầy khốc liệt, nhiều cán bộ/nhân viên y tế đã tạo nên không khí lạc quan, vui tươi qua những cách thức rất độc đáo. Đó là BS. Dương Minh Tuấn, đoàn BV Bạch Mai chi viện cho TP Hồ Chí Minh đã ghi cả một bảng menu đồ ăn lên lưng áo. Nào là cơm tấm, bánh xèo, mì vịt tiềm, lẩu dê, nào là sủi cảo, cơm gà, bún mắm... Bảng liệt kê danh sách các món ăn này như một lời hứa hẹn: Khi nào hết dịch sẽ ăn thỏa thích.

Hay như nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Lan của đoàn y tế Phú Thọ-người đã từng tham gia hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch tháng 8-2020, hiện đang hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đã có cách đón mừng sinh nhật rất dễ thương bằng hình ảnh sau lưng của chính mình, với chú mèo máy Doreamon kèm lời nhắn “chúc sinh nhật vui vẻ nhé cô gái”.

Cùng với những cảm xúc xót xa thì điều dưỡng Võ cũng có những giây phút nhí nhảnh với video đăng trên Tik Tok mô tả cảnh chăm sóc cho bệnh nhân: Bộp bộp bộp… 100% bệnh nhân F0 được các thầy thuốc Quảng Ninh massage ngay tại phòng Cấp cứu, BV Dã chiến số 12. Từ hướng dẫn tư thế, vỗ rung, vận động, tập hít thở, tập ho,... giúp thông thoáng đường hô hấp, từ đó cải thiện và phục hồi chức năng hô hấp cho người bệnh. Bệnh nhân sướng, bác sỹ vui…

Những “nốt trầm” từ tuyến đầu chống dịch

Sự hồi phục của bệnh nhân là động lực để các thầy thuốc tiếp tục chiến đấu với đại dịch (ảnh T.T)

Lẽ thường tình, những thầy thuốc, nhân viên y tế trước hết cũng là một người bình thường. Vì thế, dù đã quen với việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhưng đứng trước đại dịch của nhân loại với sự mất mát, đau thương họ không thể không có những phút trùng xuống, những cảm xúc ưu tư. Thế nhưng, sau những khoảnh khắc ấy, họ lại tự nhủ phải cố gắng để vượt qua, bởi vẫn còn rất nhiều các bệnh nhân cần họ…

Những “nốt trầm” từ tuyến đầu chống dịch

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến lời bài hát Mùa Xuân nho nhỏ của nhạc sỹ Trần Hoàn, phổ thơ Thanh Hải: “Ta làm con chim hót/Ta làm một nhành hoa/Một nốt trầm xao xuyến/Tan biến trong hoà ca”.

Phải, cho dù cuộc chiến chống đại dịch có nghiệt ngã bao nhiêu, có cả mất mát, hi sinh nhưng họ vẫn lặng lẽ làm việc, vẫn khắc phục khó khăn, vượt qua mệt mỏi để cứu chữa cho người bệnh. Họ cứ thế cống hiến thầm lặng như “một nốt trầm xao xuyến” trong cuộc chiến chống Covid-19 đầy khốc liệt. Để rồi, những cống hiến, hi sinh đó sẽ hòa chung vào bản “hòa ca” của dân tộc; góp phần vào cuộc chiến chung của đất nước với niềm hi vọng, niềm tin hướng đến đẩy lùi dịch bệnh vào một ngày không xa.

Nội dung và thiết kế: Phong Châu