Thứ sáu 29/03/2024 11:45

Những người trẻ gìn giữ và phát triển văn hoá Việt Nam qua tà áo truyền thống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bằng việc nghiên cứu, phục dựng và cách tân các trang phục truyền thống của Việt Nam, các nhà thiết kế trẻ của Dingo Đông Dương đã đem đến một cái nhìn mới hơn, hiện đại hơn về cổ phục Việt tới công chúng, từ đó góp phần lan tỏa, lưu giữ và phát triển trang phục truyền thống Việt Nam.

Nỗ lực cách tân cổ phục

Được thành lập bởi 3 bạn trẻ: Lê Thúy Ngân, Phùng Tố Uyên, Trần Huyền và chính thức ra mắt công chúng vào tháng 11-2020 với cái tên Dingo Đông Dương, cái tên được lấy cảm hứng từ một trong “Tứ quốc khuyển” của Việt Nam nhằm mang cảm giác tân tiến, vui vẻ tới khách hàng nhưng vẫn đậm chất Việt, Dingo Đông Dương đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng yêu Việt phục vốn đã có nhiều “ông lớn” như Ỷ Vân Hiên, Little For, TaTa Home,…

Chia sẻ về đứa con tinh thần, Nhà thiết kế Lê Thúy Ngân, một trong ba Founder (người sáng lập) của Dingo Đông Dương cho biết: “Là một sinh viên tốt nghiệp Học viện Thời trang London và cũng là người đã có đam mê với những trang phục truyền thống các nước, nhờ có sự hỗ trợ từ nhà trường, bản thân tôi được tiếp xúc với rất nền kiến thức phục trang của các nước như Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn... Tôi thấy họ đã làm rất tốt trong việc bảo tồn và phát triển thời trang phục thống. Việt Nam cũng có bề dày truyền thống văn hoá và trang phục rất đặc sắc ở cả 54 dân tộc anh em. Vì thế, chúng tôi mong muốn góp một phần sức lực vào công cuộc gìn giữ và phát triển những nét đẹp của cổ phục Việt”.

Những người trẻ gìn giữ và phát triển văn hoá Việt Nam qua những tà áo truyền thống

NTK trẻ Lê Thúy Ngân trong quá trình sáng tạo tác phẩm

Tái hiện những cái cũ, đem những thứ từ thế hệ trước dung hòa vào cuộc sống hiện tại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Hành trình nghiên cứu, phục dựng và cách tân trang phục truyền thống của Dingo Đông Dương cũng vậy.

“Khi bước vào quá trình nghiên cứu, tôi nhận ra một điều đó là Việt Nam không có nhiều tài liệu, sách vở lưu trữ các thông tin về những trang phục truyền thống. Đa số các kiến thức mà mình có được là từ bộ môn Mỹ thuật Việt Nam đã học cùng một người thầy tại trường Sân khấu Điện ảnh. Ngoài ra, tôi cũng dựa vào một số hình ảnh, tư liệu, tượng Phật cũ được lưu giữ đến bây giờ để nghiên cứu và phát triển cổ phục Việt” – Lê Thúy Ngân chia sẻ.

Không chỉ nghiên cứu, phục dựng, Dingo Đông Dương cũng ấp ủ mong muốn cách tân các trang phục truyền thống Việt Nam sao cho hiện đại hơn, phù hợp hơn với thời đại ngày nay. Tuy nhiên, việc vừa giữ được những nét truyền thống của cổ phục Việt Nam, vừa thổi được hơi thở hiện đại vào bộ trang phục luôn là câu hỏi khó cho các Nhà thiết kế của Dingo Đông Dương. Với nhiệt huyết cháy bỏng, làm việc không ngừng nghỉ, những nhà thiết kế trẻ đã giải quyết được bài toán này thông qua việc sáng tạo các tác phẩm dựa trên các chất vải, phom dáng mới, đem lại sự thoải mái cho người mặc, đồng thời kết hợp với những họa tiết, phụ kiện hiện đại, phá cách nhưng vẫn giữ lại những yếu tố cơ bản nhất của Việt phục như cách cắt, cách ráp áo, hoặc chi tiết quần,…

Những người trẻ gìn giữ và phát triển văn hoá Việt Nam qua những tà áo truyền thống
Các tác phẩm của Dingo Đông Dương dựa trên các chất vải, phom dáng mới, đem lại sự thoải mái cho người mặc

Có thể nói rằng, trong công việc cải biên cổ phục, sức sáng tạo là lợi thế nhưng cũng là “gót chân Asin” của của các nhà thiết kế khi mà sự sáng tạo có thể vượt qua cái truyền thống, khó để hài hòa giữa hơi thở lịch sử và hiện đại. Tuy nhiên, điều mà những người trẻ này theo đuổi là hơi thở của sự mới mẻ trong những giá trị truyền thống, những nhà thiết kế của Dingo luôn khai thác vào những chi tiết đặc trưng để gìn giữ những phần Việt và phát huy cái tôi của mình trong đó.

“Tôi tin là với mỗi tình yêu với Việt Phục, các nhà thiết kế sẽ có cách để khai thác và sáng tạo, vừa mang ý nghĩa cải tiến nhưng vẫn đậm chất truyền thống.” – Ngân chia sẻ.

Điều bình dị trong mối tương quan truyền thống và hiện đại

Trải qua một hành trình nghiên cứu miệt mài cùng với sự nỗ lực không ngừng, vào tháng 11-2020, Dingo Đông Dương đã cho ra mắt công chúng dự án Việt phục đầu tiên mang tên “Thanh xuân có Dingo”. Đúng như cái tên, bộ sưu tập đã mang đến cho người xem bầu không khí thanh xuân học đường tràn đầy sức sống. Những chiếc áo tấc đã được các “phù thủy” của Dingo Đông Dương biến tấu, thổi vào hơi thở hiện đại, khiến bộ trang phục truyền thống trở nên hiện đại, trẻ trung và năng động hơn rất nhiều.

Với thiết kế thanh lịch, màu sắc tươi sáng đem lại cảm giác tươi tắn, sống động của tuổi trẻ, những chiếc áo tấc của dự án “Thanh xuân có Dingo” đã nhận được sự khen ngợi, tán thưởng từ công chúng, đưa cổ phục Việt đến gần hơn tới giới trẻ Việt Nam.

Những người trẻ gìn giữ và phát triển văn hoá Việt Nam qua tà áo truyền thống

Những chiếc áo tấc đã được các “phù thủy” của Dingo Đông Dương biến tấu, thổi vào hơi thở hiện đại, khiến bộ trang phục truyền thống trở nên hiện đại, trẻ trung và năng động hơn

Chia sẻ về dự án, nhà thiết kế Lê Thúy Ngân cho hay: “Nguồn cảm hứng để chúng mình thực hiện dự án này là từ cuộc tranh luận về việc nam sinh có nên mặc áo dài đến trường hay không? Trên thực tế, hiện còn khá nhiều bạn còn ngại ngùng khi mặc những bộ trang phục truyền thống này đến trường. Theo mình, đối với vấn đề này chúng ta không nên ép buộc mà thay vào đó là những bộ trang phục truyền thống mà khiến các bạn nhìn vào là muốn mặc nó đến trường ngay”.

Dự án "Thanh Xuân có Dingo" được thực hiện trong 2 tuần, bắt đầu từ khâu ý tưởng cho đến thiết kế và hoàn thành bản mẫu đầu tiên, bản thân vẫn là một nhãn hàng non trẻ, Dingo Đông Dương đã phải rất cân nhắc về những chi tiết được khai thác, cũng như màu sắc, hình dáng của sản phẩm.

“Đối với mình đó là một khoảng thời gian khá khó khăn, khi phải cố gắng đưa ra những quyết định chính xác cho sản phẩm, thực lòng lúc đặt kéo cắt những mét vải đầu tiên luôn làm cho mình cảm thấy áp lực, nhưng khi đã bị cuốn theo rồi thì hãy để cho sản phẩm lên tiếng vậy.” – NTK Lê Thúy Ngân chia sẻ.

Gây được tiếng vang từ những sản phẩm đầu tiên, các thành viên của Dingo Đông Dương không vì thế mà ngủ quên trên chiến thắng. Mỗi người đều vẫn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều những mẫu áo truyền thống trên nhiều chất liệu khác nhau. Mới đây, vào tháng 1-2021, Dingo Đông Dương đã cho ra mắt Bộ sưu tập áo tấc từ chất liệu lụa mềm mại, phục vụ nhu cầu khách hàng nhân dịp Tết đến xuân về.

Nhà thiết kế Lê Thúy Ngân chia sẻ thêm: “Hiện tại, mục tiêu của Dingo là đưa Việt phục tới gần hơn với giới trẻ, đặc biệt là cộng đồng yêu cổ phục Việt. Hơn thế, chúng tôi cũng mong muốn thông qua những hình ảnh của Dingo Đông Dương, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ có một cái nhìn gần gũi hơn về trang phục truyền thống Việt Nam”.

Chia sẻ về dự định dài hơi hơn, những nhà thiết kế trẻ này cũng đang nghiên cứu về những trang phục truyền thống của các triều đại xa hơn, như thời Lý, thời Trần để đem lại cho công chúng những kiến thức, hiểu biết về trang phục cổ truyền Việt Nam nói riêng và văn hóa truyền thống của dân tộc ta nói chung. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng đã và đang cố gắng nghiên cứu, cách tân các trang phục truyền thống thành những bộ đồ gọn nhẹ, thanh lịch lại không kém phần năng động mà các bạn có thể mặc hằng ngày, đưa cổ phục Việt vào sâu trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Lê Thuý Ngân kể lại, khi còn ngồi trên ghế giảng đường, người giảng viên mà cô rất yêu quý đã từng nói với Ngân một câu đại ý “Thiết kế sẽ đến từ những điều ngay cạnh em, thân quen với em nhất”, và lời nói đó đã trở thành kim chỉ Nam, là cảm hứng để Ngân cùng các nhà thiết kế theo đuổi đam mê với cổ phục Việt Nam.

“Tôi đã quen với những tấm áo dài của các mẹ các bà của chính mình những năm tháng còn trên lớp, mình và các bạn muốn tạo dựng một Việt phục rất khác, một việt phục vừa quen vừa lạ, nhưng lại dễ được tiếp nhận hơn từ giới trẻ” – Ngân bộc bạch.

Nguyễn Ngân
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động